SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Từ tốt đến vĩ đại” – Bật mí bí mật để doanh nghiệp trở nên vĩ đại
“Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins được coi như sách giáo khoa của giới doanh nhân, nhà quản lý và những người quan tâm đến yếu tố tạo nên thành công vĩ đại và nhảy vọt trong môi trường kinh doanh.
>>Bộ sách “Lịch Sử Văn Minh Thế Giới” - Biên niên sử của nhân loại
“Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins kể từ khi xuất bản vào năm 2001 cho tới nay luôn được coi như sách giáo khoa của giới doanh nhân, những nhà quản lý và những người quan tâm đến những yếu tố tạo nên thành công vĩ đại và nhảy vọt trong môi trường kinh doanh. Không chỉ đề cập đến những lý thuyết mang tính quan sát và đánh giá cảm tính, mà giá trị cuốn sách nằm ở những đúc kết, phân tích và dẫn chứng có cơ sở nhờ các cuộc nghiên cứu báo cáo tài chính, phỏng vấn chuyên sâu kéo dài suốt 5 năm của Jim Collins và các đồng sự tại Đại học Stanford.
Collins và nhóm của mình đã phân tích dữ liệu từ hàng trăm công ty trong các ngành công nghiệp khác nhau để tìm ra các doanh nghiệp vĩ đại, những doanh nghiệp mà không chỉ có thành tích tài chính xuất sắc mà còn duy trì được sự phát triển bền vững trong thời gian dài (ít nhất 15 năm).
Phương pháp nghiên cứu của Collins dựa trên việc so sánh các doanh nghiệp vĩ đại với các đối thủ cùng ngành để tìm ra những đặc điểm, hành vi và chiến lược kinh doanh phổ biến mà các doanh nghiệp này áp dụng để đạt được thành công. Qua đó, Collins và nhóm nghiên cứu đã tìm ra các yếu tố quyết định giúp các doanh nghiệp chuyển từ tốt đến vĩ đại.
Tổng quan, nhóm nghiên cứu đã đúc kết 5 yếu tố quan trọng nhất khiến cho một số công ty đạt được bước nhảy vọt để trở thành vĩ đại mà nhiều công ty khác vì thiếu ít nhất là một trong các yếu tố này, đã không thể bước vào hàng ngũ Công ty vĩ đại.
Lãnh đạo cấp độ 5 – Khác biệt là sự khiêm nhường và ý chí luôn đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên cái tôi
Lãnh đạo là một trong 5 yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một doanh nghiệp vĩ đại, nhưng không phải tất cả. Một người lãnh đạo cấp độ 5 là người có tầm nhìn dài hạn, không chạy theo xu hướng; có sự kiên định và quyết đoán; họ tận tâm và luôn cảnh giác, sẵn sàng với mọi biến động, rủi ro trong môi trường kinh doanh; họ định hướng, hoạch định chiến lược giúp doanh nghiệp tạo bước nhảy vọt, họ biết cách xây dựng đội ngũ và đặt đồng đội của mình vào những vị trí phù hợp; nhưng khác biệt với lãnh đạo cấp độ 4, họ khiêm tốn và luôn đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích và danh vọng cá nhân. Thay vì muốn vận mệnh doanh nghiệp chỉ có thể trông chờ vào mình, họ có tham vọng có thể truyền cho người kế nhiệm cơ hội thành công.
Những nhà lãnh đạo cấp độ 5 được phân tích như Colman Mockler, Tổng giám đốc Gillette từ 1975 đến 1991, người đã đặt ý chí biến Gillette trở thành công ty vĩ đại thay vì hưởng khoản lợi cá nhân từ các nhà đầu tư; hay David Maxwell của Fannie Mae, người đã về hưu ngay khi đang trên đỉnh cao vì cho rằng công ty sẽ không có lợi nếu mình ở lại quá lâu, và sau đó chuyển giao công ty lại cho người kế nhiệm xứng đáng.
Xây dựng đội ngũ nhân sự ưu tú: Con người phù hợp – Công việc theo sau
Việc xây dựng đội ngũ nhân sự ưu tú bắt đầu từ việc lựa chọn những con người phù hợp để cùng lên một chuyến xe, mạnh dạn loại bỏ những nhân sự giỏi nhưng không phù hợp. Tiếp đó, đặt những nhân sự này vào các vị trí phù hợp, với trọng trách phù hợp. Điều này giúp cho những nhân sự phù hợp tự tạo được động lực làm việc để đạt kết quả tốt nhất, mà không cần phải quản lý chặt chẽ hay thúc đẩy. Chính bí quyết “Con người đi trước – Công việc theo sau” đã tạo nên một đội ngũ đồng đều và xuất sắc, nơi họ được trao cơ hội chứ không phải đẩy họ vào rủi ro.
Những nhân sự phù hợp đồng hành để xây dựng nên một doanh nghiệp vĩ đại luôn hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình, có hệ giá trị tương đồng với giá trị cốt lõi của tổ chức. Vì vậy, cuốn sách nhấn mạnh: Cần loại bỏ tư duy “một thiên tài, vạn người giúp việc”. Hiện nay, tư duy này đã phát triển trong mô hình kinh doanh hiện đại với các xu hướng tinh giản cấp bậc trong cơ cấu tổ chức (tối đa 3 layers) và lý tưởng với mô hình Flat organization.
>>SÁCH HAY CUỐI TUẦN” Bí mật của “Nội lực”
Tập trung vào sứ mệnh – Khái niệm con nhím
Tư duy xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh đơn giản và nhất quán với 3 vòng tròn: Điều chúng ta làm tốt nhất trên thế giới (và chúng ta không thể giỏi nhất trong lĩnh vực nào – Điều chúng ta đam mê nhất – Điều gì thúc đẩy cố máy kinh tế của chúng ta: Công thức để tính cũng được cung cấp rõ rang, đó là lợi nhuận hoặc dòng tiền (đối với công tác xã hội) trên mỗi mẫu số x (x có thể là một nhân viên, hoặc là mỗi điểm bán hoặc cũng có thể là một ngành hàng…).
Để doanh nghiệp hoạt động bền vững và trở nên vĩ đại, sứ mệnh của doanh nghiệp cần nhất quán và xuyên suốt, không nên chạy theo xu hướng. Bởi việc tản mát và đầu tư phân tán trong những lĩnh vực có thể đem lại lợi nhuận vượt trội trong ngắn hạn, nhưng sẽ làm lung lay một trong các trụ cột chính và khiến công ty gặp rủi ro khi có biến động. Bám sát khái niệm con nhím cũng là tư duy phản ánh rõ tư tưởng của nhà lãnh đạo cấp độ 5: kiên định, quyết đoán, luôn nhìn vào sự thật và có tầm nhìn dài hạn. Các dữ liệu nghiên cứu đã cho thấy yếu tố này tác động lớn đến sự phân cấp giữa các công ty vĩ đại và công ty đối trọng, và càng củng cố thêm tính chính xác của phương pháp luận mà nhóm nghiên cứu Jim Collins bám sát trong toàn cuốn sách.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra không dễ dàng cho các công ty tìm ra khái niệm con nhím của mình. Trung bình, mỗi công ty nhảy vọt phải mất 4 năm để hiểu rõ khái niệm con nhím của họ. Đó là một quá trình khó khăn, cần được nghiên cứu trên những sự kiện lặp đi lặp lại, không nên vội vàng đánh giá trên một sự kiện duy nhất. Cơ chế hữu hiệu giúp cho quá trình này là một công vụ mà nhóm nghiên cứu gọi là Hội đồng, bao gồm một nhóm những người phù hợp tham gia vào các cuộc đối thoại và thảo luận trong ba vòng tròn, lặp đi lặp lại theo thời gian, về những vấn đề sống còn và những quyết định công ty phải đối mặt. Mô hình này giúp cho các công ty hiểu rõ thế mạnh bản thân, cảnh giác với các rủi ro và xác định được phương thức để “do the right things right”.
Văn hóa kỷ luật: Bảo tồn cốt lõi, thúc đẩy tiến triển
Để giữ được một chiếc xe với đội ngũ phù hợp ngồi đúng chỗ, nhất quán với khái niệm con nhím, các doanh nghiệp vĩ đại cần có văn hóa kỷ luật.
Kỷ luật phải trở thành văn hóa, nơi toàn bộ nhân viên từ cấp thấp nhất đến lãnh đạo cấp cao nhất cần tuân thủ và hiểu rõ, một cách vui vẻ, bình thường và tự nguyện. Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp cũng là giá trị, tư tưởng của mỗi một nhân viên, để đội ngũ nhân sự có thể làm việc với sự tự do, trách nhiệm, đam mê mà không cần công cụ để quản lý, thúc đẩy. Nhưng kỷ luật không phải theo cách cứng nhắc. Các doanh nghiệp nhảy vọt hiểu rõ giá trị của việc liên tục cải tiến, để đưa các chuẩn mực lên tầm cao mới. Trong cấu trúc quản trị doanh nghiệp hiện đại và tối ưu, việc vận dụng các yếu tố cải tiến chính là một kỷ luật.
Một trong những công cụ quan trọng được nhóm nghiên cứu rút ra từ các phân tích của mình, đó là thường xuyên rà soát danh sách những việc doanh nghiệp phải ngừng ngay. Ví dụ như việc quyết định ngân sách được lập để đầu tư cho những lĩnh vực thích đáng và loại bỏ những lĩnh vực không nằm trong khái niệm con nhím.
Cơ chế bánh đà: Bò – Đi – Chạy
Cơ chế bánh đà có thể hiểu là tư duy xây dựng và triển khai chiến lược. Các công ty vĩ đại đã thực hiện quá trình tạo đà dựa trên tầm nhìn và am hiểu thực tế bản thân, nơi họ xác định việc chia nhỏ các mục tiêu dài hạn, để tiến tới sự vĩ đại bằng việc tích lũy từng bước chắc chắn, nhưng nguyên tắc là vòng quay của bánh đà những ngày sau phải nhanh hơn ngày trước.
Cơ chế bánh đà cần được xây dựng từ sự thấu hiểu đối với những người tham gia vào quá trình này từ bên trong, đó chính là đội ngũ nhân sự. Phải mất nhiều năm thì bánh đà mới có đủ sức đà để đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, giúp cho bên ngoài nhận thấy sự chuyển đổi rõ rệt. Nhưng với nội bộ, đó là một quá trình tích lũy nhiều năm, và diễn ra từng bước, rất tự nhiên.
“Không có thời khắc diệu kỳ” trong hành trình từ tốt tới vĩ đại. Không có may mắn hay một tác động từ bên ngoài giúp cho quá trình chuyển đổi từ tốt tới vĩ đại. Đó là một quá trình dài lâu, khó khăn với sự thấu hiểu và tầm nhìn từ các nhà lãnh đạo cấp độ 5; văn hóa kỷ luật từ đội ngũ nhân sự ưu tú, phù hợp; Xác lập và kiên định với Sứ mệnh rõ ràng, đơn giản và nhất quán.
5 yếu tố quan trọng nhất trong hành trình chuyển đổi từ tốt đến vĩ đại mà Jim Collins và các đồng sự đúc kết, cũng là một hành trình tích lũy từ những nghiên cứu, các cuộc phỏng vấn chuyên sâu và dữ liệu công bố của các công ty vĩ đại và công ty đối trọng. Chính bởi lý do này, mà cuốn sách đã trở thành tài liệu tham khảo và định hướng cho các doanh nhân, các nhà quản lý và những con người có tham vọng được vĩ đại.
Có thể bạn quan tâm
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Sài Gòn một thuở - ‘Dân Ông Tạ đó!’
02:00, 04/02/2024
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Nỗi đau này không thuộc về bạn”
03:37, 14/01/2024
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: Câu thần chú "Cú hích"
03:26, 30/12/2023
SÁCH HAY CUỐI TUẦN” Bí mật của “Nội lực”
03:30, 17/12/2023
SÁCH HAY CUỐI TUẦN: “Xoay chuyển tình hình Biển Đông”
03:22, 19/11/2023