Du lịch bền vững: Những thách thức du khách phải đối mặt

LINH NGA 04/05/2024 00:30

Có tới 96% du khách Việt Nam khẳng định rằng du lịch bền vững đóng một vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ.

>>“Chìa khóa” tạo sức hút du lịch bền vững

gf

Ngành du lịch có thể đảm bảo du khách ưu tiên thói quen du lịch bền vững thông qua việc duy trì sự nhất quán trong các tiêu chuẩn và nhãn hiệu được chứng nhận.

Booking.com vừa công bố Báo cáo Du lịch Bền vững 2024 năm thứ chín. Báo cáo này, dựa trên dữ liệu từ hơn 31.000 du khách đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ, phản ánh quan điểm, sự ưu tiên và tác động của du lịch bền vững đối với quyết định của người tiêu dùng.

Theo nghiên cứu này, có tới 96% du khách Việt Nam khẳng định rằng du lịch bền vững đóng một vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ. Tuy nhiên, một số phát hiện mới chỉ ra rằng, du khách toàn cầu cũng đang cảm thấy gánh nặng từ những thách thức không nhỏ mà lựa chọn du lịch bền vững mang lại.

Nghiên cứu gần đây cho thấy, một phần tư (26%) người Việt nhận thức được tầm quan trọng của du lịch bền vững, tuy nhiên, họ không coi đó là yếu tố quyết định khi lập kế hoạch hay đặt vé cho chuyến đi. Bên cạnh đó, 40% du khách bày tỏ sự mệt mỏi với việc liên tục nghe về vấn đề biến đổi khí hậu gần đây. Những phát hiện này cho thấy đây là thời điểm thích hợp để kêu gọi hành động tập thể nhằm đảm bảo những tiến triển hướng đến ngành du lịch bền vững luôn là ưu tiên hàng đầu.

Nhìn về tương lai, 94% du khách Việt Nam cho biết họ mong muốn thực hiện các chuyến đi bền vững hơn trong vòng 12 tháng tới. Trong số đó, 56% cảm thấy áy náy khi lựa chọn những hình thức du lịch có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, trong khi 21% quyết định hành động theo hướng bền vững hơn vì tin tưởng đó là quyết định đúng đắn.

Tuy nhiên, sự thất vọng khi đối mặt với thực tế của du lịch bền vững có thể làm lu mờ những quyết tâm tích cực của du khách trước đó. Một số yếu tố mới lần đầu tiên được đưa vào nghiên cứu trong báo cáo năm nay đã tiết lộ rằng không ít người chưa thực sự nhận thức được ảnh hưởng của các hành động cá nhân đối với môi trường và xã hội.

Gần một nửa số người được hỏi (47%) tin rằng những tổn thất môi trường đã xảy ra là không thể khắc phục, và rằng những lựa chọn du lịch cá nhân của họ không thể tạo nên sự khác biệt. Trên thực tế, 35% không tin rằng biến đổi khí hậu nghiêm trọng như những gì người ta vẫn thường nói và 41% cảm thấy không cần thiết phải ưu tiên tính bền vững trong những chuyến đi quý giá của mình.

Cảm giác bất lực cũng gia tăng khi du khách nhận ra rằng việc họ cố gắng lựa chọn những hành động bền vững tại những điểm du lịch không thực sự áp dụng các biện pháp bền vững là không mang lại kết quả, với 46% du khách tin rằng những nỗ lực cá nhân của họ trở nên vô ích trong bối cảnh đó.

Đáng chú ý, 80% khách du lịch Việt Nam cho biết họ mong muốn những điểm tham quan mình ghé thăm sẽ được cải thiện hơn sau khi họ rời đi, 43% du khách tin tưởng rằng họ mang lại những ảnh hưởng tích cực đối với các vấn đề xã hội liên quan đến ngành du lịch. Một tỷ lệ tương đương (43%) cũng cho rằng sự đoàn kết và nỗ lực chung của cộng đồng là chìa khóa quan trọng nhất để giải quyết các thách thức kinh tế. Trong khi đó, hơn một nửa số người tham gia khảo sát (51%) cho rằng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đang nắm giữ những giải pháp hiệu quả cho các vấn đề môi trường. Do đó, việc kêu gọi hành động cộng đồng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành du lịch vẫn luôn được xem là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Ngành du lịch có thể đảm bảo du khách ưu tiên thói quen du lịch bền vững thông qua việc duy trì sự nhất quán trong các tiêu chuẩn và nhãn hiệu được chứng nhận. 54% khách du lịch cảm thấy những nơi lưu trú có gắn nhãn bền vững hấp dẫn hơn. Sự nhất quán trong các tiêu chuẩn chứng nhận là yếu tố quan trọng khi gần ba phần tư (71%) du khách đồng ý rằng tất cả các trang web du lịch nên áp dụng một hệ thống chứng nhận bền vững chung. Tuy nhiên, số lượng du khách quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về lý do vì sao nơi lưu trú được đánh dấu bền vững đã giảm 22 phần trăm (54%) so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết về một cách tiếp cận thông tin đơn giản và minh bạch, giúp du khách dễ dàng đưa ra quyết định bất kể ưu tiên của cá nhân họ là gì.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững, bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam cần chuyển hướng du lịch sang du lịch xanh để phát triển bền vững, trong đó cốt lõi là bảo vệ môi trường và chuyển các dịch vụ du lịch sang dịch vụ du lịch xanh, lưu ý vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

Các ý kiến cũng cho rằng, phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững đang là xu thế, vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức của du lịch Việt Nam. Do đó, cần đặc biệt tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm, tương tác du khách với cộng đồng địa phương. Du lịch xanh không chỉ là đến những điểm du lịch gắn liền với thiên nhiên, vận động du khách bảo vệ môi trường, bản sắc cộng đồng cần được gìn giữ, tôn tạo và phát triển.

LINH NGA