Điều chỉnh giá điện trong tháng 05/2024: Liệu có tăng?
Từ 15/5/2024, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 03 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất (quy định cũ 6 tháng).
>>Cần thiết thực hiện thí điểm cơ chế giá điện 2 thành phần
Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định 05/2024 có hiệu lực từ 15/05/2024.
Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm, quyết định 05 nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định số 5 quy định rõ thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Trong khi đó, tính từ lần điều chỉnh giá điện bình quân gần nhất đến nay đã gần 6 tháng. Đó là lý do nhiều người lo ngại, giá điện sẽ được điều chỉnh ngay sau khi Quyết định số 5 có hiệu lực.
>>Đề xuất nới quyền tăng giá điện: Chuyên gia nói gì?
Ở thời điểm này, nỗi lo tăng giá điện gia tăng khi chi phí sản xuất điện đã gia tăng mạnh do nắng nóng.
Theo Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, do ảnh hưởng bởi diễn biến nắng nóng 3 miền, đặc biệt tại miền Bắc nên lượng điện tiêu thụ trong dịp lễ 30/4-1/5 tăng cao, trung bình lên tới 946,6 triệu kWh/ngày, cao hơn so với đầu tháng 4 khoảng 80,9 triệu kWh/ngày.
Riêng khu vực miền Bắc, lượng điện tiêu thụ bình quân tuần qua tăng hơn 31,7 triệu kWh/ngày so với tuần trước đó. Trong tuần, nhiều kỷ lục mới về công suất cực đại (Pmax) và sản lượng điện tiêu thụ ngày (A ngày) đã được thiết lập. Tính từ đầu năm đến nay, phụ tải Quốc gia tăng trưởng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, miền Bắc tăng 11,3%, miền Trung 8,5%, miền Nam 11,7%.
“So với cùng kỳ năm 2023, ngày 26/4 sản lượng ngày của hệ thống điện quốc gia tăng 23,1%. Sản lượng điện hệ thống điện miền Bắc tăng 35,5%. Ngày 27/4, công suất cực đại hệ thống điện quốc gia tăng 20,2%, công suất cực đại hệ thống điện miền Bắc tăng 19,9%. Dù phải đối mặt với tình trạng phụ tải hệ thống tăng cao, việc cung ứng điện tuần qua vẫn được đảm bảo tốt”, Cục Điều tiết Điện lực cho hay.
Theo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, nhiều ngày nắng nóng, thủy điện phải tích nước, tại miền Bắc buộc phải huy động thêm điện than, nhiệt điện dầu với chi phí cao để bảo đảm đủ điện. Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh, trong khi giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.092,78 đồng/kWh, cao hơn giá bán hiện tại. Bên cạnh đó, nhiệt điện dầu huy động ước tính có giá xấp xỉ 5.000 đồng/kWh, điện khí khoảng 2.800 đồng/kWh. Do đó, chi phí sản xuất và phát điện tính đến thời điểm này tiếp tục tăng.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện EVN cho biết chi phí sản xuất điện tiếp tục tăng do phải huy động từ nguồn có chi phí giá cao để khắc phục những ngày phụ tải tăng đột biến trong cuối tháng 4. Đến nay, chi phí sản xuất và phát điện vẫn còn cao hơn giá bán điện bình quân. Tuy nhiên, với tình hình nắng nóng cực đoan như hiện nay, khách hàng tăng sử dụng thiết bị làm mát, phải trả hóa đơn tiền điện cao hơn những tháng thời tiết mát mẻ. Bên cạnh đó, vì mục tiêu kiềm lạm phát của Chính phủ… nên ngành điện chưa có báo cáo để tăng giá điện trong đợt này.
Trước lo ngại sản lượng điện tăng lên khi mùa nắng nóng cận kề, nguy cơ thiếu điện miền Bắc hiện hữu, Bộ Công Thương cho biết, đã điều chỉnh tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc năm lên 310,6 tỉ kWh, tăng hơn 4,3 tỉ kWh điện/năm so với kế hoạch. Trong đó, tổng lượng điện mùa khô là 150,916 tỉ kWh, tăng 2,4 tỉ kWh điện và mùa mưa là 159,684 tỉ kWh, tăng 2 tỉ kWh điện.
Đối với kế hoạch cung cấp điện cho mùa khô trong các tháng 4 - 7, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc để dự phòng đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống được điều chỉnh hơn 111 tỉ kWh, cao hơn so với kế hoạch cũ trong Quyết định 3376/2023 chỉ có hơn 109 tỉ kWh.
Nói thêm về giải pháp đảm bảo đủ điện cho mùa nắng nóng, trao đổi với Lao Động, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - cho rằng, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp về vận hành để đảm bảo cao nhất việc cung cấp điện.
Trong đó, tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện tuân thủ nghiêm Chỉ thị 29 của Thủ tướng chính phủ về chuẩn bị nhiên liệu cho sản xuất điện.
Bộ Công Thương yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy điện đảm bảo đủ nhiên liệu phục vụ sản xuất điện, khẩn trương khắc phục các sự cố, chủ động đảm bảo các điều kiện kỹ thuật và đảm bảo khả dụng của các tổ máy phục vụ phát điện theo nhu cầu của hệ thống điện quốc gia. Vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện đa mục tiêu nhằm đảm bảo cao nhất cho cung cấp điện các tháng mùa khô.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai các công trình nguồn lưới điện, đặc biệt là các công trình trọng điểm như đường dây 500kV mạch 3, các dự án nguồn điện lớn như Nhơn Trạch 3-4, Quảng Trạch I, Vũng Áng II, Nâng công suất thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Ialy… Cùng với đó, nghiên cứu, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các các dự án điện khí trong nước, điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời… nghiên cứu việc tăng cường nhập khẩu điện ở mức độ phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp "bế tắc" đàm phán giá điện khí LNG
03:00, 19/04/2024
Cần thiết thực hiện thí điểm cơ chế giá điện 2 thành phần
03:50, 10/04/2024
Đề xuất nới quyền tăng giá điện: Chuyên gia nói gì?
03:00, 14/03/2024
EVN sẽ được "quyết" giá điện trong trường hợp nào?
00:30, 11/03/2024