Thực thi Luật Các tổ chức tín dụng: Cần có cơ chế kiểm tra chéo

KHÔI NGUYÊN 02/05/2024 03:00

Để thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 hiệu quả, chuyên gia cho rằng, cần phải có cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật, đồng thời đẩy mạnh vai trò của Kiểm toán Nhà nước …

>>Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

IHIHIH

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giúp hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định. Ảnh minh hoạ

Theo đó, trước sự phát triển mạnh mẽ cùng những bất cập của hệ thống các tổ chức tín dụng, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giúp hệ thống hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế, dù trong ngắn hạn, những nội dung của Luật sẽ có tác động nhất định đến hoạt động của các ngân hàng thương mại.

Đáng chú ý, để hạn chế sở hữu chéo, thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng, Luật đã bổ sung quy định các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin, đồng thời các tổ chức tín dụng phải thực hiện công bố công khai, minh bạch thông tin của các cổ đông này. Giới hạn tỷ lệ sở hữu của cổ đông là tổ chức từ 15% giảm xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác. Quy định này được kỳ vọng hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát.

Bên cạnh đó, về can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém, Luật quy định, các tổ chức tín dụng được can thiệp sớm (lỗ lũy kế hơn 50% vốn điều lệ) sẽ được hỗ trợ bởi một số biện pháp như thay đổi cách tính số dự phòng rủi ro bằng tối đa số chênh lệch thu chi trong năm của tổ chức tín dụng. Đồng thời phải thuyết minh chi tiết số dự phòng thực tế và chênh lệch với số tối đa này trong báo cáo tài chính. Quy định này sẽ giúp cơ quan quản lý và công chúng sớm nhận ra các rủi ro lớn thông qua báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng.

Đánh giá về việc thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, các chuyên gia cho rằng, việc giảm và kiểm soát các tỷ lệ về sở hữu, cấp vốn cho khách hàng được kỳ vọng sẽ hạn chế đáng kể các hành vi tiêu cực. Xét về mặt con số, các tỷ lệ này ở Việt Nam chặt hơn so với nhiều nước trên thế giới, song thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ việc sai phạm. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, giới hạn tỷ lệ bằng các con số sẽ không đạt hiệu quả kỳ vọng nếu không siết chặt các khâu kiểm soát và giám sát thực thi.

>>Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Áp dụng “can thiệp sớm” khi ngân hàng gặp khó

IHIIH

Để thực thi Luật hiệu quả, cần phải có cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật. Ảnh minh hoạ

Bình luận về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, yếu tố con người trong thực thi là rất quan trọng để đảm bảo hiệu lực pháp luật. Lấy minh chứng thực tế cho điều này, ông Huân cho biết, vụ việc Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là những điển hình.

Dù pháp luật chặt chẽ đến mức độ nào cũng không thể phát hiện, bởi người thi hành pháp luật lại vi phạm pháp luật và gây hậu quả nghiêm trọng”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế kiểm tra chéo giữa các cơ quan chức năng, đẩy mạnh vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc phát hiện các sai phạm. Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, cần phải làm rõ và quy trách nhiệm sai phạm của công ty kiểm toán độc lập trong các vụ việc sai phạm có liên quan đến hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng.

Nếu thiếu các cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật thì tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim” như vụ Vạn Thịnh Phát hay FLC vẫn có thể còn xảy ra trong thời gian tới, ảnh hưởng đáng ngại đến sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng”, ông Huân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, dù đánh giá cao những bước tiến trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024, song TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin, đảm bảo thực chất, công khai, minh bạch và kịp thời…

Bên cạnh đó, theo ông Lực, quy định giảm giới hạn cấp tín dụng cho một và một nhóm khách hàng cũng có thể gây ra khó khăn về tiếp cận vốn đối với một số doanh nghiệp lớn có nhu cầu vay vốn nhiều.

Để giảm thiểu khó khăn này đòi hỏi phát triển cân bằng hơn thị trường tài chính, nhất là thị trường cổ phiếu và trái phiếu để doanh nghiệp có thể huy động vốn trung - dài hạn nhiều hơn từ kênh này, giảm phụ thuộc quá nhiều vào tổ chức tín dụng như hiện nay”, TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Có thể bạn quan tâm

  • Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

    Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

    11:30, 19/02/2024

  • Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Công cụ hiệu quả ngăn chặn... sở hữu chéo

    Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Công cụ hiệu quả ngăn chặn... sở hữu chéo

    04:00, 21/01/2024

  • Nhiều kỳ vọng từ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được thông qua

    Nhiều kỳ vọng từ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được thông qua

    23:37, 18/01/2024

KHÔI NGUYÊN