Hải Dương: Vốn FDI 4 tháng đầu năm tăng nhờ hiệu quả chiến lược

TRUNG THÀNH 02/05/2024 02:36

Với chủ trương thu hút đầu tư nhất quán, xuyên suốt hơn những năm qua nhưng luôn được bổ sung, đổi mới, sáng tạo, Hải Dương đã triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.

>>>Hải Dương: Thúc đẩy kết nối thương mại với các doanh nghiệp tại New Zealand

Thời gian qua, Hải Dương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút vốn FDI. Hiệu quả của việc thu hút này là tổng vốn FDI thực hiện trong 4 tháng đầu năm của Hải Dương tăng 38%.

Từ việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Khu công nghiệp Cẩm Điền-Lương Điền (Cẩm Giàng) với tổng diện tích 149,23 ha, được coi là khu công nghiệp kiểu mẫu của Hải Dương với kết cấu hạ tầng đồng bộ, mật độ cây xanh lớn. Những lợi thế cùng công tác xúc tiến đầu tư bài bản, đa dạng, khu công nghiệp này đã thu hút nhiều dự án chất lượng cao. Riêng 6 tháng đầu năm nay, 18 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 41 triệu USD đã "cập bến" tại đây, chiếm 66,6% tổng số dự án và 25% tổng vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp này đã đạt gần 100%.

Đại diện khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tăng cường kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài qua các diễn đàn xúc tiến đầu tư, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của khu công nghiệp đến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.

Hải Dương hiện có 555 dự án FDI đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ (Ảnh minh họa)

Hải Dương hiện có 555 dự án FDI đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ (Ảnh minh họa)

Với định hướng xây dựng khu công nghiệp Cộng Hoà (Chí Linh) trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trong lĩnh vực điện, điện tử của Hải Dương, chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao Su Việt Nam đã chủ động tìm kiếm, gặp gỡ các nhà đầu tư. Thông qua các đoàn đi xúc tiến đầu tư trực tiếp tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, khu công nghiệp Cộng Hoà đã dành được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp FDI lớn.

Công ty còn thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư; chủ động xây dựng các clip, tài liệu dịch ra nhiều thứ tiếng để quảng bá, giới thiệu về cơ sở hạ tầng, các ưu đãi về cơ chế chính sách... Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư đã đồng ý ký biên bản giữ đất và lập dự án đầu tư tại khu công nghiệp này. Dự kiến trong năm 2023, tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp Cộng Hoà đạt 100%.

Là một trong 5 doanh nghiệp FDI đầu tiên đầu tư vào khu công nghiệp An Phát 1 (Nam Sách), nhà đầu tư Ce Link Limited (Hồng Kông) đánh giá môi trường đầu tư tại Hải Dương khá thuận lợi và thông thoáng. Trong quá trình triển khai các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, doanh nghiệp này đã được các cơ quan chức năng của tỉnh cũng như chủ đầu tư hạ tầng hỗ trợ tích cực, giúp rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Ce Link Limited đã đầu tư khoảng 60 triệu USD vào khu công nghiệp An Phát 1 để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất dây cáp chuyền, bộ chuyển đổi tín hiệu... trên diện tích 22 ha. Dự kiến dự án này sẽ tạo việc làm ổn định cho 10.000 lao động và đóng góp trên 30 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm cho địa phương. Đến năm 2025, Ce Link Limited tăng vốn đầu tư lên khoảng 80 triệu USD. 

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, 100% số thủ tục hành chính của đơn vị được giải quyết đúng thời hạn. Việc cấp phép đầu tư cho các dự án mới đã được đơn vị rút ngắn xuống còn từ 5-10 ngày thay vì 15 ngày theo quy định. Ban cũng thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút các dự án có quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao. Ban cam kết sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính từ 1/2 đến 1/3 cho các nhà đầu tư...

Dây chuyền sản xuất của Ford ở Hải Dương bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu quý IV/1997 (Ảnh: Báo Hải Dương)

Dây chuyền sản xuất của Ford ở Hải Dương bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu quý IV/1997 (Ảnh: Báo Hải Dương)

... đến biểu tượng thu hút FDI thành công

Nhìn vào những thành quả kinh tế - xã hội, về cơ sở hạ tầng..., và vị thế của Hải Dương trong khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, rộng hơn là cả nước thì mới thấy hết sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Từ một tỉnh công nghiệp - dịch vụ gần như trống vắng, thì nay kinh tế của Hải  Dương đảo ngược hoàn toàn. Cơ cấu kinh tế thay đổi, kéo theo cơ sở hạ tầng và đô thị hóa cũng diễn ra nhanh, làm thay đổi bộ mặt của Hải Dương. Ðất lành chim đậu, các KCN tại Hải Dương đã “hút” được nhiều dự án FDI. Minh chứng là  Ford Việt Nam - Biểu tượng thu hút FDI thành công của Hải Dương.

Theo đại diện Ford Motor: Năm 1995, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ, Ford Motor là một trong các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tầu đầu tư tại Việt Nam. Với sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam và tỉnh Hải Dương, ngay trong năm 1995, liên doanh Ford Việt Nam bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nhà máy lắp ráp ở cửa ngõ của TP Hải Dương. Dây chuyền sản xuất của Ford ở Hải Dương bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu quý IV/1997.

Khởi đầu, Ford Hải Dương có công suất thiết kế 14.000 xe/năm, với đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng ISO. Tính đến hết tháng 2/2008, Ford Việt Nam lắp ráp hơn 35.000 xe ô tô. Cùng sự lớn mạnh của thị trường, vị trí của Ford Việt Nam trên bản đồ thế giới ngày càng được củng cố.

Sau hơn 1/4 thế kỷ hoạt động, Nhà máy Ford tại Hải Dương đã liên tục cập nhật dây chuyền sản xuất, cho ra đời nhiều dòng sản phẩm làm nên thương hiệu của Ford tại Việt Nam như Trader, Transit, Ranger, Escape, Everest, Laser, Fiesta, Focus…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh: Hiện Hải Dương có 555 dự án FDI đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 10,4 tỷ USD. Tổng vốn thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 8,8 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI thu hút hơn 230.000 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp.

Việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư đã giúp nguồn vốn FDI đổ vào các khu công nghiệp trong tỉnh tăng cao. 4 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh thu hút 118,1 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ. Trong đó cấp mới cho 17 dự án với tổng vốn đăng ký 78,7 triệu USD, điều chỉnh tăng 17,4 triệu USD cho 9 lượt dự án, còn lại là góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù thu hút FDI giảm song vốn được triển khai thực hiện tăng cao, đạt khoảng 300 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, các doanh nghiệp FDI đã khẩn trương hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh xây dựng nhà xưởng sản xuất để dự án đi vào hoạt động.

Hải Dương hiện có 12 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 80%. Ngoài ra, 5 khu công nghiệp đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng với diện tích 938,35 ha. Diện tích đất công nghiệp, dịch vụ có thể cho thuê khoảng 649 ha. Tỉnh đã bàn giao đất cho 3 khu công nghiệp mới gồm: Gia Lộc, Phúc Điền mở rộng, Đại An mở rộng giai đoạn 2 để xây dựng kết cấu hạ tầng.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương : Quyết liệt thu hồi các dự án chậm tiến độ

    Hải Dương : Quyết liệt thu hồi các dự án chậm tiến độ

    23:11, 25/04/2024

  • Hải Dương: Thúc đẩy kết nối thương mại với các doanh nghiệp tại New Zealand

    Hải Dương: Thúc đẩy kết nối thương mại với các doanh nghiệp tại New Zealand

    02:58, 25/04/2024

  • Hải Dương: Bàn giải pháp triển khai các cụm công nghiệp ở Ninh Giang

    Hải Dương: Bàn giải pháp triển khai các cụm công nghiệp ở Ninh Giang

    01:03, 24/04/2024

TRUNG THÀNH