Cần "gói" cơ chế đặc thù cho phát triển nhân lực ngành bán dẫn

THY HẰNG 23/04/2024 01:00

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn cần đưa ra những "gói" cơ chế, chính sách đột phá đặc thù.

>>>Kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành hub của ngành bán dẫn toàn cầu

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự hiểu biết thấu đáo về mối quan hệ giữa công nghiệp điện tử và bán dẫn.

Đề án

Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đang được lấy ý kiến.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, thị trường chip bán dẫn của thế giới có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm liên tục trong 20 năm vừa qua, dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Từ nay đến năm 2030, thế giới cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam.

Bộ KH&ĐT ước tính đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP. 

Để giải quyết nhu cầu này, đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đề ra giải pháp đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên, mở rộng mạng lưới đào tạo lao động ngành bán dẫn và các ngành liên quan với khoảng 200 cơ sở, đầu tư 4 trung tâm bán dẫn dùng chung, 20 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn.

GS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM cho rằng, muốn phát triển nhanh thì phải có cơ chế đột phá về đào tạo giảng viên, dùng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và các phòng thí nghiệm liên quan, thu hút các chuyên gia nước ngoài…

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng đánh giá, với điều kiện hiện nay, hai khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam có lợi thế là thiết kế, đóng gói, kiểm thử chip và các trường đang rất cần dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực vi mạch bán dẫn để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo hữu hiệu.

"Cơ chế chính sách phải xây dựng rất nhanh, nguồn lực sẵn sàng để khi Đề án được phê duyệt thì triển khai được ngay", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Hồng Thái đề nghị, Chính phủ cần đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và có chính sách ưu tiên cho các bên tham gia vào hệ sinh thái đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.

>>>“Thỏi nam châm” cho ngành bán dẫn

Khẳng định Đề án có tầm quan trọng rất lớn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự hiểu biết thấu đáo về mối quan hệ chặt chẽ giữa công nghiệp điện tử và công nghiệp bán dẫn, yêu cầu của nguồn nhân lực, các khâu thiết kế, chế tạo, sử dụng các sản phẩm vi mạch, bán dẫn.

 đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn.

Dự kiến, đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn.

"Chúng ta cần xác định chiến lược xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, trong chiến lược phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp điện tử, từ đó đặt hàng nhiệm vụ đào tạo nhân lực xu thế, dự báo chính xác thị trường", Phó Thủ tướng nói và cho rằng "cần lựa chọn khâu, công đoạn để tập trung làm chủ trong chuỗi giá trị sản phẩm bán dẫn".

Theo Phó Thủ tướng, Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn cần đưa ra những "gói" cơ chế, chính sách đột phá đặc thù để tháo gỡ vướng mắc về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu tư công, nghiên cứu và phát triển.

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp để hình thành và bảo đảm các điều kiện về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Việt Nam cũng cần đặt hàng nhằm hình thành các nhóm nghiên cứu, chuyên gia về thiết kế vi mạch bán dẫn, vật liệu, công nghệ thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Thiếu nguồn nhân lực bán dẫn, Mỹ loay hoay giải quyết

    03:30, 21/04/2024

  • “Đón đầu” chuỗi cung ứng bán dẫn Đài Loan

    12:00, 20/04/2024

  • Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn: Cần cơ chế, chính sách đột phá

    03:30, 20/04/2024

  • Công nghệ bán dẫn - công nghệ lõi định hướng phát triển kinh tế số

    00:30, 18/04/2024

THY HẰNG