Dẫn vốn xanh từ tín chỉ carbon
Tín chỉ carbon rừng tuy có tiềm năng phát triển nhưng lại đang gặp một số vướng mắc pháp lý liên quan đến việc xác định chủ thể giao dịch trên sàn.
>>ĐIỂM BÁO NGÀY 17/4: Dẫn vốn xanh từ tín chỉ carbon
Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển nhượng hơn 5 triệu tín chỉ carbon rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sau khi giao dịch thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và nhận về trên 51 triệu USD.
Trao đổi với DĐDN, ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) nhấn mạnh: Việc thúc đẩy nhanh các hoạt động tạo lập thị trường để sàn giao dịch tín chỉ carbon vận hành thí điểm vào năm 2025 là cần thiết.
- Các hoạt động thương mại hoá tín chỉ carbon đang sôi động, doanh nghiệp và các bên liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng “lên sàn”, thưa ông?
Nền tảng của thị trường 3 bộ phận cấu thành là người bán, người mua và trung gian. Hành lang pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất là tạo ra hàng hoá chuẩn để giao dịch. Muốn có hàng hoá cho thị trường carbon, doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính, lập báo cáo và thẩm định báo cáo. Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Chứng khoán đã có ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện những công việc trên. Theo đó, có hơn 2.800 doanh nghiệp thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính với 3 hình thức: phát thải trực tiếp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phát thải gián tiếp nằm trong năng lượng tiêu thụ và nguyên vật liệu sản xuất; phát thải nằm trong chuỗi cung ứng, bao gồm quá trình vận chuyển.
Tuy vậy, qua rà soát, số doanh nghiệp thực hiện báo cáo đến nay rất ít, tập trung báo cáo được phần phát thải trực tiếp; hai phần còn lại chưa thực hiện được do liên quan đến bên thứ 3 là nhà cung cấp nguyên liệu hoặc vận tải. Báo cáo cả 3 phần phát thải vì vậy rất phức tạp. Trong ngành dệt may, thép xuất khẩu chẳng hạn, nhiều nguyên liệu phải nhập khẩu nhưng đối tác không báo cáo thì doanh nghiệp Việt Nam không có số liệu báo cáo nguyên liệu. Do đó, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là đẩy nhanh tiến độ thực hiện báo cáo và thẩm định báo cáo. Trên cơ sở đó, khi Chính phủ ban hành hạn ngạch phát thải cho từng ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp phát thải nhiều hơn hạn ngạch thì phải mua, phát thải ít hơn sẽ được bán.
- Với những chuyển biến tích cực trong giao dịch tín chỉ carbon rừng thời gian qua, ông có cho rằng đây là lĩnh vực dự báo sôi động hơn khi sàn giao dịch chính thức được vận hành thí điểm vào năm sau?
Đến năm 2025 chúng ta có thể vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon theo lộ trình. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc thí điểm nên áp dụng cho khu vực phát thải khí nhà kính công nghiệp, giao thông vận tải trước. Tín chỉ carbon rừng (carbon hấp thụ) tuy có tiềm năng phát triển do rừng hấp thụ được nhiều carbon nhưng lại đang gặp một số vướng mắc pháp lý liên quan đến việc xác định chủ thể giao dịch trên sàn. Hiện nay, các giao dịch tín chỉ carbon rừng với các tổ chức, quỹ, người bán là đại diện các bộ ngành dù số tiền nhận được cuối cùng cũng phân bổ về các địa phương, chủ rừng. Tuy nhiên, khi lên sàn, người bán phải là doanh nghiệp, không phải là cơ quan quản lý. Để giải quyết vướng mắc này cần có thời gian hoặc có thể cần cơ chế riêng.
Trong khi đó, năm 2026 hàng hóa muốn xuất khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam vào EU phải tuân thủ quy định kiểm kê khí nhà kính, giảm dấu chân carbon, nếu vượt quá tín chỉ carbon cho phép, doanh nghiệp xuất khẩu phải đóng thuế. Sức ép này khiến doanh nghiệp xuất khẩu vừa thay đổi công nghệ theo hướng giảm phát thải vừa đẩy nhanh thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải, nhất là các doanh nghiệp niêm yết.
- Bộ Tài chính và các bộ liên quan đang hoàn thiện dự thảo xây dựng sàn tín chỉ carbon. Theo ông, cần những điều kiện gì để vận hành sàn?
Theo lộ trình thực hiện NetZero, Chính phủ hạ dần hạn ngạch, thị trường tín chỉ carbon dự báo càng sôi động hơn và giá cả dự kiến điều chỉnh tăng hơn. Tôi rất đồng thuận với cách đặt vấn đề của Bộ Tài chính trong việc mong muốn gắn sàn giao dịch tín chỉ carbon với sàn chứng khoán. Mô hình này không mới mà đang áp dụng phổ biến tại nhiều quốc gia, trong đó đã được triển khai thành công tại Nhật Bản. Với việc tích hợp này, sàn giao dịch tín chỉ carbon để tận dụng lợi thế, hạ tầng có sẵn của sàn chứng khoán. Đó là các nhà đầu tư có kinh nghiệm và tương đối chuyên nghiệp; có hệ thống thanh toán bù trừ; hệ thống lưu ký… mà không cần đầu tư tốn kém, mất thời gian.
Ngoài ra, khi đưa lên thị trường chứng khoán còn có ưu điểm là các nhà đầu tư ngoài cũng có thể tham gia đầu tư khi tín chỉ carbon được đăng ký quốc tế hoặc được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Điều này làm cho thanh khoản thị trường tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, sự tham gia của khối ngoại kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách về giá giữa tín chỉ carbon của châu Á và châu Âu hiện đang có độ chênh lệch lớn. Đây là một trong những cơ hội thuận lợi hơn cho Việt Nam tiến gần đến mục tiêu NetZero vào năm 2050 vốn có nhiều thách thức.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm