Nam Định: Khơi thông xuất khẩu hàng hoá
Tỉnh Nam Định đang đẩy mạnh phổ biến ưu đãi từ các FTA đã ký kết, thực thi, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp khai thác tối đa ưu đãi, khơi thông xuất khẩu hàng hoá…
>>>Nam Định: Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp xanh
>>>Nam Định: Số hóa ứng dụng dữ liệu trong hoạt động ngân hàng
Tín hiệu tích cực
Mới đây, một doanh nghiệp trong KCN Dệt may Rạng Đông (Aurora IP), tỉnh Nam Định đã làm thủ tục tổ chức xuất lô hàng đầu tiên với khối lượng 3,5 tấn hàng mẫu Uniqlo.
Theo đó, nhà sản xuất của lô hàng là Công ty TNHH Top Textiles chuyên sản xuất các sợi vải. Dự án Công ty TNHH Top Textiles, sản xuất các sản phẩm sợi, vải của Tập đoàn Toray (Nhật Bản), được Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu năm 2019 và điều chỉnh cơ cấu vốn, tiến độ góp vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án đầu tư năm 2024. Dự án với diện tích 31,2ha; tổng mức đầu tư 203 triệu USD; tổng công suất dự kiến của toàn bộ dự án đạt 120 triệu mét vải/năm. Đến nay, dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 và dự kiến sau khi hoàn thành các giai đoạn của Dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng trên 3.000 công nhân và người lao động.
Lô hàng mẫu đầu tiên của Uniqlo, trị giá 53.000 USD được Công ty TNHH Top Textiles làm thủ tục xuất khẩu là một trong số các đơn hàng được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định xuất khẩu từ đầu năm tới nay. Điều này cũng cho thấy thấy lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nam Định tiếp tục xu hướng phục hồi, thậm chí sẽ bứt phá.
Theo Cục Thống kê tỉnh Nam Định, 3 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 630 triệu USD, tăng 22,0% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực Nhà nước 8 triệu USD, giảm 19,8%; khu vực ngoài Nhà nước 171 triệu USD, tăng 21,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 451 triệu USD, tăng 23,5%. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng may mặc, da giày và lâm sản.
Cũng theo Cục Thống kê tỉnh Nam Định, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tính chung 3 tháng đầu năm trên địa bàn đạt 364 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 266 triệu USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất, gia công như nguyên phụ liệu may, da và các mặt hàng liên quan, bông, xơ, sợi dệt. Đây đều là những nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Nam Định.
Từ kết quả nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu trong quý I/2024, các doanh nghiệp cho rằng kết quả sản xuất, xuất khẩu trong những tháng tiếp theo của tỉnh Nam Định tiếp tục gia tăng, đạt giá trị cao hơn.
Chỉ tính riêng nhóm doanh nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Nam Định, có 68,57% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất quý II/2024 tăng, 25,72% số doanh nghiệp của tỉnh dự báo khối lượng sản xuất giữ nguyên so với quý I/2024. Về số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, quý II/2024 dự báo có 86,84% số doanh nghiệp dự kiến tăng và giữ ổn định đơn hàng xuất khẩu.
Đặc biệt, với nhóm dự án FDI mới đầu tư vào tỉnh Nam Định, dự báo từng bước sẽ có thêm các doanh nghiệp lớn thuộc các nhóm hàng có giá trị cao như điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng… khi nhà máy đi vào sản xuất trong những tháng cuối năm 2024. Đây được cho là là nguồn sản phẩm góp phần gia tăng hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nam Định.
Tích cực đổi mới, mở rộng sản xuất
Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 3,3 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Nam Định đang tiếp tục áp dụng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất tốt hơn, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Trong đó, địa phương sẽ đẩy mạnh phổ biến để các doanh nghiệp khai thác tối đa các ưu đãi từ các FTA đã ký kết, thực thi; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hoá; đơn giản hoá thủ tục xuất nhập khẩu…
Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng tập trung đổi mới hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm kế hoạch, chương trình sản xuất bám sát nhu cầu tiêu dùng; chú trọng nghiên cứu, cập nhật công nghệ mới, đẩy mạnh tự động hóa để giảm giá thành sản phẩm cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường về giảm phát thải carbon… Tại các thị trường quan trọng của đại đa số các doanh nghiệp xuất khẩu tỉnh Nam Định như Mỹ, EU, Nhật Bản… đang gia tăng động thái kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa…
Theo Sở Công thương tỉnh Nam Định, thời gian qua, ngành Công thương đã phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, giữ ổn định và củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường và cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó chú trọng tới những thị trường mà doanh nghiệp chưa có khả năng thâm nhập sâu.
Ông Nguyễn Văn Kiểm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hạ tầng KCN Bảo Minh chia sẻ: “Các doanh nghiệp ở KCN Bảo Minh nói riêng và các KCN ở Việt Nam nói chung, họ luôn luôn nhận thức được thách thức liên quan đến đơn hàng của họ. Thị trường EU, Hoa Kỳ hay Nhật Bản là thị trường trọng điểm của rất nhiều ngành, trong đó có ngành dệt may. Tại KCN Bảo Minh có đến 60 -70% doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may. Các doanh nghiệp của chúng tôi nhận thức rất rõ các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh hàng hoá của họ ở thị trường này và chính các doanh nghiệp đang từng ngày thay đổi. KCN Bảo Minh đã phối hợp với các doanh nghiệp hiện thiết lập trên 50% các mái nhà xưởng đã sử dụng năng lượng mặt trời, khoảng 20% lượng nước sử dụng của KCN Bảo Minh đã được các doanh nghiệp chú trọng tiết kiệm và tái sử dụng. Một số các lò hơi hiện nay đã sử dụng đến liệu thiên nhiên và đang trong quá trình chuyển đổi các lò hơi còn lại để đáp ứng được các quy định về việc giảm phát thải, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Một thành viên Minh Dương, phía công ty đặt mục tiêu năm 2024 sẽ khai thác mạnh thị trường khu vực châu Á, trong đó quyết tâm đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Để đạt mục tiêu này, công ty tiếp tục duy trì sản xuất theo quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO và HACCP. Đồng thời sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến để đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, đa dạng của thị trường lớn trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm