Tây Ninh công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

THÙY LINH 05/05/2024 16:00

Tây Ninh sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh, phù hợp với quy hoạch, đưa Tây Ninh trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Ngày 5/5, Tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành tham dự Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh.

>> Đưa Tây Ninh trở thành “nơi đáng đến và đáng sống”

Tây Ninh sẽ là nơi đáng đến, đáng sống

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập và phê duyệt phù hợp với định hướng phát triển Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng như Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Quy hoạch thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới đối với tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Tây Ninh cho lãnh đạo tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Tây Ninh cho lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập trên cơ sở kế thừa và phát huy các định hướng phát triển của tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh.

Quy hoạch có sự tham gia, đồng kiến tạo của các bên liên quan (nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp, cộng đồng) để đảm bảo chiến lược phù hợp với năng lực và động lực thực hiện của các bên, mà trong đó, nền tảng là năng lực quản trị của chính quyền địa phương; tìm ra giải pháp huy động nguồn lực để triển khai quy hoạch cho mỗi thời kỳ một cách hợp lý nhất, đảm bảo nguồn lực và tài nguyên hữu hạn của địa phương được tối ưu.

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh đáp ứng 3 điều kiện gồm: Làm lợi cho người dân để khi quy hoạch người dân phải được hưởng lợi từ quy hoạch đó; doanh nghiệp khi tham gia phải thực hiện có hiệu quả; vai trò của nhà nước; là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất quản lý và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển.

Đây cũng là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam bộ và cả nước, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Đến năm 2050, Tây Ninh Xanh - có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng. Lấy công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới. Nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại, văn minh. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức phát huy mạnh mẽ, trở thành yếu tố chủ yếu góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Ông Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, để thực hiện mục tiêu này, trong thời kỳ quy hoạch, Quy hoạch tỉnh Tây Ninh đề ra 07 đột phá chiến lược: (1) đột phá về phát triển hạ tầng; (2) phát triển nguồn nhân lực; (3) cải cách thể chế; (4) phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; (5) phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; (6) phát triển du lịch; (7) và phát triển kinh tế dịch vụ.

3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội

Theo Quy hoạch, tỉnh Tây Ninh tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội  theo “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”:

03 vùng phát triển bao gồm:

Vùng 1: gồm thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu, là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ.

Vùng 2: gồm thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.

Vùng 3: gồm huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng đến an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ Đông.

04 trục động lực gồm:

Trục số 1: gắn với Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và Quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển Bắc - Nam chính của tỉnh.

Trục số 2: gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 22, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Cam-pu-chia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 tới sân bay Long Thành.

Trục số 3: gắn với tuyến đường Đất Sét - Bến Củi - Bến Cầu là tuyến đường vành đai trung chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Cam-pu-chia, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các nút giao với đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài (CT31), cao tốc Gò Dầu – Xa Mát (CT32) và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.

Trục số 4: gắn với đường tỉnh 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Cam-pu-chia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.

01 vành đai an sinh xã hội: gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng bằng Sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, là hành lang hỗ trợ quốc phòng - an ninh và an sinh cho vùng phía Bắc.

Về phương án phát triển hệ thống đô thị đến năm 2030, tỉnh phấn đấu có 16 đô thị, gồm:

01 đô thị loại II: thành phố Tây Ninh (định hướng quy hoạch, tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I); 03 đô thị loại III: Trảng Bàng, Hòa Thành, Gò Dầu (gồm Phước Đông); 05 đô thị loại IV: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, 02 đô thị mới Bến Cầu, Dương Minh Châu (gồm Bàu Năng); 07 đô thị mới loại V: Tân Lập, Mỏ Công, Trà Vong thuộc huyện Tân Biên; Tân Đông, Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu và Thái Bình, Thanh Điền thuộc huyện Châu Thành.

Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp: phân bố chủ yếu theo các trục: QL 22, QL 22B, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh, các trục ĐT 784, ĐT 789, ĐT 782 - hướng kết nối với trung tâm kinh tế của Vùng là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và kết nối Bình Dương - Tây Ninh - Long An, nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh tại thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và huyện Dương Minh Châu, có điều kiện về quỹ đất, thuận lợi kết nối các hạ tầng cho việc thu hút lao động, kết nối thị trường, kết nối với các cảng hàng không, cảng biển lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phương án phát triển các khu kinh tế: Tây Ninh tiếp tục phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát theo định hướng và động lực mới, tạo đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần vào sự phát triển chung của Vùng Đông Nam Bộ.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, định hướng đó, tỉnh Tây Ninh đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm, đó là:  Nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư; Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Nhóm giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; Nhóm giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn và Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Để huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, Tây Ninh tăng cường huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), coi đây là giải pháp đột phá để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác.

Có thể bạn quan tâm

  • Tây Ninh tạo sức bật cho doanh nghiệp

    Tây Ninh tạo sức bật cho doanh nghiệp

    08:26, 30/03/2024

  • Đưa Tây Ninh trở thành “nơi đáng đến và đáng sống”

    Đưa Tây Ninh trở thành “nơi đáng đến và đáng sống”

    22:17, 01/01/2024

  • Hàng ngàn người cùng đếm ngược đón năm mới trong pháo hoa rực rỡ tại Tây Ninh

    Hàng ngàn người cùng đếm ngược đón năm mới trong pháo hoa rực rỡ tại Tây Ninh

    11:00, 01/01/2024

THÙY LINH