Nam Định: Quyết tâm cải thiện Chỉ số PAPI vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp
Điểm tổng hợp PAPI năm 2023 của Nam Định đạt 43,17 điểm, xếp thứ 23/61 tỉnh, thành. Kết quả trên cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI.
>>>Nam Định: Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp xanh
Thúc đẩy...
PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI dùng để đo lường và so sánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân, doanh nghiệp về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố nhằm thúc đẩy xây dựng nền quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong thực tiễn.
Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), điểm tổng hợp PAPI năm 2023 của tỉnh Nam Định đạt 43,17 điểm, xếp thứ 23/61 tỉnh, thành phố (hai tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương không đưa số liệu vào báo cáo do dữ liệu không đảm bảo độ tin cậy), nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước.
Theo tỉnh Nam Định: So với năm 2022, kết quả tăng về điểm số nhưng lại giảm về xếp hạng (tăng 0,03 điểm và tụt 4 bậc). Nhằm đạt hiệu quả hơn trong thúc đẩy xây dựng nền quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân trong thực tiễn, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh chủ động phân tích, nhận diện các nguyên nhân để khắc phục, đặc biệt chú ý các điểm chỉ số thành phần giảm điểm, tụt hạng.
Cụ thể kết quả khảo sát PAPI so với năm 2022 cho thấy, điểm chỉ số thành phần 2 nội dung của tỉnh tiếp tục được cải thiện, gồm: Quản trị điện tử tăng 0,43 điểm; Cung ứng dịch vụ công tăng 0,22 điểm, đạt 7,85 điểm. Trong đó, hiệu quả Quản trị điện tử của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực nhưng với mức đạt 3,33 điểm trên thang đo từ 1-10 điểm, Nam Định mới nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt mức điểm trung bình cao; đây cũng là chỉ số có mức điểm thấp thứ hai so với 8 chỉ số thành phần PAPI.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Từ năm 2020 đến năm 2023 các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực thúc đẩy cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và dịch vụ công trên môi trường mạng; hướng đến mục tiêu sẽ làm giảm sự tùy tiện, quan liêu trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện tính công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Số lượng người sở hữu điện thoại thông minh và tiếp cận, sử dụng internet tại nhà tiếp tục tăng lên.
Số lượng công dân truy cập và thiết lập hồ sơ người dùng trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, giống như tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, Quản trị điện tử vẫn là chỉ số Nam Định cần tích cực cải thiện do tồn tại khoảng cách lớn giữa tỷ lệ người dân sử dụng internet và tỷ lệ người dùng Cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; Cổng thông tin điện tử của tỉnh chưa được đánh giá cao về tính thân thiện với người dùng do chưa được nhiều người dân sử dụng.
Nhìn nhận thực tế để cải thiện
Với mức đạt 5,43 điểm trên thang đo từ 1-10 điểm, kết quả khảo sát PAPI cũng chỉ rõ tỉnh cần nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách, pháp luật quan trọng liên quan đến công dân, nhất là những văn bản pháp luật quan trọng như Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; phải nỗ lực nhiều hơn trong việc bảo đảm người dân tham gia chủ động và tích cực vào công tác bầu cử trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố.
Bên cạnh đó, năm 2023, Nam Định còn bị giảm điểm ở 5 chỉ số thành phần khác gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công giảm 0,2 điểm, Thủ tục hành chính công giảm 0,18 điểm, Công khai, minh bạch giảm 0,14 điểm, Quản trị môi trường giảm 0,09 điểm, Trách nhiệm giải trình với người dân giảm 0,07 điểm.
Trong đó, dù giảm điểm nhưng chỉ số Công khai, minh bạch đạt 5,21 điểm (nằm trong nhóm tỉnh, thành phố đạt mức điểm chỉ số trung bình cao so với toàn quốc). Theo đó, tỉnh đã làm tốt công tác công khai danh sách hộ; nhiệm vụ công khai kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất và công khai thu, chi ngân sách cấp xã, phường mới đạt mức trung bình trên toàn quốc; việc tiếp cận thông tin về kế hoạch sử dụng đất thường niên của người dân vẫn còn rất hạn chế, cần phải chú trọng cải thiện.
Ông Nguyễn Trung Tuyên – Giám đốc Công ty CP xây dựng Trung Tuyên chia sẻ: Vấn đề về công khai minh bạch là vấn đề cực kỳ quan trọng, để chúng ta có thể đánh giá được một cách chính xác cái năng lực điều hành cũng như là lan tỏa giá trị và cái sự cần thiết cũng như cái sự thực thi chính sách tới người dân. Trong các chỉ số về công khai minh bạch, trong đó có 4 cái chỉ số thành phần đó là: các chỉ số về minh bạch trong việc tiếp cận thông tin; các chính sách của hộ nghèo; thu chi của các xã địa phương; và đặc biệt là chỉ số minh bạch liên quan tới các chính sách đất đai, thủ tục đất đai.
Dù vậy, người dân, doanh nghiệp đánh giá chưa cao chất lượng cung ứng dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã; việc cung ứng dịch vụ hành chính công liên quan đến cấp mới/cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn nhiêu khê; thiếu niêm yết công khai phí và lệ phí thực hiện thủ tục hành chính ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là vấn đề phổ biến ở cấp xã. Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6,56 điểm; trong đó số người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn đã giảm.
Tuy nhiên, người dân đánh giá hiện trạng phải “chung chi” để có việc làm trong khu vực Nhà nước vẫn khá phổ biến; mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn (gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường); vẫn còn tình trạng người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi “lót tay”. Chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,26 điểm, nằm trong bình diện chung tất cả các tỉnh trên toàn quốc đều đạt dưới 4,66 điểm.
Nội dung thành phần giải đáp khiếu nại, tố cáo và đề xuất của công dân của tỉnh đạt điểm thấp nhất. Các cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự phi tòa án chưa được nhiều người dân tin tưởng, mặc dù đây là kênh hỗ trợ giải quyết tranh chấp từ sớm trước khi khởi kiện ra tòa án.
Chỉ số Quản trị môi trường của tỉnh đạt 3,31 điểm, nằm trong bình diện chung trên toàn quốc đều ở mức điểm dưới trung bình trên thang đo từ 1-10 điểm. Đây là chỉ số tỉnh đạt mức điểm thấp nhất trong 8 chỉ số thành phần của PAPI. Người dân chưa đánh giá cao chính quyền địa phương trong thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường và chất lượng nguồn nước sinh hoạt; tỷ lệ người dân đánh giá tích cực đối với mức độ phản hồi của chính quyền địa phương sau khi nhận được thông báo của người dân về vấn đề môi trường giảm mạnh (giảm hơn 20%)...
Theo tỉnh Nam Định: Báo cáo xếp hạng PAPI năm 2023 chỉ ra rằng, điểm các chỉ số nội dung PAPI của tỉnh có xu hướng hội tụ hơn, khoảng cách về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh giữa các tỉnh, thành phố không lớn. Chỉ số PAPI có nhiều chỉ tiêu đánh giá sâu.
Vì vậy, tỉnh xác định, thay vì chỉ tập trung vào cải thiện thứ bậc so với địa phương khác, lãnh đạo chính quyền cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) cần đặc biệt lưu ý những việc chưa làm được; thận trọng rà soát từng vấn đề cụ thể của các chỉ số còn nhiều dư địa cần cải thiện của tỉnh, nhất là các chỉ số có tổng điểm chỉ ở mức trung bình thấp so với các địa phương trên toàn quốc như là: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Thủ tục hành chính công, Quản trị môi trường, Trách nhiệm giải trình với người dân và chỉ số Quản trị điện tử do mức điểm tỉnh đạt được còn rất thấp.
Đặc biệt, tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng tiếp tục thống nhất quan điểm chỉ số tổng hợp PAPI đóng vai trò như một “tấm gương” để từng địa phương “soi chiếu” chung về hiệu quả công tác điều hành và cung ứng dịch vụ công. Từ đó, cần khẩn trương xác định và tích cực giải quyết những vấn đề ưu tiên giải quyết trong ngắn hạn và trung hạn; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành liên quan nhằm đổi mới phương thức phục vụ nhân dân, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ; quyết liệt hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng điểm chỉ số PAPI trên bảng xếp hạng toàn quốc.
Có thể bạn quan tâm