Lạm phát xanh "cản bước" Đông Nam Á chuyển đổi năng lượng
Việc Indonesia hạ thấp các mục tiêu về năng lượng tái tạo gần đây đã nêu bật những thách thức trong quá trình khử cacbon của Đông Nam Á.
>> Chuyển đổi năng lượng xanh cho phát triển kinh tế xanh
Hội đồng Năng lượng Quốc gia Indonesia vào tháng 1/2024 đã tiết lộ kế hoạch cắt giảm mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nguồn năng lượng của đất nước xuống còn 17-19% vào năm 2025 và 19-21% vào năm 2030.
Thông tin này được đưa ra không lâu sau khi Bộ Năng lượng Indonesia cho biết việc thực hiện thuế carbon sẽ tiếp tục bị trì hoãn đến năm 2026. Được biết, ban đầu việc áp thuế carbon của quốc gia này sẽ có hiệu lực vào năm 2022.
Viện Cải cách Dịch vụ Thiết yếu (IESR), một cơ quan cố vấn của Indonesia, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng việc cắt giảm này cho thấy chưa có sự quyết liệt đối với việc thực hiện chuyển đổi năng lượng và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm phần lớn.
Trước đó, Phó Tổng thống sắp nhậm chức Indonesia Gibran Rakabumin nói: "Việc chuyển đổi sang năng lượng xanh phải được thực hiện một cách thận trọng. Chúng ta không nên tạo gánh nặng cho công chúng, người nghèo với chi phí R&D và chuyển đổi đắt đỏ."
Trong khi đó, Malaysia cũng có thể gặp khó khăn tương tự do họ phụ thuộc nhiều vào các thiết bị nhập khẩu để sản xuất năng lượng tái tạo. Đồng nội tệ yếu khiến chi phí nhập khẩu của nước này tăng lên.
Phó Thủ tướng Malaysia Fadillah Yusof nói với Nikkei Asia rằng những nỗ lực chuyển đổi năng lượng của Malaysia cũng có thể bị cản trở bởi lạm phát xanh khi họ vẫn đang phụ thuộc vào các thiết bị và linh kiện nhập khẩu. Hiện chi phí này đang tăng lên do đồng ringgit yếu.
Malaysia đã đặt mục tiêu khá tham vọng trong việc khử cacbon khi triển khai 10 dự án hàng đầu dọc theo Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia, dự kiến sẽ tạo ra khoản đầu tư ước tính hơn 25 tỷ ringgit (5,5 tỷ USD) vào năm 2030. Tuy nhiên, ông Fadillah cũng cảnh báo rằng việc cấp vốn cho công nghệ xanh có thể trở nên khó khăn hơn khi các nhà đầu tư cảnh giác với những rủi ro liên quan đến các công nghệ mới nổi và tác động tiềm tàng của lạm phát xanh.
Dù Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về năng lực điện gió và mặt trời với tổng công suất hơn 19 gigawatt, gấp đôi so với phần còn lại của khu vực, nhưng chi phí năng lượng sạch tăng cao khiến Việt Nam phải gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Điều này xuất phát từ nhu cầu cấp thiết tránh tình trạng mất điện cho các khu vực sản xuất.
>> Động thái mới của Mỹ sẽ cản trở chuyển đổi năng lượng của châu Á?
Theo ông James Guild, chuyên gia về thương mại, tài chính và phát triển kinh tế ở Đông Nam Á, về cơ bản, điều mà lạm phát xanh ám chỉ là trong ngắn hạn sẽ có những chi phí đáng kể khi các nền kinh tế chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, xe điện,...
Do đó, sẽ cần có những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng lưới điện mới để xây dựng năng lực năng lượng tái tạo, sản xuất pin, nghiên cứu và phát triển. "Cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng đã hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ sẽ cần phải được tái cơ cấu và điều đó sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền", ông James Guild nói thêm.
"Nếu xăng trở nên đắt hơn, người tiêu dùng sẽ bắt đầu chuyển sang sử dụng xe điện. Nếu giá than tăng và điện do các nhà máy nhiệt điện than sản xuất trở nên đắt hơn, người tiêu dùng sẽ yêu cầu các giải pháp thay thế rẻ hơn như năng lượng mặt trời", ông James Guild nhấn mạnh.
Báo cáo của Oxford Economy cho biết: "Mô hình của chúng tôi cho thấy việc chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0 ban đầu sẽ mang lại những tác động kinh tế bất lợi, như chi phí năng lượng cao hơn, nhưng những lợi ích cuối cùng sẽ đến từ những tác động tích cực từ các khoản đầu tư".
Giới quan sát đồng thuận rằng, không nên bắt người tiêu dùng phải chịu toàn bộ các chi phí của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, mà nhà nước cần hỗ trợ một phần chi phí đó. Có nhiều cách mà khu vực nhà nước có thể can thiệp để bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc tăng giá năng lượng, bao gồm trợ cấp, chỉ đạo phát triển năng lượng tái tạo thông qua các công ty nhà nước...
Có thể bạn quan tâm
Lạm phát xanh
11:05, 02/02/2022
Chuyển đổi xanh: Xu thế tất yếu trong phát triển bền vững nền kinh tế
17:00, 18/04/2024
Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ chuyển đổi xanh
12:45, 14/04/2024
Giải bài toán tài chính - Cách VinFast giúp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi xanh
17:26, 12/04/2024
Doanh nghiệp Việt Nam cần tăng tốc chuyển đổi xanh
09:00, 12/04/2024