Các quỹ ETF tiền điện tử tại Hồng Kông giao dịch ảm đạm
Các quỹ ETF Bitcoin và Ethereum của Hồng Kông đã chính thức ra mắt vào ngày 30/4 nhưng có khối lượng giao dịch khá ảm đạm ở mức 12 triệu USD, so với con số 4,6 tỷ USD của các quỹ ETF Bitcoin tại Mỹ.
>>Hồng Kông tiên phong phê duyệt quỹ ETF Ethereum
Các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) đầu tiên của châu Á đầu tư trực tiếp vào Bitcoin và Ethereum (ETH) đã bắt đầu giao dịch tại Hồng Kông vào ngày 30/4, đánh dấu một bước đi quan trọng trong nỗ lực của khu vực này để trở thành một trung tâm tiền điện tử năng động.
Theo đó, 6 quỹ ETF tiền điện tử giao ngay đầu tư vào hai mã thông báo lớn nhất thế giới đã ra mắt trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, do các nhà quản lý quỹ Trung Quốc đại lục ChinaAMC, Harvest International và Bosera Asset Management hợp tác với HashKey Capital - chi nhánh đầu tư tại Hồng Kông của công ty tài chính HashKey Group.
Giá trị các quỹ ETF Bitcoin của ChinaAMC và Harvest mỗi quỹ đóng cửa tăng khoảng 1,5%, trong khi Borsera đóng cửa tăng 1,8%, còn cả ba quỹ ETF ETH đều giảm hơn 1%. Về khối lượng giao dịch, tổng các quỹ đạt gần 67 triệu đô la Hồng Kông (9,2 triệu USD) vào cuối ngày, riêng quỹ ETF của ChinaAMC có giao dịch nhiều nhất với khoảng 37 triệu đô la Hồng Kông được trao tay.
Giới phân tích nhìn nhận, việc Hồng Kông ra mắt các quỹ ETF tiền điện tử mới sẽ mang lại lợi thế cho các nhà đầu tư ở châu Á và đẩy nhanh tiến độ trong việc theo đuổi tham vọng trở thành trung tâm kinh doanh tài sản ảo trong khu vực. Tuy nhiên, so với các sản phẩm tương tự ở Mỹ, thì các quỹ ETF tại nền kinh tế lớn nhất thế giới có quy mô lớn hơn nhiều. Cụ thể, vào ngày ra mắt sản phẩm đầu tiên tại Mỹ, 11 quỹ ETF Bitcoin đã chứng kiến hơn 4,6 tỷ USD được giao dịch trong ngày.
Trong cuộc họp ngắn vào ngày 30/4, giám đốc điều hành của HashKey Group - ông Livio Weng chia sẻ Hồng Kông có thể kỳ vọng khối lượng giao dịch của các quỹ ETF tiền điện tử giao ngay sẽ đạt 20% so với ở Mỹ trong khoảng một năm. Các nhà tạo lập thị trường đã đóng góp phần lớn giao dịch trong ngày đầu tiên, vì vậy còn phải xem nhu cầu đối với các sản phẩm này sẽ tăng như thế nào trong những ngày tới.
Hiện các nhà quản lý quỹ và môi giới đang đưa ra những chính sách thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, trong đó Harvest miễn phí quản lý trong 6 tháng và Bosera trong 4 tháng. Công ty môi giới trực tuyến Trung Quốc Tiger Brokers cho biết trong một tuyên bố họ sẽ miễn phí dịch vụ cho đợt giao dịch đầu tiên của các quỹ ETF này.
>>Lừa đảo đầu tư tiền điện tử ở châu Á tăng vọt
Với quy mô nhỏ bé của thị trường ETF Hồng Kông so với Mỹ, các quỹ hy vọng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm những sản phẩm đặc biệt ở châu Á. HashKey Capital tuyên bố, ngay cả những khách hàng không phải người Hồng Kông cũng có thể mua cổ phần trong các quỹ ETF tiền điện tử, miễn là họ đáp ứng được các yêu cầu về định danh điện tử (KYC) tại địa phương.
Mặc dù vậy, một người trong ngành phân tích, điều đó chỉ có ý nghĩa về mặt kỹ thuật, ETF mở cửa cho tất cả các nhà đầu tư bao gồm cả Trung Quốc đại lục có tài khoản ngân hàng hoặc môi giới ở Hồng Kông, nhưng việc đầu tư vào các sản phẩm này vẫn có thể gặp khó khăn vì khó có thể vượt qua được thủ tục KYC của nền tảng môi giới do Bắc Kinh đã nghiêm cấm giao dịch tiền điện tử từ lâu. Với các loại ETF khác có thể được giao dịch thông qua chương trình Stock Connect, liên kết với các thị trường ở Thượng Hải và Thâm Quyến.
Các nhà quản lý Hồng Kông tại sự kiện ra quỹ ETF đã cảnh báo rằng có những rủi ro cao liên quan đến các sản phẩm dựa trên tiền điện tử ngay cả khi các sản phẩm đã niêm yết thành công.
Christina Choi Fung Yee, giám đốc điều hành sản phẩm đầu tư tại Ủy ban Chứng khoán và Tương lai Hồng Kông nhấn mạnh: “Sự chấp thuận của chúng tôi đối với các quỹ ETF tiền điện tử không có nghĩa là chúng tôi hỗ trợ các tài sản ảo có liên quan hoặc khuyến khích công chúng đầu tư vào chúng. Tài sản ảo có tính đầu cơ cực cao với giá cả biến động mạnh… Vì vậy nó không phù hợp với tất cả các nhà đầu tư”.
Thực tế thị trường tiền điện tử đã chứng kiến sự lao dốc từ ngày 29/4 và sụt giảm gần 100 tỷ USD vốn hóa, gây ra các đợt thanh lý lớn vào ngày 30/4. Dữ liệu vào lúc 13h chiều cùng ngày của CoinGlass cho thấy, có 96,62 triệu USD đến từ việc thanh lý vị thế mua của các nhà đầu cơ giá lên.
Dẫn đầu các khoản lỗ là Ethereum (ETH) với tài sản thế chấp trị giá 28,47 triệu USD được bán trên các sàn giao dịch, trong khi Bitcoin bị thanh lý xấp xỉ 20 triệu USD trong cùng khoảng thời gian. Tính đến tối ngày 30/4, Bitcoin chỉ còn giao dịch quanh mốc 60.000 USD/BTC khiến tâm lý thị trường không khỏi hoang mang.
Có thể bạn quan tâm
Hồng Kông tiên phong phê duyệt quỹ ETF Ethereum
05:17, 17/04/2024
Các quỹ ETF Bitcoin khó tiếp cận thị trường châu Âu
05:00, 21/02/2024
Liệu Grayscale có thể tồn tại trong kỷ nguyên ETF Bitcoin?
05:30, 01/02/2024
Quỹ ETF tái cơ cấu: Cổ phiếu nào sẽ được mua nhiều nhất?
05:17, 24/01/2024
Mối đe dọa tiềm tàng từ các quỹ ETF Bitcoin
05:00, 14/01/2024