Kích cầu đầu tư tư nhân: Giảm rủi ro, chi phí là yêu cầu cấp bách
Mặc dù đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong những tháng đầu năm 2024, thế nhưng, theo các chuyên gia, để kích cầu đầu tư tư nhân, yêu cầu cấp bách là giảm rủi ro, chi phí...
>> Lực kéo đầu tư tư nhân
Theo thống kê, năm 2023, mức đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7%, đây là mức thấp chưa từng có trong 10 năm vừa qua và thấp hơn cả giai đoạn COVID-19 (3,1%). Đến quý I/2024 mặc dù đã ghi nhận con số tăng 4,2%, tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức tăng này chỉ bằng một nửa so với trung bình các năm trước. Từ đó có thể thấy, khu vực doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn lưỡng lự trong việc đầu tư, trong khi đầu tư tư nhân chiếm 55 - 60% tổng đầu tư xã hội, khu vực này chưa đột phá thì khó thúc đẩy tăng trưởng.
Và trước hiện trạng đã nêu, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp để kích cầu đầu tư tư nhân, trong đó, giảm rủi ro, chi phí được cho là yêu cầu cấp bách.
Phân tích nguyên nhân khiến đầu tư tư nhân giảm mạnh, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, đầu tư từ khu vực tư nhân ảm đạm do nhiều nguyên nhân, trong đó thị trường trong nước kém đi, tiêu dùng trong nước thấp, bất động sản im lìm hay các thị trường xuất khẩu sụt giảm. Một nguyên nhân nữa được doanh nghiệp phản ánh đó là môi trường kinh doanh thiếu thuận lợi, nhiều rủi ro.
“Chính sách khó tiên liệu, tình trạng không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm dẫn đến công việc trì trệ, tồn đọng khiến doanh nghiệp nản lòng. Vì thế, tâm lý né tránh rủi ro, hoạt động cầm chừng, không đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh hay dự án mới đang xuất hiện trong khu vực doanh nghiệp”, vị chuyên gia này đánh giá.
Vì vậy, để thúc đẩy đầu tư tư nhân, TS. Lê Duy Bình đề xuất, cần tập trung cải cách, giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp để hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn thay vì tập trung quá nhiều vào nới lỏng chính sách tiền tệ.
>>Chuyên gia WB cảnh báo đầu tư tư nhân “chững lại”
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, cần giảm chi phí kinh doanh. Bởi hiện tại ở nhiều nơi, nhiều chỗ, vấn đề về chi phí kinh doanh rất cao, nên những giải pháp giảm chi phí kinh doanh cần được phát huy triệt để và có lẽ cần phải có một gói tổng thể về giảm chi phí kinh doanh. Điều quan trọng là những chi phí về thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra định kỳ nếu không cần thiết thì cần tiếp tục giảm để hỗ trợ phục hồi và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới…
Liên quan đến vấn đề này, thông tin với báo chí, TS. Đặng Đức Anh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, doanh nghiệp luôn ở thế bất lợi nếu phải chọn cách áp dụng. Các nỗ lực cải cách thể chế, hệ thống luật pháp được ghi nhận tích cực, nhưng việc thực thi lại phụ thuộc nhiều vào hệ thống văn bản dưới luật, như các Nghị định, Thông tư.
“Theo dõi thời gian qua, chúng tôi thấy có khá nhiều văn bản đang tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, cả chi phí tuân thủ và rủi ro do chồng chéo, thiếu thống nhất. Vì trong trường hợp này, có xu hướng doanh nghiêp bị áp dụng theo hướng bất lợi, nhất là khi phải làm việc với các cơ quan thanh tra, kiểm tra”, TS. Đặng Đức Anh chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nếu không nhìn thấy cơ hội thị trường, cũng như chưa chắc chắn với khả năng kiểm soát rủi ro, kiểm soát chi phí kinh doanh, thì doanh nghiệp sẽ không sẵn sàng đầu tư. Sự suy giảm của dòng vốn đầu tư nhân trong năm 2023, cũng như sự hồi phục còn rất chậm trong quý I/2024 thể hiện rõ mối tương quan này, khi bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu khiến sự phục hồi của các đối tác thương mại chính của Việt Nam trở nên khó chắc chắn.
Chưa kể, tình hình trở nên khó kiểm soát hơn khi chi phí kinh doanh có xu hướng tăng, do tỷ giá biến động, giá dầu có xu hướng tăng, chi phí nguyên vật liệu, logistics tăng, dư địa giảm lãi suất không còn nhiều và cả kế hoạch tăng lương vào tháng 7 tới đây…
Vì vậy, chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất để kích cầu đầu tư tư nhân là cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, chủ lực vẫn là chính sách tài khóa, còn bổ trợ là chính sách tiền tệ.
Được biết, khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, khoảng 30% thu ngân sách Nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Lực kéo đầu tư tư nhân
01:30, 23/01/2024
Chuyên gia WB cảnh báo đầu tư tư nhân “chững lại”
12:21, 11/01/2024
Một quỹ đầu tư tư nhân lớn dẫn đầu giao dịch góp 500 triệu USD vào Masan
13:00, 02/10/2023
“Kích” đầu tư tư nhân bằng động lực nào?
04:00, 11/08/2023
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng từ khuyến khích đầu tư tư nhân
13:00, 11/07/2023