Cần cơ chế ưu đãi chuyên biệt để phát triển công nghiệp văn hóa

Bài: YẾN NHUNG - Ảnh: QUỐC TUẤN 27/04/2024 03:30

Được cho là ngành mũi nhọn với nhiều tiềm năng, thế nhưng, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc, cần cơ chế ưu đãi chuyên biệt thúc đẩy...

>> Đầu tư cho công nghiệp văn hóa: Câu chuyện Phú Quốc

Trong những năm qua, công nghiệp văn hóa thu hút được ngày càng nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp, người lao động, các nhà sáng tạo. Giai đoạn 2018-2022, số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá cao, ở mức 7,2%/năm (hiện có trên 70.000 cơ sở kinh tế).

Hơn nữa, sự xuất hiện của nhiều công trình văn hóa mới như các Nhà hát, Công viên văn hóa, Trung tâm Thể dục thể thao… hiện đại, có quy mô lớn, đa chức năng được thực hiện theo hình thức đối tác công- tư cho thấy đây là hướng đi đúng đắn.

Trong những năm qua, công nghiệp văn hóa thu hút được ngày càng nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Trong những năm qua, công nghiệp văn hóa thu hút được ngày càng nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong sự tăng trưởng chung của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nói về công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế.

Đáng chú ý, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, năm 2021 công nghiệp văn hóa đóng góp 3,92% GDP, năm 2022 tăng lên 4,04% GDP.

Tuy nhiên, so với một số ngành khác, các ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế bởi các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

>>Sửa Luật Thủ đô: Cần chính sách cụ thể cho phát triển “công nghiệp văn hóa”

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt - Ảnh minh họa

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách ưu đãi chuyên biệt - Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, hiện tại mới chỉ có điện ảnh chuyển theo hướng công nghiệp văn hóa còn 12 lĩnh vực khác vẫn đi theo lối tư duy cũ. Các lĩnh vực gián tiếp có liên quan như đất, thuế, quản lý tài sản hay hợp tác công - tư cần phải thay đổi theo hướng hỗ trợ công nghiệp văn hóa.

Ngoài ra, công nghiệp văn hóa có 12 lĩnh vực nhưng chỉ có 5 lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn 7 lĩnh vực thuộc các bộ, ngành khác. Các lĩnh vực này có sự liên thông, quan hệ qua lại với nhau, nếu không tạo hành lang để kết nối, nó cũng sẽ cản trở ngành công nghiệp này phát triển.

Một vấn đề khác là nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa gặp nhiều khó khăn, cả khối nhà nước và tư nhân chưa có một quỹ đầu tư nào cho lĩnh vực này phát triển. Các không gian sáng tạo của chúng ta cũng chịu nhiều thiệt thòi vì địa điểm, các di sản công nghiệp như nhà máy cũ hay các thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà hát cũng chưa tương thích với công nghiệp văn hóa…

Trước những hạn chế nêu trên, để thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển, không ít ý kiến cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện thêm những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng vào các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt cần xây dựng, phát triển thêm hệ thống hạ tầng văn hóa phục vụ các mục tiêu phát triển.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định, để triển khai phát triển công nghiệp văn hoá, vấn đề đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển các thiết chế văn hoá, hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm văn hoá, nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hoá, quảng bá, hợp tác quốc tế… là những trọng tâm.

Bên cạnh đó là khung pháp lý, chính sách để phát triển công nghiệp văn hoá, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho rằng, nên lấy doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực sáng tạo nói riêng, công nghiệp văn hoá nói chung làm trọng tâm mang tính định hướng.

“Cần khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Bên cạnh chính sách về tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế… nên chú ý vào các cơ chế, chính sách vượt trội, đạt phá, tiếp cận với ngành công nghiệp sáng tạo. Nên có Nghị quyết của Chính phủ, dành nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, kiến tạo động lực cho phát triển ngành công nghiệp này”, ông Mãi chia sẻ

Liên quan đến vấn đề nêu trên, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group nhấn mạnh, quy hoạch công nghiệp văn hóa cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản trong phạm vi cả nước, sau đó, phân chia tới từng vùng, tỉnh, đơn vị một cách đồng bộ và phù hợp,

“Cần có cơ chế huy động xã hội hóa về nguồn vốn thực hiện, kêu gọi các ý tưởng, nghiên cứu bài bản từ quy hoạch không gian văn hóa, phát triển các sản phẩm, quy hoạch ngành nghề phát huy giá trị văn hóa, du lịch đồng thời phát triển các ngành nghề phụ trợ để có hệ sinh thái hoàn chỉnh”, bà Nguyễn Thái Hoài Anh nhấn mạnh

Đồng quan điểm, Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển công nghiệp văn hóa vì làm văn hóa không thể ngay được mà phải có quá trình đầu tư.

“Bởi vậy cần có kế hoạch, chính sách lâu dài để hỗ trợ họ. Chúng ta bỏ phí nhiều thiết chế văn hóa do nhà nước đầu tư nhưng lại hoạt động thiếu hiệu quả".

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư cho công nghiệp văn hóa: Câu chuyện Phú Quốc

    Đầu tư cho công nghiệp văn hóa: Câu chuyện Phú Quốc

    14:26, 11/04/2024

  • Thủ tướng: Huế có thể trở thành một hình mẫu về phát triển công nghiệp văn hóa

    Thủ tướng: Huế có thể trở thành một hình mẫu về phát triển công nghiệp văn hóa

    15:54, 06/04/2024

  • Khi tư nhân làm công nghiệp văn hóa

    Khi tư nhân làm công nghiệp văn hóa

    15:46, 05/02/2024

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hoá

    Thủ tướng Phạm Minh Chính: Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hoá

    15:37, 22/12/2023

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần chính sách cụ thể cho phát triển “công nghiệp văn hóa”

    Sửa Luật Thủ đô: Cần chính sách cụ thể cho phát triển “công nghiệp văn hóa”

    04:00, 21/11/2023

Bài: YẾN NHUNG - Ảnh: QUỐC TUẤN