Làm chủ giải pháp chuyển đổi số sản xuất
Các doanh nghiệp Việt Nam có bắt nhịp và đi cùng các doanh nghiệp sản xuất trên thế giới hay không phụ thuộc rất nhiều vào mức độ ứng dụng công nghệ.
>>Chủ động tích hợp mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển
Sau nhiều năm xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật Bản, với kinh nghiệm và kiến thức tích luỹ, VTI Group phát triển sản phẩm công nghệ phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp sản xuất tại thị trường trong nước.
Chia sẻ với DĐDN, ông Phạm Thanh Hà - Giám đốc công nghệ tập đoàn VTI nhấn mạnh: Sự phát triển các ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng, thị trường trong nước đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ICT như VTI triển khai các sản phẩm công nghệ.
- Không ít doanh nghiệp sản xuất vẫn còn tâm lý dè dặt bởi lo ngại chuyển đổi số sản xuất phức tạp, tốn kém, thưa ông?
Trong quá trình tư vấn, làm việc với các doanh nghiệp sản xuất về chuyển đổi số, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm nghiêm túc của đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp dành cho chuyển đổi số. Những lợi ích to lớn từ chuyển đổi này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tâm lý dè dặt vẫn có đến từ những thách thức, khó khăn có thể nhìn thấy được trong quá trình triển khai. Thách thức lớn nhất đến từ việc doanh nghiệp thiếu chiến lược tổng thể, toàn diện về chuyển đổi số. Thay vào đó là chú trọng chuyển đổi từng nhóm nhỏ, song khi phải liên kết, tích hợp các hệ thống nhỏ với nhau, khó khăn mới xuất hiện. Khắc phục được hạn chế này, thậm chí doanh nghiệp phải đầu tư chi phí lớn hơn rất nhiều so với việc xây dựng định hướng tổng thể ngay từ đầu.
Thách thức thứ hai cũng khá lớn là sản xuất Việt Nam đi từ việc sử dụng nhân công là chính nên khi ứng dụng giải pháp công nghệ sẽ gặp trở ngại nhất định trong việc nắm bắt, tiếp nhận, sử dụng giải pháp một cách dễ dàng và nhanh nhất. Khi nhân sự không sử dụng đồng nghĩa với việc triển khai ứng dụng gặp thất bại. Ngoài ra, thực tế triển khai chuyển đổi số sản xuất, chúng tôi cũng nhận thấy có doanh nghiệp Việt Nam thường tự định ra quy trình và quy trình này được cải tiến liên tục nên cũng gặp một số vướng mắc khi kết nối quy trình.
- Những khó khăn trên được “hoá giải” thế nào để biến quyết tâm chuyển đổi số của doanh nghiệp thành hành động cụ thể, thưa ông?
Công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, nhất là công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, IoT được ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất. Bắt nhịp xu hướng này, việc đưa các giải pháp và công nghệ tiên tiến nhất vào trong các bộ giải pháp chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp ICT, trong đó có VTI. Chúng tôi nhận thức, các doanh nghiệp Việt Nam có bắt nhịp và đi cùng các doanh nghiệp sản xuất trên thế giới hay không phụ thuộc vào mức độ áp dụng công nghệ như thế nào.
Trong giải pháp Quản lý thực thi sản xuất MES-X của mình, chúng tôi kết nối toàn bộ quản trị doanh nghiệp với sản xuất tại các nhà máy; kết nối toàn bộ máy móc giúp dữ liệu liên thông và được kiểm soát tức thời. Với việc đưa vào một số ứng dụng liên quan đến trí tuệ nhân tạo như hệ thống dự đoán, bảo trì sản xuất, dự báo hàng tồn kho, nguyên vật liệu tiêu thụ… giúp cho doanh nghiệp có thể cập nhật thông tin sản xuất trên từng công đoạn, xác định được năng suất của từng xưởng, mức độ thất thoát, số lượng sản phẩm lỗi...
Những dữ liệu này giúp doanh nghiệp có thể đưa ra dự báo, quyết định chính xác trong việc kiểm soát luồng sản xuất, tìm cách cải tiến công đoạn khi cần thiết, qua đó tăng năng suất, cải thiện tối đa hiệu suất sử dụng nguyên vật liệu, giảm chi phí sản xuất.
- Những kết quả này đã được lượng hoá thành lợi nhuận doanh nghiệp sau khi chuyển đổi số ra sao? Ông có thể đưa ra con số cụ thể hơn?
Có hai chỉ số phản ánh tốt nhất hiệu quả nhìn thấy sau khi doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc cho chuyển đổi số. Thứ nhất, tối ưu năng lực sản xuất thông qua hiệu suất sử dụng máy móc, hiệu suất sử dụng con người. Chúng tôi luôn cố gắng tối đa hoá năng lực sản xuất trên cùng một đơn vị sản xuất, thường tăng trưởng khoảng 25 - 30% so với giai đoạn trước đó. Thứ hai, mức độ chuyên nghiệp của nhân lực tăng lên, rút ngắn nhiều thao tác, năng suất sản xuất có thể tăng từ 25-40%.
Bên cạnh đó, hiệu quả của chuyển đổi số còn phụ thuộc vào mục đích và bài toán doanh nghiệp đặt ra. Chẳng hạn có doanh nghiệp mong muốn hướng đến giảm chi phí thất thoát do lãng phí nguyên vật liệu hoặc giảm mức phế liệu định kỳ hàng tháng… Thông thường từ năm thứ 3 trở đi doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích từ khoản đầu tư bỏ ra, tất nhiên đã được thể hiện qua dữ liệu hàng tháng nhưng được trừ đi do doanh nghiệp có bỏ chi phí đầu vào.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm