Chiến dịch Điện Biên Phủ: Cuộc đấu trí cam go
Sự bất ngờ của pháo binh Việt Minh cùng pháo cao xạ bắn chặn máy bay làm quân Pháp rơi vào thế bị động đến kinh hoàng.
>>70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhớ về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp
Sau lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), thực dân Pháp quay trở lại Việt Nam với âm mưu tiếp tục đô hộ, khai thác thuộc địa của Việt Nam cùng bán đảo Đông Dương.
Thực tế Pháp bị Đức tiến đánh chiếm thủ đô Paris không mấy khó khăn, trong thời gian Nhật lật đổ quân Pháp cũng thất bại thảm hại. Trong khi đó, dân tộc Việt Nam nghe theo lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch ngày 19/12/1946 đứng lên kháng chiến trường kỳ với quyết tâm “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Chính tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” ấy đã giúp quân đội ta càng ngày càng lớn mạnh, trưởng thành nhanh chóng. Nhờ sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, quân đội ta được viện trợ trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại. Từ năm 1945 đến 1953, thực dân Pháp thay thế đến 7 tướng chỉ huy với đủ các học thuyết, chiến dịch…, nhưng vẫn bất lực với chiến tranh du kích của Việt Minh. Đàm phán sẽ là giải pháp cho cả hai Pháp – Việt Minh như việc kết thúc chiến tranh Triều Tiên với chia đôi Nam - Bắc. Chỉ có thắng lợi trên chiến trường mới đem lại tiếng nói trên bàn đàm phán, nên cả hai bên cần có một chiến dịch để phân thắng bại. Và Điện Biên Phủ được chọn là nơi quyết chiến.
Quân đội chủ lực, chính phủ kháng chiến Việt Minh hoạt động ở chiến khu nằm trong rừng núi, địa thế hiểm trở. Quân Pháp không thể tìm kiếm trận đánh quy ước để bình định, cho nên họ xây dựng Điện Biên Phủ thành cái bẫy để kéo chủ lực Việt Minh vào nghiền nát. Xét về vị trí, Điện Biên Phủ không quá quan trọng về quân sự như phân tích uy hiếp Việt Bắc, chặn hướng sang Lào, chặn dòng viện trợ từ Trung Quốc sang.
Quân Pháp tưởng như tự đưa mình vào thế bất lợi khi lập căn cứ nằm sâu trong vùng đối phương kiểm soát. Cứ điểm hoàn toàn nằm trong thung lũng lòng chảo, nhưng thực tế đây là cái bẫy rất lớn giăng ra để tiêu diệt quân đội Việt Minh. Nếu chủ lực Việt Minh thiệt hại nặng nề ở đây thì trên bàn đàm phán, Pháp là người ra quyết định toàn bộ.
Quân Pháp vượt trội về vũ khí trang bị, lực lượng thiện chiến với 12 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo 105 mm, 1 đại đội pháo 155 mm, 2 đại đội súng cối 120 mm, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay 14 chiếc..quân số hơn 16 ngàn. Hệ thống hầm ngầm, công sự kiên cố có sự yểm trợ mạnh mẽ từ không quân.
Tướng Giáp huy động toàn bộ 4 đại đoàn quân chủ lực, 1 sư đoàn công binh - pháo binh quân số 55 ngàn cùng hơn ba mươi ngàn dân công hoả tuyến.
>>70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
Những vị tướng Pháp, Mỹ toàn những cái đầu giỏi tính toán với lực lượng và khí tài hiện có của quân Pháp, hệ thống công sự, hầm hào, vững chắc, cụm cứ điểm được bố trí khoa học hỗ trợ lẫn nhau rất tự tin việc quân Việt Minh tấn công vào sẽ phơi mình cho pháo dập, bom giã, có tiến đến gần sẽ bị pháo cối, xe tăng cùng hoả lực mạnh mẽ từ hầm ngầm, công sự nghiền nát. Họ còn lo sợ Việt Minh không tiến đánh, còn viết thư thách thức tướng Giáp để khiêu khích.
Họ tính rằng Việt Minh có pháo binh nhưng đặt sau dãy núi thì sẽ bắn không tới công sự, còn đặt đối diện thì làm mồi cho máy bay, pháo binh Pháp phản pháo. Trung tá Piroth chỉ huy pháo binh của Pháp ở Điện Biên Phủ là sĩ quan tài giỏi nhiều kinh nghiệm thực chiến, khác hẳn với pháo binh Việt Minh chỉ có 4 đại đội với các chiến sĩ vừa mới được đi học từ Trung Quốc về, nên lời hứa của viên chỉ huy này cho pháo binh Việt Minh câm họng là hoàn toàn có cơ sở.
Người Pháp không thể tin được bằng ý chí sắt đá sự bền bỉ, chịu đựng hy sinh gian khổ của bộ đội Việt Minh, họ thành công khi kéo pháo 105 mm nặng hơn 2 tấn qua những đỉnh dốc cao hàng ngàn mét, độ dốc 40 - 50 độ bằng sức người.
Đặc biệt khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra quyết định khó khăn nhất của cuộc đời ông là chuyển phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đảm bảo thắng lợi , tiết kiệm xương máu chiến sĩ, Việt Minh kéo pháo ra, rồi lại kéo vào, nhân khó khăn lên muôn phần gấp bội.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc đấu trí, đấu sức cam go giữa một bên là các tướng lĩnh Pháp, Mỹ học hành bài bản, vũ khí trang bị hiện đại, một bên là thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp cùng đồng bào chiến sĩ với ý chí quyết tâm “chân trần chí thép”. Hy sinh mất mát, thiệt hại của bộ đội chiến sĩ ta không hề nhỏ khi bị bỏ bom, pháo bắn, địa hình hiểm trở, bệnh tật nơi “rừng thiêng, nước độc”.
Pháo binh ta không tập trung thành trận địa mà đặt rải rác trong hầm chắc chắn để “lên cao, vào gần, bắn thẳng” độ chính xác rất cao, khi bắn lại hướng về một mục tiêu theo phương châm “hoả khí phân tán, hoả lực tập trung”. Pháo bắn thì hàng loạt trận địa giả giật bộc phá tạo tiếng nổ, ánh chớp đầu nòng làm quân Pháp không thể nào xác định được vị trí để phản pháo hoặc chỉ điểm cho máy bay bắn phá.
Sự bất ngờ của pháo binh Việt Minh cùng pháo cao xạ bắn chặn máy bay làm quân Pháp rơi vào thế bị động đến kinh hoàng. Tướng Pháp đã đánh vào hai tử huyệt của pháo đài bất khả xâm phạm này để cắt đường tiếp tế hậu cầu đường không bằng cách khống chế sân bay và chọn đánh bóc vỏ từng cứ điểm theo sự chủ động của quân ta. Thả dù tiếp tế khi bị cao xạ khống chế làm cho dù rơi cả vào phía quân ta nên rất nhiều chiến lợi phẩm từ quân Pháo tiếp tế giúp quân ta chiến thắng, giống như số 22 ngàn chiếc xe đạp có xuất xứ từ Pháp lại thành chiếc xe thồ tải đạn, tải gạo lên đánh Pháp.
Trung tá chỉ huy pháo binh Pháp Piroth bất lực đến tuyệt vọng tự sát bằng lựu đạn gây sự hoang mang cho quân Pháp trong cứ điểm. Đại tá Đờ Cát được phong Thiếu tướng cho ông ta thêm quyết tâm chiến đấu, nhưng cuối cùng viên tướng có dòng dõi quý tộc này từng vô địch thế giới về nhảy cao, nhảy xa tới 2 lần, từng vượt ngục phát xít Đức thành công phải cúi đầu giương cờ trắng xin hàng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp, mở ra trang mới cho lịch sử Việt Nam. 70 năm đã trôi qua, thế hệ đi sau xin được ghi nhớ, tri ân những chiến sĩ Điện Biên – “Chiến sĩ anh hùng. Đầu nung lửa sắt”.
Có thể bạn quan tâm
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhớ về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp
03:30, 16/04/2024
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Độc đáo chiến thuật “vây, lấn, tấn, triệt, diệt”
02:00, 15/04/2024
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
03:30, 13/04/2024
Đợt thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Báo Nhân Dân
08:53, 22/03/2024
“Kim chỉ nam” giúp thành phố Điện Biên Phủ hoàn thành mục tiêu năm 2023
14:40, 17/07/2023