“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 6 – Quảng cáo một đằng, hàng giao một nẻo
Bên cạnh những trang mạng bán hàng uy tín vẫn có không ít cá nhân, tổ chức đưa hàng giả, kém chất lượng ra chợ online tiêu thụ, điều này khiến thị trường kinh doanh online ngày càng bát nháo…
>>“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 5 – “Bêu xấu”… “dìm” đối thủ
Hàng “dởm” tràn lan
Thương mại điện tử đặc biệt hình thức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến vì sự tiện lợi cho khách hàng và thu nhập “khủng” cho người bán. Hình thức livestream bán hàng tại Việt Nam bùng nổ vào khoảng đầu năm 2019 và càng được ưa chuộng trong giai đoạn dịch Covid-19, khi người tiêu dùng ưu tiên mua sắm trực tuyến.
Sức hấp dẫn của livestream như một dạng truyền hình trực tiếp mang tính tương tác cao giữa người bán với người xem. Người mua có thể chủ động thắc mắc về sản phẩm và được trả lời. Chỉ cần để lại số điện thoại, ngay lập tức sẽ có người liên hệ chốt đơn hàng. Thao tác mua bán diễn ra rất nhanh cùng mức giá “ưu đãi” chỉ có trong giờ livestream.
Tuy nhiên, bên cạnh các trang thương mại điện tử làm ăn nghiêm chỉnh, tạo dựng độ tin tưởng ở người dùng, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự sôi động của không gian này, sử dụng nhiều hình thức tinh vi để kiếm lời bằng cách tuồn vào tiêu thụ số lượng lớn hàng giả, hàng lậu, vi phạm pháp luật.
Chỉ cần một tài khoản hợp lệ và đăng ký quảng cáo, người dùng dễ dàng trở thành đại lý bán hàng, tiếp cận hàng chục nghìn người mỗi ngày. Hầu hết các sản phẩm đủ loại “thượng vàng hạ cám” bán qua livestream đều được quảng quảng cáo là “siêu rẻ”, “chất lượng tốt nhất”, “chỉ dành cho những người nhanh tay nhất”, song đó chỉ là những chiêu dụ, phỉnh khách hàng. Đến khi nhận hàng nhiều người không khỏi thất vọng khi quảng cáo một đằng, hàng giao một nẻo.
Trong “rừng” kênh kinh doanh, mua bán dạng này, hàng thật, hàng giả lẫn lộn, khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận và chịu không ít tổn thất khi mua hàng, công tác quản lý, kiểm soát cũng vô cùng khó khăn.
Chia sẻ về nội dung này, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường từng thẳng thắn cho biết, có thời điểm lực lượng quản lý thị trường triệt phá một kho hàng ở tỉnh Gia Lai đã chứng kiến các đối tượng này livestream bán hàng trên Facebook với lượng theo dõi lên đến hàng chục ngàn người. Người đứng đầu lực lượng quản lý thị trường còn cho biết, khi kiểm tra kho hàng của các đối tượng cho thấy 100% sản phẩm hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng.
Còn Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, cho biết thời gian qua hội nhận rất nhiều phản ánh của người tiêu dùng về tình trạng mua hàng kém chất lượng qua mạng xã hội, livestream nhưng điểm chung là đơn khiếu nại không có địa chỉ cụ thể của tổ chức, cá nhân bán hàng.
"Có người còn kể họ mua hàng dởm qua trang Facebook, khi comment phàn nàn thì bị chủ trang đó chặn luôn. Chúng tôi nhận đơn nhưng không thể mời người bán đến để hòa giải theo chức năng của hội nên phải từ chối. Có người tiêu dùng bức xúc kiện đến tòa nhưng tòa cũng không nhận đơn vì lý do tương tự. Chỉ có cơ quan công an mới có chức năng điều tra nhưng thường những vụ có giá trị thiệt hại nhỏ, vài trăm ngàn đồng nên công an cũng không tiếp nhận”, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM cho biết.
>>“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền
Cần chế tài đủ mạnh để răn đe
Từ góc nhìn pháp lý, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho biết, tình trạng livestream quảng cáo bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả ngày càng phổ biến. Một phần do người dân khi mua hàng trên mạng xã hội còn cảm tính, ham đồ rẻ, khi theo dõi mua hàng tại các buổi livestream thường có tâm lý sợ mất lượt mua nên không có thời gian để tìm hiểu về hàng hóa, mua hàng theo đám đông, dễ tin vào các lời quảng cáo của người bán hàng, đặc biệt người bán hàng đó lại là người nổi tiếng thì lại càng dễ tin. Mặt khác, do chưa có các biện pháp đủ mạnh để có thể kiểm soát được các hoạt động livestream bán hàng trên mạng.
"Việc gian dối, bán hàng nhái, hàng giả... là hành vi vi phạm pháp luật và xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm, các hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, nếu trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015", Luật sư Nhung nói.
Theo luật sư Lê Thị Nhung, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ quản của sàn thương mại điện tử, nền tảng số, mạng xã hội có các hoạt động livestream bán hàng, để các đơn vị này có các động thái: Cho phép người dân báo cáo tài khoản livestream bán hàng giả, hàng kém chất lượng; có các biện pháp kiểm soát đăng ký tài khoản có hoạt động livestream bằng các thông tin thật; chỉ cho phép livestream bán hàng khi có giấy phép đăng ký kinh doanh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép; có các biện pháp xử lý nghiêm nếu các tài khoản livestream vi phạm quy định: Khóa tài khoản, trừ tiền ký quỹ...; chia sẻ dữ liệu các tài khoản livestream vi phạm pháp luật về buôn bản hàng giả tới cơ quan chức năng để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua đó, nhằm đưa hoạt động kinh doanh này vào trật tự, chịu sự quản lý, giám sát từ phía các cơ quan nhà nước, cùng các chế tài xử lý vi phạm phù hợp.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 5 – “Bêu xấu”… “dìm” đối thủ
03:30, 21/04/2024
“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 4 – Những nạn nhân của … “thời đại”
03:00, 19/04/2024
“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 3 – Rầm rộ phong trào… “bóc phốt”
03:10, 17/04/2024
“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 2 – Gieo “mầm độc” để bán hàng
03:20, 14/04/2024
“Góc khuất” kinh doanh online: Bài 1 – “Điên loạn” để… sinh tiền
03:00, 13/04/2024