Nghệ An: Nỗi lo thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao
Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhân tố quyết định cho sự phát triển kinh tế của Nghệ An. Trên thực tế, đây cũng đang là nỗi lo ngại của địa phương bởi nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng…
Do vậy, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo chất lượng nguồn lao động là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách được Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đề ra để thực hiện trong thời gian tới.
Còn yếu và thiếu…
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An đang cùng chung tay vào cuộc để quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, thì việc đánh giá rõ thực trạng chất lượng nguồn nhân lực để đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả là vấn đề được địa phương rất xem trọng.
Theo con số mà ngành thống kê Nghệ An đưa ra mới đây, toàn tỉnh có hơn 3,4 triệu người, đứng thứ 4 cả nước. Trong đó, lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh tính từ 15 tuổi trở lên là hơn 1,6 triệu người; số người đang làm việc hơn 1,5 triệu người. Chưa kể, hằng năm bổ sung hơn 30.000 người vào lực lượng lao động và đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”. Do vậy, đây chính là lợi thế to lớn về nguồn lao động dồi dào cho tỉnh Nghệ An trong bối cảnh nền kinh tế đang vươn mình phát triển mạnh mẽ như giai đoạn hiện nay.
>>Mảng kinh doanh bán lẻ Nghệ An có dấu hiệu “hụt hơi”?
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh này. Bởi, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, mặc dù nguồn lao động dồi dào nhưng khi tuyển dụng đầu vào, các đơn vị đều phải đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu công việc và đặc biệt là có nhiều lao động vẫn chưa thể thích ứng với môi trường làm việc công nghiệp.
Mặc dù trong năm 2023 vừa qua, chính quyền địa phương cũng đã rất quan tâm, tập trung đào tạo nguồn nhân lực lao động, nhất là trong công tác đào tạo nghề và đã có những chuyển biến rất tích cực. Vậy nhưng, một số đánh giá dựa trên tình hình thực tế lại cho rằng, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay của tỉnh vẫn còn đạt thấp; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề rất ít, trong khi đó, chất lượng đào tạo của các trường trên địa bàn lại chưa thể đáp ứng yêu cầu để “bắt nhịp” cùng với xu thế phát triển của tỉnh.
>>Nghệ An đón loạt dự án bất động sản lớn
Đồng quan điểm trên, đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An cũng nhận định, thực tế hiện nay thị trường lao động đang có sự “lệch pha” về cung - cầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, với tốc độ phát triển của các khu công nghiệp, nhu cầu sử dụng nguồn lao động của doanh nghiệp dự báo rất lớn, nhất là ở các ngành nghề: Dệt may, điện tử,…
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Hưng cho biết: Là một doanh nghiệp có nhiều nhà máy may hoạt động trên địa bàn tỉnh, khó khăn lớn nhất hiện nay của An Hưng Group đó chính là thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao, có tay nghề, chuyên môn vững.
“Trong thời gian tới, công ty rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức trên địa bàn trong việc tuyên truyền, hỗ trợ công tác tuyển dụng, đáp ứng đủ nguồn nhân lực để phát triển nhà máy, ổn định sản xuất, ổn định thu nhập người lao động và đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội” – ông Dũng nói.
Cần những giải pháp thiết thực
Không chỉ riêng vướng mắc mà An Hưng Group gặp phải, cũng thông qua cuộc khảo sát nhỏ tại một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, PV nhận thấy có một thực trạng vẫn đang tồn tại ở đây, đó là hầu hết doanh nghiệp đều than rằng rất khó tuyển dụng được nguồn nhân lực, lao động chất lượng cao vào làm việc.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra hồi đầu năm, ông Trần Hồng Hà – Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã gợi mở nguồn lực chính để địa phương thực hiện thành công quy hoạch tỉnh, đó là nguồn tài nguyên, nhân lực chất lượng cao.
>>Gỡ vướng cho doanh nghiệp xuất khẩu Nghệ An
Do vậy, để có được nguồn lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế, phù hợp với bối cảnh tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, trước hết, tỉnh Nghệ An cần phải tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục; đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực trạng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và theo xu thế của thời đại, xây dựng các mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động, nhất là lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động, bao gồm cả lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về nước để phát huy các thế mạnh của họ trong lao động, sản xuất và nâng cao thu nhập gắn với việc làm bền vững.
Các cơ quan, địa phương cần tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại vào đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, phải tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”, giữa “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thực hiện liên kết trong đào tạo. Bởi, việc đẩy mạnh liên kết này không chỉ thúc đẩy quá trình xã hội hóa giáo dục, mà còn là một kênh thông tin rất quan trọng để các trường trên địa bàn nắm bắt nhu cầu đào tạo, nhu cầu thị trường, qua đó rà soát, chỉnh sửa chương trình đào tạo để giúp học sinh, sinh viên vừa hiểu được lý thuyết, vừa vững nghiệp vụ, đáp ứng mọi tiêu chuẩn, yêu cầu của doanh nghiệp và nhà tuyển dụng…
Có thể bạn quan tâm