30/04 - Chuyện kể từ người cầm súng

PHẠM TUẤN 30/04/2024 05:01

Gần đến ngày 30/04 tôi có dịp về quê lại được ngồi hầu chuyện các chú, các bác.

>>Hào khí Ngày thống nhất đất nước

Chú tôi - người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, phục viên rồi lại tái ngũ chống quân bành trướng Trung Quốc. Cả tuổi thanh xuân trai trẻ chú đều gửi lại nơi chiến trường đầy bom đạn, thời sung sức nhất của đời người, chú ở trọn nơi rừng sâu núi thẳm, chiến đầu chống kẻ thù giành độc lập tự do cho dân tộc.

Những câu chuyện của chú nghe thật đến trần trụi, nhưng là bài học thật dễ hiểu về sự tàn khốc của chiến tranh, nơi thương đau mất mát và ở cùng cái chết như một điều thật giản đơn.

Phạm song Toàn là sĩ quan trung đội trưởng. Hồi đánh giải phóng Sài gòn

Sĩ quan Phạm song Toàn (ngoài cùng bên trái), Trung đội trưởng tham gia trận đánh giải phóng miền Nam (nhân vật được nhắc đến trong bài viết)

Chú tôi được thưởng Huy chương Chiến công hạng Nhì, được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận với thành tích bắt sống một thiếu tá tiểu đoàn trưởng nguỵ cùng một cố vấn Mỹ ngày 26 tháng 3 năm 1975. Trước đó, chú tôi phối hợp cùng đồng đội bắn cháy một xe thiết giáp M113 trong một trận chống càn.

Nếu chiến tranh còn kéo dài, nhiều khả năng chú tôi sẽ hy sinh hoặc sẽ được phong anh hùng. Vì những người được thưởng huy chương chiến công rồi họ sẽ dũng cảm hơn hẳn, sẽ quyết tâm hơn trong chiến đấu giành thêm chiến công để được phong anh hùng dù có phải hy sinh.

Bạn bè cùng đơn vị về thăm chú, tôi cũng có dịp được gặp. Họ được khen ngợi chú tôi dũng cảm, không sợ chết, có lối đánh táo bạo, áp sát làm bọn địch bất ngờ. Khi có bạn bè thì chú tôi không nói gì nhưng bạn bè về thì nói với người nhà: “Hiếm người không sợ chết lắm, tôi cũng sợ chết lắm, nhưng không đánh như thế thì còn chết nhanh hơn. Quân địch lắm bom, nhiều đạn, xe tăng, máy bay, pháo lớn, có muốn chạy cũng không chạy kịp nên phải áp sát đánh thật gần…”.

Chú kể, dịp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, quân địch nhiều nơi chống cự ác liệt lắm, đặc biệt là thành phần di cư vào Nam năm 1954. Bọn chúng có tư tưởng thâm thù với chế độ cộng sản, liều chết chiến đấu và rất tàn bạo khi bắt được chiến sĩ quân giải phóng.

Khi năm cánh quân rầm rập khí thế tiến đánh Sài Gòn, quân đội nguỵ quyền bung vỡ tan tành từng mảng lớn đúng như câu “binh bại như núi lở”, nhưng quân ta thiệt hại không hề nhỏ. Vũ khí phía quân nguỵ vẫn còn dồi dào, vẫn còn lực lượng điên cuồng chống lại, hy sinh nhiều nhất trong đợt này lại là các chiến sĩ đặc công, lực lượng có nhiệm vụ đặc biệt là bảo vệ các cây cầu tiến vào nội đô không cho địch đặt thuốc nổ phá hoại, giúp lực lượng tăng, thiết giáp, trọng pháo có thể hành tiến vào sào huyệt của nguỵ quân, nguỵ quyền.

Để chống lại quân địch chăng rào thép gai ngang con sông rồi đấu nối dòng dây điện cao thế xuống và đóng cầu dao, đặc công nước của ta hy sinh nổi đầy trên mặt sông.

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 (ảnh tư liệu)

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 (ảnh tư liệu)

Ngay cả cổng Dinh Độc Lập cũng được đấu nối với dòng điện cao thế, khi xe tăng ta tiến vào húc đổ cổng, thật may mắn lúc đó dòng điện đã được ngắt cầu dao, nếu không chắc chắn những chiếc xe tăng 843 hay xe 390 sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng và khả năng những chiếc xe sau sẽ nổ súng tấn công dinh. Được ngắt điện nên việc bắt sống nội các buộc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện diễn ra sớm hơn, máu xương chiến sĩ ta được giảm bớt đi rất nhiều.

Chú tôi kể, tham gia chiến đấu thì chú tôi anh dũng như thế, nhưng từ khi nhận thông báo Tổng thống quân nguỵ đọc tuyên bố đầu hàng thì chú tôi lại ở rịt trong hầm. Chỉ vì chú suy nghĩ mình chết hụt bao nhiêu lần, ông bà tổ tiên phù hộ sống được tới ngày toàn thắng rồi thì phải giữ bằng được sinh mạng này về với mẹ, về với quê cha đất tổ thực hiện điều người đàn ông cần làm. Đất nước bị quân giặc xâm lăng thì đứng lên cầm súng đánh đuổi chúng, hoà bình rồi thì được về cầm cày với con trâu làm lụng trên cánh đồng quê hương. Thong thả sống để đến ngày về với ông bà tổ tiên.

Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Đại tướng Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các bị bắt và phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện trước Quân giải phóng (ảnh tư liệu)

Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Đại tướng Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các bị bắt và phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện trước Quân giải phóng (ảnh tư liệu)

Sau giải phóng, đơn vị chú tôi thu được rất nhiều chiến lợi phẩm từ súng ống, đạn dược, đến tiền, vàng, đô la từ văn phòng của đơn vị quân đội nguỵ, kho quân nhu cho đến văn phòng dân dụng. Chú tôi cho anh em tập hợp nộp lại ngay cho Ban Tài chính Sư đoàn. Chú tôi vẫn nhắc lại lời tuyên huấn: Chiến lợi phẩm là máu xương của thương binh, liệt sĩ, là công sức của bao đồng chí, không ai được tư túi mà phải chuyển hết cho tài chính Sư đoàn.

Quan niệm của chú tôi đơn giản lắm: “Mình còn được sống, được về với mẹ là may mắn hơn bao nhiêu anh em chiến sĩ hy sinh, bị thương, tham lam gì những thứ của địch”.

Về quê, hành trang trong ba lô chú tôi là mấy con búp bê cho mấy đứa cháu gái, mấy mảnh vải quân nhu phát chưa dùng để làm quà, cái la bàn của thằng biệt kích mà đơn vị chú tôi bắt sống. Thế mà chú tôi bảo “chú vui như mang cả ba lô của cải của thế giới mang cả về nhà”.

Tưởng được về nhà làm ruộng, thế rồi chú tôi lại tái ngũ lại tham gia chiến trường biên giới. Để đến giờ khi ngoài bảy mươi, chú vẫn kết luận: “Không gì sung sướng bằng cuộc sống hoà bình”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hào khí Ngày thống nhất đất nước

    11:00, 30/04/2023

  • 47 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: Sài Gòn và niềm vui Tết thống nhất

    16:00, 30/04/2022

  • 47 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: Mạch nguồn của người Việt

    15:00, 30/04/2022

  • 47 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: Nội lực niềm tin

    14:30, 30/04/2022

PHẠM TUẤN