Cựu giám đốc “tán gia bại sản” vì một bản án oan
Theo chia sẻ của cựu giám đốc năm nào, chỉ từ một lá đơn nặc danh vu khống ông Điền lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chỉ dựa vào nội dung tố cáo nặc danh, Cơ quan CSĐT đã hình sự hoá quan hệ dân sự, đẩy một doanh nhân vào vòng lao lý, đến khi được cơ quan chức năng minh oan và xin lỗi thì doanh nghiệp cũng …“điêu tàn”.
Đó là câu chuyện về vụ án của cựu doanh nhân Đinh Quang Điền - Giám đốc Công ty TNHH Quang Điền ( TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xảy ra 12 năm trước.
Bỗng dưng “dính” án…
Theo chia sẻ của cựu giám đốc năm nào, chỉ từ một lá đơn nặc danh vu khống ông Điền lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan CSĐT Công an TP. Buôn Ma Thuột và Viện KSND TP. Buôn Ma Thuột đã khởi tố bắt tạm giam ông 243 ngày, đến khi được cơ quan chức năng minh oan và tổ chức xin lỗi, bồi thường thì cơ nghiệp đã tan tành, cha mẹ đau khổ lâm bệnh mà chết, con cái dang dở việc học hành. Trong khi đó, số tiền bồi thường ít ỏi cũng chẳng đủ chỉ trả một phần trong món nợ “trên trời rơi xuống”!
Hồi ức lại những tháng ngày “ám ảnh” nhất trong cuộc đời mình, ông Đinh Quang Điền cho biết, ngày 21/6/2011, Công an TP Buôn Ma Thuột mời ông Điền đến trụ sở làm việc theo đơn của một người ở thị xã Buôn Hồ về việc ông vay nợ ông này, ông kia để đáo hạn ngân hàng.
“Tôi viết lời khai, trình bày lý do rằng tôi và ông T. có hợp đồng vay mượn, hơn nữa chưa đến thời hạn trả nợ... Tôi vừa viết lời khai xong thì mấy anh cảnh sát vây kín, một cán bộ điều tra Công an TP. Buôn Ma Thuột thông báo tôi đã bị bắt…Công an đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kê biên tài sản rồi dẫn ông về trụ sở UBND P. Tân An, về nhà, lên công ty và vào thẳng trại giam”, ông Điền chia sẻ.
Cũng theo ông Điền, mọi chuyện diễn ra quá chóng vánh, bản thân người bị bắt cũng không hiểu lý do vì đâu… chỉ đến khi các điều tra viên vào hỏi cung và nói ông lừa vay tiền của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Nơ Trang Long (TP Buôn Ma Thuột), ông mới sững sờ hay biết.
Ông Điền chia sẻ: "Tôi trình bày rằng nếu tôi lừa đảo ngân hàng thì ngân hàng phải có đơn trình bày, chứ sao lại vì một lá đơn nặc danh vô căn cứ lại bắt tôi? Hơn nữa, công ty của tôi vẫn đang kinh doanh bình thường, đã nhận nợ và tôi không hề có ý định bỏ trốn... sao lại nói tôi lừa đảo? Nhưng mọi lý do được đưa ra tại thời điểm đó, đều bị điều tra viên gạt đi".
Cứ thế, những ngày tháng đằng đẵng trong trại giam trôi qua, với bản sơ kết điều tra khép tội nhưng ông Điền không đồng tình. Sau đó, ông Điền tiếp tục phải chuyển lên trại giam Công an tỉnh để điều tra, nhưng rồi may mắn cũng đến, ngày 20/2/2012 các điều tra viên đến thông báo ông được bảo lãnh cho tại ngoại.
Đến ngày 15/10/2012, Công an tỉnh Đắk Lắk đã kết luận: ông Điền không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ kê biên, yêu cầu phục hồi đảng tịch... được gấp rút thi hành, thế nhưng, sau những ngày oan sai là ngổn ngang một đống hệ lụy, nhà xưởng bị phá hoại gần hết, nhiều hợp đồng kinh doanh bị hủy, tiền lãi ngân hàng liên tục tăng... Ông lại tiếp tục bước vào hành trình đòi công lý.
Trải qua nhiều phiên tòa, ngày 21/5/2015, Hội đồng xét xử TAND TP. Buôn Ma Thuột đã tuyên buộc VKSND TP. Buôn Ma Thuột bồi thường cho ông Đinh Quang Điền số tiền hơn 2,8 tỷ đồng, bao gồm tổn thất tinh thần, mất thu nhập, tiền thuê đất, tiền phạt chậm nộp thuế, nhà xưởng bị kê biên xuống cấp, lãi vay ngân hàng…
Bất ngờ nguyên nhân
Đáng chú ý, bản án oan sai ấy đã đẩy một doanh nhân vướng vòng lao lý khiến doanh nghiệp “điêu tàn:, vậy mà nguyên nhân của vụ việc một lần nữa lại khiến dư luận không khỏi bất ngờ.
Ông Điền cho biết, khoảng tháng 3/2010, một Điều tra viên Công an TP. Buôn Ma Thuột là ông Nguyễn Trường Giang có đến Công ty xin gỗ làm nhà, nhưng ông chưa sắp xếp được. Ngày 25/01/2011, Giang cùng Đội trưởng đội CSĐT Công an TP. Buôn Ma Thuột, Huỳnh Minh Cảnh và 2 Điều tra viên khác mang giấy giới thiệu đến trụ sở Công ty làm việc. Tại đây, các cán bộ công an có những lời lẽ xúc phạm và đe dọa rằng, ông Điền lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân hàng…
Và sự việc sau đó, chỉ dựa vào nội dung tố cáo nặc danh, Cơ quan CSĐT Công an TP. Buôn Ma Thuột đã hình sự hoá quan hệ dân sự, đẩy cựu doanh nhân vào vòng lao lý, cơ đồ tiêu tan. Được biết trong vụ án này, Công an tỉnh Đắk Lắk đã điều chuyển vị trí công tác 5 cán bộ Công an thành phố Buôn Ma Thuột, trong đó có 4 người bị kỷ luật cảnh cáo, 1 người bị khiển trách.
Đứng trước khung cảnh hoang tàn của Giám đốc Công ty TNHH Quang Điền, cựu giám đốc xót xa: “Chỉ bằng một lá đơn nặc danh vu khống, cán bộ điều tra và công tố đã đẩy tôi vào tù, khiến sự nghiệp tôi tan tành, cha mẹ tôi đau khổ lâm bệnh mà chết, việc học hành các con tôi dang dở. Oan khổ này, biết đến bao giờ mới được gỡ cho xong!”.
Có thể bạn quan tâm