KHƠI THÔNG NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA NAM: Tập trung tháo gỡ vướng mắc tại các dự án
Thời gian tới cơ quan quản lý tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện các dự án bất động sản tại các địa phương nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.
>>> BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA NAM: Thị trường xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan
Nhằm phản ánh bức tranh tổng thể về thị trường bất động sản khu vực phía Nam đồng thời đưa ra những dự báo xu hướng đầu tư kinh doanh năm 2024, sáng 25/4, tại TP.HCM, được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn: Khơi thông nguồn cung bất động sản khu vực phía Nam – Xu hướng đầu tư.
Tại Diễn đàn, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Nhà ở và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá, trước sự vào cuộc tích cực từ Chính phủ và các Bộ ngành, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường bất động sản trong cả nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng đang dần phục hồi trở lại, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư tại TP.HCM với một số nổi bật đáng chú ý.
Đầu tiên, thị trường bất động sản phía Nam đã chứng kiến lượng giao dịch sôi động hơn với nhiều sản phẩm mới được tung ra thị trường, từ phân khúc cao cấp cho tới trung cấp. Giá bán thứ cấp tại thị trường căn hộ chung cư có xu hướng tăng so với quý trước và tăng nhiều ở một số khu vực như quận 7, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận…
Tại TP.HCM, kết thúc Q1/2024, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 61.000 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng hồi phục còn lan rộng ra các thị trường lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… Nguồn cung liên tục được cải thiện khi nhiều dự án của các chủ đầu tư lớn được chào bán ra thị trường. Những hỗ trợ về chính sách và lãi suất của Chính phủ cùng NHNN cũng đã đậm nét hơn. Riêng tại TP.HCM, đến nay đã giải quyết được khoảng 30% trong tổng số 148 dự án bất động sản bị vướng mắc, khó khăn.
“Tuy nhiên, thời gian tới vẫn cần tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện các dự án bất động sản tại các địa phương đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, giao đất, xác định giá đất... để tiếp tục triển khai thực hiện tăng nguồn cung cho thị trường” - ông Hoàng Hải nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh chung, khu vực khối doanh nghiệp nội vẫn đang rất khó khăn, dẫn báo cáo của Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Thiên cho biết khối ngoại vẫn tăng trưởng tốt nhưng khối nội gặp nhiều khó khăn. Lạm phát thấp, lãi suất cao khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó, trong khi khối ngoại không chịu lãi suất đó nên không bị ảnh hưởng. Sức cầu nội địa đang yếu, thu nhập người lao động giảm đi, nhìn dài hạn nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề. "Làm cách nào để kích cầu khu vực nội địa, làm thế nào có chính sách nhiều hơn cho khu vực nội địa, kiểm điểm chính sách theo cách đặt vấn đề như vậy" - ông Thiên nói.
Cụ thể hơn cho bất động sản, sau nhiều năm bùng nổ phân khúc cao cấp, nhà ở bình dân dần biến mất khỏi thị trường, việc làm, thu nhập suy giảm là bi kịch của thị trường.
Bàn về giải pháp, theo ông Thiên, thứ nhất, đặt vấn đề về lạm phát phải thay đổi, tăng trưởng cao lạm phát thấp là có vấn đề. Theo thông thường về kinh tế, tăng trưởng cao thì lạm phát phải cao, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nội địa thiếu vốn, quan điểm chung về kinh tế vĩ mô, lạm phát cần phải được nhìn nhận lại.
“Có lẽ chủ trương hạ lãi suất vẫn hơi ít, hơi muộn và đã có những doanh nghiệp không thể chờ được nguồn vốn đó mà rời khỏi thị trường”. Ông Thiên cho biết cần 3 kim chỉ nam cho các giải pháp này là: “Thông suốt (hàng hóa, dòng tiền) - Thông thoáng (cơ chế chính sách) - Thông minh (bộ máy thực thi)”.
>>KHƠI THÔNG NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA NAM: Cần đẩy nhanh thời hiệu các luật mới
Thứ hai, trong kỳ vừa qua, ngoài hạ lãi suất, ra sức giải ngân đầu tư công, chính sách về thị trường trái phiếu đã phần nào được tháo gỡ, song thực tế thì tiện nay thị trường cổ phiếu, trái phiếu vẫn còn nhiều tồn tại, do đó cần nỗ lực cấu trúc lại.
Thứ ba, cần sớm thực thi các chính sách mới nhằm gỡ khó cho các dự án, khơi thông dòng chảy đầu tư cho doanh nghiệp. Cần cách tiếp cận khác cho nhà ở xã hội. Xác định rõ vai trò của nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp - người dân.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản (VARS) đánh giá, ba Luật đã được thông qua là căn cứ bản lề góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh.
Dự báo thị trường trong thời gian tới, ông Đính chia sẻ, quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng tích cực. Mọi sự chuyển biến sẽ diễn ra từ từ, ổn định dựa trên đà phục hồi và tích lũy trước đó, cùng với sự hậu thuẫn từ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đô thị hóa. Trong đó, phân khúc có nhu cầu lớn là căn hộ chung cư sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Tiếp đến là loại hình nhà, đất thổ cư khi các nhà đầu tư ngày càng chắc chắn hơn về triển vọng phục hồi của thị trường địa ốc sau khi trải qua quá trình "thăm dò".
Đặc biệt, các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ là “chất xúc tác” thúc đẩy quá trình phản ứng của các nhóm vấn đề trên thị trường nhằm cho ra những kết quả phục hồi rõ nét hơn.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá thị trường bất động sản phía Nam đã bước ra khỏi “vùng đáy”, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và dự báo sẽ phục hồi theo xu hướng hình “chữ V” từ cuối Q2/2024.
Tổng kết diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành cho rằng, cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai đã chính thức được Quốc hội thông qua, thời gian tới các cơ quan quản lý vẫn cần tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức thực hiện các dự án bất động sản tại các địa phương, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, giao đất, xác định giá đất... để tăng nguồn cung cho thị trường; tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp, của dự án bất động sản…
Về phía doanh nghiệp sẽ phải tăng cường, chủ động rà soát về thủ tục pháp lý nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền; tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm để đảm phù hợp với khả năng triển khai thực hiện của doanh nghiệp và điều kiện thực tế của thị trường; chủ động rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để tập trung triển khai và hoàn thành dứt điểm từng dự án, tránh đầu tư dàn trải, dở dang, đảm bảo phương án trả nợ vay tín dụng và nợ trái phiếu doanh nghiệp; điều chỉnh lại phân khúc, giá bất động sản, phù hợp với thị trường và đảm bảo tính thanh khoản, tạo dòng vốn để duy trì hoạt động và thực hiện dự án.
“Về phía VCCI và Ban Tổ chức, ngay sau Diễn đàn này, chúng tôi sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn cung cho thị trường, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững” – ông Thành khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
KHƠI THÔNG NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA NAM: "Ở thực - Sinh dòng tiền - Tạo thị" là xu hướng
14:12, 25/04/2024
KHƠI THÔNG NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA NAM: Doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng tương lai
13:25, 25/04/2024
KHƠI THÔNG NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA NAM: Phát triển nhà ở vừa túi tiền và nhà ở xã hội
11:54, 25/04/2024
KHƠI THÔNG NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA NAM: Còn nhiều điểm cản trở dòng tiền đầu tư
11:04, 25/04/2024
KHƠI THÔNG NGUỒN CUNG BẤT ĐỘNG SẢN PHÍA NAM: Cần đẩy nhanh thời hiệu các luật mới
11:03, 25/04/2024