Đẩy mạnh chính sách tài khóa “nghịch chu kỳ”
Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khóa “nghịch chu kỳ” nhằm thúc đẩy tổng cầu để đạt được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh suy thoái.
>>Hỗ trợ và củng cố phục hồi kinh tế thông qua chính sách tài khoá
DĐDN đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, kinh tế Việt Nam đã và đang đối mặt với những thách thức nào? Liệu kinh tế Việt Nam có đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã đề ra?
Trên thực tế, năm 2024 kinh tế Việt Nam vẫn đối diện với nhiều tác động bất ổn, khó lường và tiêu cực từ kinh tế thế giới. Cụ thể, tác động từ sự suy giảm kinh tế thế giới dồn nén từ đại dịch Covid-19 nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam, ít nhất trong nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.
Ở trong nước, những động lực truyền thống đến từ tổng cầu như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu còn yếu; khu vực doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi động lực tăng trưởng mới chưa rõ ràng. Mặt khác, môi trường tài chính và vĩ mô như hệ thống tài chính tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vàng, thị trường bất động sản còn chứa đựng nhiều rủi ro.
Những thay đổi thể chế để tạo điều kiện cho các động lực tăng trưởng mới còn chậm trễ, như thực thi công vụ còn chậm do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm... Trong khi đó, chất lượng tăng trưởng còn thấp, mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện. Vì vậy, năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và khả năng tăng trưởng như mục tiêu mà Quốc hội đề ra là 6- 6,5% là rất khó khăn.
- Có ý kiến cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam thấp là do sự suy yếu của các thành tố quan trọng của tổng cầu, như tiêu dùng, đầu tư… Vậy cần kích thích tổng cầu như thế nào, thưa ông?
Việc quản lý tổng cầu trong giai đoạn vừa qua có vấn đề khi hầu hết các yếu tố đều gia tăng nhập siêu, đặc biệt là khu vực FDI. Riêng khu vực đầu tư tư nhân, mặc dù mang lại giá trị gia tăng cao, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn vừa qua, kéo theo ảnh hưởng đến nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Trong mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, muốn đạt mục tiêu thì phải dùng các chính sách thúc đẩy tổng cầu. Tuy nhiên, để kích thích tổng cầu nhưng không làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và tài chính quốc gia thì cần lưu ý đến liều lượng và trọng tâm.
Về liều lượng, cần tập trung đẩy mạnh các chính sách tài khóa hơn chính sách tiền tệ do chính sách tài khóa còn dư địa. Với chính sách tiền tệ, thay vì tập trung giảm lãi suất, tăng hạn mức tín dụng thì cần gia tăng hiệu lực chính sách, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khối tư nhân.
Về trọng tâm, cần coi khu vực tư nhân là quan trọng nhất, từ đó việc thiết kế chính sách cần tập trung vào lĩnh vực này, như hỗ trợ giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
- Ông có khuyến nghị gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024?
Đối với chính sách tài khóa, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khóa “nghịch chu kỳ” nhằm thúc đẩy tổng cầu để đạt được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh suy thoái, đặc biệt khi ngân sách không quá căng thẳng và nợ công có xu hướng giảm. Theo hướng này, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hiệu quả, có thể xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu.
Về chính sách tiền tệ, NHNN cần ban hành và chỉnh sửa một số văn bản pháp lý liên quan tới tiếp cận tín dụng, cũng như triển khai một số chính sách nhằm tăng cường mức độ tiếp cận tín dụng, nhất là đối với nhóm SMEs và giảm lãi suất cho vay.
Với chính sách thúc đẩy đầu tư, cần tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công thông qua thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản nhằm huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội, từ đó thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, trọng tâm là cơ sở hạ tầng, các dự án, công trình giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, phát triển nhà ở xã hội và trường học.
Đặc biệt, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân. Cụ thể, là tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm thực chất những điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ có trọng điểm, như hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận đất đai, tín dụng, nâng cao năng lực kỹ thuật để áp dụng công nghệ mới, nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển lành mạnh về quy mô, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh, khởi nghiệp.
Đối với chính sách phát triển thương mại quốc tế, thay vì chỉ tập trung một số thị trường lớn, cần khai thác cơ hội từ các FTAs để mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước thành viên khác.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Trợ lực từ chính sách tài khoá
19:50, 01/05/2024
Hỗ trợ và củng cố phục hồi kinh tế thông qua chính sách tài khoá
01:34, 24/04/2024
2024 - Năm cảm nhận tác động trễ của chính sách tài khóa và tiền tệ
11:23, 13/02/2024
Chính sách tài khóa – Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ kinh tế năm 2024 “bứt tốc”
04:00, 06/02/2024