Giải “cơn khát” lao động chất lượng cao của doanh nghiệp
Nền tảng chuyên môn tốt và kinh nghiệm thực tiễn là 2 yếu tố giúp nâng cao hiệu suất làm việc. Đây cũng chính là điều thị trường lao động đang “khát”, đặc biệt ở khối ngành kỹ thuật.
Diễn ra từ 15/4 - 24/5/2024, cuộc thi "Thiết kế và Cải tiến máy SMAE Award 2024” nhằm khuyến khích sáng tạo, phát triển tài năng trẻ trong lĩnh vực thiết kế máy xoay quanh Thiết kế và Cải tiến Máy Chấm Keo được cung cấp bởi MISUMI Việt Nam. Cuộc thi được hội đồng chuyên môn trường SMAE đánh giá là dịp để sinh viên vừa thực hành lý thuyết đã học trên giảng đường, vừa cọ xát với yêu cầu cải tiến “đảm bảo hiệu suất – tối ưu chi phí” là bài toán của hầu hết các doanh nghiệp hiện nay.
Rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết tới thực tiễn
Cuộc thi năm nay diễn ra qua 2 vòng chính với độ khó tăng dần, yêu cầu thí sinh vận dụng tối đa kỹ năng thiết kế máy, đề xuất ý tưởng cải tiến và mô hình hóa ý tưởng thông qua bản vẽ 3D cùng video mô phỏng.
Tại vòng 1 (23/4 – 5/5/2024), các kỹ sư tương lai cần quan sát, đo đạc máy, sử dụng website của MISUMI để tìm đúng mã linh kiện, tải bản vẽ linh kiện cấu thành, dựng lại bản vẽ 3D của máy và đề xuất ý tưởng cải tiến cụm linh kiện còn thiếu. 6 ý tưởng xuất sắc nhất sẽ được đi tiếp vòng 2 diễn ra vào ngày 17/5/2024. Các đội có 3 tiếng thi trực tiếp trên máy để mô hình hóa ý tưởng thành bản vẽ 3D hoàn chỉnh và video mô phỏng hoạt động của máy.
Trong cuộc thi SMAE Award 2024, sinh viên được tiếp cận với Máy Chấm Keo. Đây là máy tự động hóa có tính ứng dụng thực tế cao trong hầu hết các ngành sản xuất hiện nay: Linh kiện Điện – Điện tử, Chế tạo Máy in, Điện thoại, Máy tính, Linh kiện Ô tô – Xe máy…
Yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho cuộc thi 2 cụm chức năng của máy sẽ được tháo bỏ trước khi công bố cho sinh viên. Ý tưởng cải tiến cho cụm chức năng còn thiếu cần đảm bảo được chức năng hoạt động của máy chấm keo và tối ưu được tối đa chi phí so với phương án thiết kế máy ban đầu.
Sáng kiến độc đáo này đến từ MISUM – đơn vị đồng hành tài trợ cuộc thi, với mong muốn sinh viên được tiếp cận và tham gia giải quyết thách thức thực tiễn của doanh nghiệp. Chia sẻ về thử thách trong cuộc thi năm nay, ông Hoàng Khải Hưng – thành viên Ban cố vấn 4CHaUI – cho biết: “Thiết kế và cải tiến máy nhằm đáp ứng hiệu suất và tiết kiệm chi phí là bài toán của mọi doanh nghiệp hiện nay. MISUMI Việt Nam đã mang góc nhìn thực tiễn của doanh nghiệp vào cuộc thi và đưa ra những thử thách cho sinh viên như cho một đội kỹ sư trong nhà máy sản xuất.”
Cung cấp nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp
Nền tảng chuyên môn tốt và kinh nghiệm thực tiễn là 2 yếu tố giúp nâng cao hiệu suất làm việc. Đây cũng chính là điều thị trường lao động đang “khát”, đặc biệt ở khối ngành kỹ thuật. Con số 89,4% doanh nghiệp tuyển dụng yêu cầu ứng viên có khả năng làm việc thực tế (theo Báo cáo thị trường tuyển dụng của TopCV) là minh chứng cho điều này.
Ông Tomohiro Watanabe, Tổng Giám đốc MISUMI Việt Nam, chia sẻ: “Trong tầm nhìn chiến lược, MISUMI cam kết đầu tư vào việc nâng cao hiệu suất lao động của các kỹ sư, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong ngành công nghiệp. Từ việc cung cấp linh kiện tiêu chuẩn chất lượng cao đến việc cải tiến website, xây dựng thư viện CAD, biên soạn catalog, MISUMI Việt Nam góp phần nâng cao năng suất của kỹ sư và sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp.”
MISUMI chủ trương hỗ trợ sự phát triển của đội ngũ sinh viên kỹ sư trẻ qua việc đồng hành trong các cuộc thi chuyên ngành, nhằm mang tới cho sinh viên cơ hội cọ xát, gia tăng kinh nghiệm thực tiễn. Chia sẻ về việc hợp tác với Trường Ô tô – Cơ khí và Cộng đồng Kĩ sư 4CHaUI, bà Ngô Thị Thuỳ Dung, Trưởng phòng Marketing, MISUMI Việt Nam cho hay: “Thông qua cuộc thi SMAE lần này, MISUMI Việt Nam mong muốn trang bị các công cụ hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả cho đội ngũ kỹ sư trẻ sáng tạo và đầy tài năng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Kỹ thuật.”
Năm nay, bên cạnh việc đồng hành tổ chức cuộc thi SMAE Award 2024, MISUMI Việt Nam còn tổ chức 02 buổi đào tạo với chủ đề “Tận dụng website MISUMI như một kỹ sư thiết kế máy chuyên nghiệp”. Hoạt động nhằm giúp sinh viên tiếp cận công cụ tìm kiếm linh kiện, tải bản vẽ 3D của linh kiện tiêu chuẩn một cách nhanh chóng, dễ dàng phục vụ cho bài thi và cho công việc sau này.
Trong thực tế 60 năm lịch sử tại Nhật Bản và gần 10 năm tại Việt Nam, MISUMI đã và đang khẳng định đóng góp của mình trong việc nâng cao năng suất làm việc của các kỹ sư thiết kế máy. Nhờ thư viện bản vẽ 3D của hàng triệu linh kiện tiêu chuẩn thuộc ngành tự động hóa, khuôn dập, khuôn nhựa, MISUMI Việt Nam đã giúp tiết kiệm được thời gian thiết kế đáng kể cho kỹ sư, thiết kế của các doanh nghiệp sản xuất, lắp máy. Doanh nghiệp cũng tích cực đồng hành cùng đội ngũ kỹ sư tương lai trong nhiều hoạt động mà điển hình là cuộc thi SMAE Award 2024.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn: Phải có cơ chế đột phá
03:50, 24/04/2024
Cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
07:22, 23/04/2024
Cần "gói" cơ chế đặc thù cho phát triển nhân lực ngành bán dẫn
01:00, 23/04/2024
Nâng "chất" du lịch Việt Nam từ nguồn nhân lực
02:00, 16/04/2024
Kết nối nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Đà Nẵng
10:03, 13/04/2024