Thanh Hóa - Tự hào 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

KIỀU PHIÊN 06/05/2024 09:00

Hòa cùng không khí với cả nước hàng ngàn người dân Thanh Hóa đã tham dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Dưới lá cờ quyết thắng" qua điểm cầu trực tiếp tại TP.Thanh Hóa.

>>70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Độc đáo chiến thuật “vây, lấn, tấn, triệt, diệt”

Tối 5/5, tại quảng trường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa tổ chức điểm cầu truyền hình trực tiếp về lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, với chủ đề "Dưới lá cờ quyết thắng". Đây là một trong 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp về lễ kỷ niệm.

ff

Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Lê Minh Khái - Phó Thủ tướng Chính phủ; Ông Nguyễn Đức Hải - Phó chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, và hàng ngàn người dân địa phương.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương lớn Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch toàn thắng. Dấu ấn Thanh Hóa đối với Điện Biên từ trong chiến tranh cho đến hòa bình luôn sắc nét và ngược lại Điện Biên có một vị trí đặc biệt trong lòng Thanh Hóa. Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ 2 vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó; tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động 30% số người trong độ tuổi lao động tham gia dân công hỏa tuyến, với tổng số gần 179.000 lượt người, 27 triệu ngày công, cùng với hàng vạn xe đạp thồ... vận chuyển 50% khối lượng lương thực phục vụ chiến dịch. Bên cạnh đó còn có hàng vạn thanh niên đã lên đường nhập ngũ, trong số đó, nhiều người đã nằm lại mãi mãi với mảnh đất Điện Biên. Nghĩa tình và tinh thần đoàn kết đã được Nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa, Điện Biên gắn chặt từ thời chiến đến nay.

Chiến

Chiến thắng Điện Biên Phủ - niềm tự hào của người dân Thanh Hóa

Đến nay, hình ảnh Điện Biên Phủ càng được khắc sâu trong tâm tưởng người Thanh Hóa, không chỉ trên sách vở, phim ảnh mà còn qua một số tuyến đường, trường học mang tên Điện Biên, Võ Nguyên Giáp, Tô Vĩnh Diện... cũng như trong những buổi kể chuyện truyền thống hết sức sôi nổi hào hứng của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa nhằm truyền lửa cho lớp trẻ. Trong đó, phường Điện Biên là một dấu ấn đặc biệt về âm vang “tinh thần Điện Biên” của tỉnh Thanh Hóa. Đây là phường duy nhất trong tỉnh được đặt theo tên một chiến dịch nổi tiếng của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp - chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, người dân Thanh Hóa luôn có thể chiêm ngưỡng những hình ảnh, chứng tích lịch sử và những câu chuyện huyền thoại về quân và dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh. Phòng trưng bày hiện vật Thanh Hóa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1945-1975, trưng bày nhiều hiện vật như: bộ sưu tập giấy khen, giấy chứng nhận của các chiến sĩ dân công Thanh Hóa, bức ảnh các chiến sĩ Thanh Hóa trên đường hành quân bao vây Điện Biên Phủ, khăn mặt của ông Trịnh Đình Long (xã Đông Minh, Đông Sơn) dùng trong khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ... Trong đó, chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc, biểu tượng của trí thông minh, tính sáng tạo và lòng quyết tâm chiến thắng kẻ thù của quân và dân ta lúc bấy giờ. Chiếc xe đạp thồ thô sơ với trọng tải từ 150 - 200kg/chuyến xe, thậm chí là trên 300kg/chuyến xe là phương tiện chính vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân dụng... phục vụ kháng chiến toàn thắng.

>>70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam

>>70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhớ về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp

dcd

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương lớn Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch toàn thắng 

Như vậy, những chứng tích lịch sử, câu chuyện huyền thoại, biểu tượng văn hóa... của Điện Biên luôn hiện hữu trong lòng Thanh Hóa, nhắc nhớ và liên tưởng đến chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Để những thế hệ mai sau thấy được đất nước luôn ghi nhớ trân trọng chiến công của những người đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, luôn ghi nhớ trân trọng sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do.

Ngoài điểm cầu chính ở tỉnh Điện Biên, chương trình còn có 4 điểm cầu khác trải dọc cả nước, gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, TP.Hồ Chí Minh, Kon Tum.

Có thể bạn quan tâm

  • Tạo mọi điều kiện cho phóng viên đưa tin Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

    Tạo mọi điều kiện cho phóng viên đưa tin Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

    21:13, 05/05/2024

  • Sẵn sàng cấp điện phục vụ chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

    Sẵn sàng cấp điện phục vụ chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

    22:24, 03/05/2024

  • 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhớ về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp

    70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhớ về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp

    03:30, 16/04/2024

  • 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Độc đáo chiến thuật “vây, lấn, tấn, triệt, diệt”

    70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Độc đáo chiến thuật “vây, lấn, tấn, triệt, diệt”

    02:00, 15/04/2024

KIỀU PHIÊN