TP.HCM: Đất nền vùng ven sốt trở lại?
Trong tháng 3/2024, nhu cầu tìm kiếm đất nền tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM ghi nhận mức tăng mạnh sau thời gian dài ảm đạm.
>>Sau chung cư, “sóng” đất nền sắp xuất hiện?
Theo dữ liệu nghiên cứu thị trường tháng 3/2024 của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm nhà đất tại tỉnh Bình Dương ghi nhận tăng hơn 83%, lượng sản phẩm rao bán tăng 96% so với tháng trước. Trong đó, phân khúc ghi nhận mức độ quan tâm tăng mạnh nhất là đất nền với lượt tìm mua cao gấp 114% so với tháng trước. Tiếp đến là đất nền dự án tăng trưởng lượt tìm mua 113% so với tháng 2.
Mức độ quan tâm tăng
Tại tỉnh Đồng Nai, xét về giá bán, đà giảm giá đất nền gần như đã dừng lại và duy trì mức cân bằng từ 7 - 25 triệu đồng/m2. Nhóm sản phẩm đất nền có mức giá 8 – 13 triệu đồng/m2 và diện tích phổ biến từ 70 – 120 m2 có lượng tìm kiếm nhiều nhất trong thời gian qua. Đây cũng là sản phẩm có giao dịch cải thiện nhất thị trường ở giai đoạn này.
Đối với mặt bằng giá sơ cấp đất nền Đồng Nai không còn ghi nhận mức giảm sâu. Ở thị trường thứ cấp chỉ còn một số sản phẩm khu vực vùng ven, xa trung tâm rao bán giảm giá sâu, chủ yếu vẫn là từ khách hàng sử dụng vốn vay, dự án có quy mô lớn chưa hoàn thiện hạ tầng – pháp lý.
Cũng theo báo cáo của Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA (DKRA Group), trong quý 1/2024, phân khúc đất nền ghi nhận mức tỉ lệ hấp thụ đạt hơn 80%, lượng giao dịch tập trung ở tỉnh Bình Dương, Long An… với nhóm sản phẩm có mức giá trung bình từ 16,4 - 22,2 triệu đồng/m2. Đặc biệt, thanh khoản của thị trường cũng có nhiều chuyển biến tích cực sau Tết nguyên đán, giao dịch chủ yếu đến từ nhóm sản phẩm dự án đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý và được triển khai bởi các chủ đầu tư có uy tín trên thị trường.
>>Thị trường đất nền phía Nam “rã băng”
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết, qua khảo sát thực tế từ thị trường, trong 3 tháng qua, trừ thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, giao dịch đất nền có sự tăng trưởng rõ nét. Theo thông tin từ nhiều đơn vị môi giới phân khúc này, đã xuất hiện làn sóng săn mua đất nền số lượng lớn từ nhóm nhà đầu tư phía Bắc và cả những nhà đầu tư "tay to" đổ về TP.HCM và các khu vực vùng ven.
Sức “nóng” đất nền trở lại
Theo dự báo, nguồn cung mới phân khúc đất nền trong quý 2/2024 sẽ có nhiều cải thiện hơn so với quý 1, dao động trong khoảng từ 550 – 650 nền, tập trung chủ yếu ở vùng phụ cận TP.HCM. Trong đó, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… tiếp tục được cho là những thị trường chủ lực về tỷ trọng nguồn cung trong quý 2.
Chỉ trong vài tuần qua, nhiều sàn môi giới “chốt deal” thành công hàng chục sản phẩm đất nền tại TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, Long An đang là địa phương ghi nhận biến động sức mua mạnh nhất và sóng “săn” đất nền giá rẻ tại đây đang lên khá cao.
Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn & Phát triển dự án DKRA Group nhận định, phân khúc đất nền đã có sổ hoặc các dự án có pháp lý hoàn thiện, hạ tầng giao thông đồng bộ, vị trí liền kề các khu dân cư, khu công nghiệp, thuận tiện kết nối về trung tâm thành phố đã và đang sở hữu những điểm sáng nhất định, được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.
“Về lâu dài, sức hút của đất nền sẽ rất khó giảm. Phân khúc này luôn được lòng giới đầu tư nhờ nhiều yếu tố, điển hình là tâm lý chuộng nhà gắn liền với đất và nhu cầu tích lũy tài sản an toàn cũng như khả năng tăng lợi nhuận từ đất nền vẫn ở mức cao. Dựa trên dòng nghiên cứu kéo dài chu kỳ lặp lại, cơn sốt đất có thể quay lại vào giai đoạn 2025 - 2026. Thời điểm hiện nay có thể xem như bước khởi đầu của một chu kỳ phục hồi và tăng trưởng tiếp theo của thị trường bất động sản”, ông Thắng cho hay.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng, sự hồi phục của thị trường đất nền được thúc đẩy bởi 3 động lực. Thứ nhất là tính chu kỳ của thị trường đất nền, vào tháng 3 (sau Tết âm lịch), nhu cầu tìm kiếm đất nền thường tăng lên. Thứ hai là giá đất nền đã có sự điều chỉnh ở một số khu vực khiến nhà đầu tư cân nhắc đến việc tham gia thị trường. Thứ ba là làn sóng đón đầu thay đổi của 3 bộ Luật mới sẽ có hiệu lực từ năm 2025.
Có thể bạn quan tâm