Xanh hoá là mục tiêu quan trọng trong phát triển du lịch
Du lịch xanh là cách tiếp cận mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch, là nguyên tắc, xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới.
>>Hướng đi phát triển bền vững du lịch thông minh
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định, du lịch xanh là cách tiếp cận mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch, được xác định là nguyên tắc, xu thế chung trong phát triển du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã nhấn mạnh quan điểm phải phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Tiêu chí xanh hóa là mục tiêu quan trọng, tuy nhiên bên cạnh đó có rất nhiều thách thức cần được tháo gỡ. Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, một trong những thách thức cần đề cập là tình trạng quá tải khách du lịch ở một số điểm đến gây áp lực lên tài nguyên, môi trường và cơ sở hạ tầng địa phương; nhận thức của một bộ phận du khách và một số cộng đồng địa phương về du lịch xanh còn hạn chế, doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư vào hạ tầng và các tiện ích để hỗ trợ phát triển du lịch xanh.
Thực tế hiện nay, số lượng đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh du lịch vẫn còn ít. Lý giải nguyên nhân, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân đầu tiên do nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng về tăng trưởng xanh, về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực du lịch. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch hiểu du lịch xanh là du lịch ở những nơi tự nhiên mà không hiểu đằng sau khái niệm đó là tăng trưởng xanh, tức là làm sao để khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm tài nguyên theo mục tiêu phát triển bền vững.
>>Nâng "chất" du lịch Việt Nam từ nguồn nhân lực
Chìa khoá định vị thương hiệu
Theo các chuyên gia, việc thực hiện du lịch xanh không chỉ là đòn bẩy cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội định vị thương hiệu.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần thiết phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, đầu tư xanh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch trong hoạt động kinh doanh du lịch, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng…
Từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism JSC) khẳng định, để thực hiện thành công định hướng phát triển du lịch xanh, nhất thiết phải có sự chung tay vào cuộc của cả cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và sự ủng hộ của cộng đồng địa phương, đặc biệt là sự hợp tác của du khách.
Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Vũ Văn Tuyên nhấn mạnh đến việc tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm, tương tác du khách với cộng đồng địa phương. Ông Tuyên gợi ý, các yếu tố để tạo ra một sản phẩm du lịch xanh phải thân thiện với môi trường, tiếp đó, phải tạo ra an sinh xã hội, người dân được hưởng lợi từ phát triển du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Chiến lược phát triển du lịch xanh, bền vững cho năm 2024
03:00, 08/01/2024
Phát triển du lịch xanh, bền vững
02:00, 21/11/2023
Hình thành con đường du lịch xanh miền Trung
01:00, 16/08/2023
Giá vé máy bay nội địa tăng: Du lịch nói đắt, hàng không kêu “oan”
00:20, 24/04/2024
Kích cầu du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 kéo dài
02:00, 21/04/2024