May Sông Hồng muốn đến xứ "nghìn lẻ một đêm"
Nếu kế hoạch vào thị trường mới thành công, May Sông Hồng sẽ là doanh nghiệp thứ hai của Việt Nam và là doanh nghiệp đầu tiên của ngành dệt may Việt Nam đầu tư sang Ai Cập.
>>>Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn
Kết quả kinh doanh tích cực
Theo báo cáo tài chính quý I/2024 mới công bố, Công ty CP May Sông Hồng (HoSE: MSH) ghi nhận doanh thu đạt hơn 770 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành dệt may này đạt 95,3 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của MSH tăng 109% so với cùng kỳ, lên gần 45 tỷ đồng, trong khi, chi phí cho hoạt động này lại giảm 12% so với cùng kỳ, xuống còn 10,3 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay 9,7 tỷ đồng.
Mặc dù các chi phí khác như chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ này của doanh nghiệp đều tăng lần lượt 18% và 47% so với cùng kỳ, lên gần 24 tỷ đồng và 43 tỷ đồng. Nhưng kết thúc quý đầu năm, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của MSH vẫn tăng trưởng lần lượt 60% và 75% so với cùng kỳ, lên hơn 62 tỷ đồng và gần 48 tỷ đồng.
Năm 2024, MSH đặt mục tiêu doanh thu 5.200 tỷ đồng và lãi trước thuế 370 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 21% so với thực hiện năm 2023. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, doanh nghiệp thực hiện được 17% lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch năm.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo MSH cho rằng, thị trường thế giới đang khá biến động. Các cuộc khủng hoảng chưa kết thúc (Covid, chiến tranh Nga- Ukraina, mới đây là xung đột Biển Đỏ) nên các thị trường vẫn còn bất ổn.
Các công ty Mỹ, châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn và gây sức ép lên giá, một số thương hiệu đang phải tái cấu trúc lại như Express, Nike, Adidas. Dự kiến tình hình 2024 sẽ khá hơn 2023, và sẽ bình phục vào năm 2025. Năm 2024, đơn hàng đã quay trở lại (đơn hàng chính vụ tốt, đơn hàng trái vụ còn chưa ổn định) nhưng mặt bằng giá vẫn rất thấp.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, lãnh đạo MSH cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2024 được xây dựng tương đối an toàn. Dự kiến doanh thu được tính dựa trên tỷ trọng hàng FOB quay lại và chiếm tỷ lệ 85-90%. Lợi nhuận 2024 dự kiến sẽ khá hơn 2023 nên biên lợi nhuận tốt hơn.
MSH có 02 nhà máy mới trong đó, nhà máy SH10 đã hoạt động 100% công suất. Nhà máy XT2 đang xây dựng. Về khách hàng, công ty luôn xây dựng kế hoạch khách hàng nhằm đảm bảo nhà máy có đơn hàng sản xuất ngay. Công suất hoạt động năm đầu tiên đạt 50%, và đạt 100% từ năm thứ 3.
Doanh nghiệp ngành dệt may đầu tiên đầu tư sang Ai Cập
Liên quan đến kế hoạch đầu tư ra nước ngoài thông qua việc thành lập liên doanh sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dệt may tại Ai Cập đã được HĐQT MSH thông qua hồi cuối tháng 1/2024, lãnh đạo MSH cho biết, MSH là công ty thứ 2 của Việt Nam và là công ty đầu tiên trong ngành dệt may Việt Nam đầu tư tại Ai Cập.
Theo kế hoạch, MSH sẽ tham gia góp vốn thành lập liên doanh cùng Giza For Upper Egypt Development với giá trị hơn 1,62 triệu USD (khoảng 41 tỷ đồng), tương đương với 50% vốn điều lệ của Công ty Liên doanh, đồng thời, cử ông Bùi Việt Quang – TGĐ làm người đại diện quản lý 100% vốn của MSH tại liên doanh.
Lãnh đạo MSH cho biết, Ai Cập có nhiều lợi thế như: Ai Cập là nước có nền văn minh lâu đời, chi phí nhân công thấp hơn nhiều Việt Nam, hiệp định tự do ký với Israel, theo đó, hàng xuất đi Mỹ được miễn thuế 100%, thời gian vận chuyển đường biển sang châu Âu và Mỹ gần. Nhiều nước đã và đang đầu tư vào Ai Cập và đầu tư nhiều như Trung Quốc, Thổ Nhỹ Kỳ. Về phía khách hàng, luôn đặt ra quan ngại về rủi ro địa chính trị. Vì vậy, các khách hàng của MSH cũng rất quan tâm đến dự án này.
“Đầu tư vào môi trường mới luôn có rủi ro nhưng cơ hội cũng rất nhiều, đặc biệt là chi phí nhân công thấp so với mặt bằng chi phí hiện tại và trong tương lai ở Việt Nam. Để giảm thiểu rủi ro, Công ty đầu tư quy mô nhỏ và cử người ở Công ty sang vận hành. Việc mở rộng quy mô sẽ được quyết định tùy vào thực tế. Quyết định đầu tư tại Ai Cập cho phép tạo sự linh hoạt, tạo lợi thế cạnh tranh cho Công ty và đây là định hướng đúng đắn”, lãnh đạo MSH khẳng định.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Vietnam cũng đánh giá, MSH là doanh nghiệp may mặc có mức lợi nhuận cao ở miền Bắc Việt Nam. Doanh nghiệp hiện vận hành hơn 20 nhà máy tại tỉnh Nam Định, có vị trí thuận lợi về mặt logistic, với các dòng sản phẩm chủ lực là hàng may mặc xuất khẩu CMT và FOB. Danh mục khách hàng vững chắc, tập trung vào thị trường Hoa Kỳ, bao gồm Walmart, Nike, Target và Haddad Brands,.... Công ty cũng sở hữu thương hiệu có uy tín trên thị trường chăn ga gối đệm trong nước.
Theo Mirae Asset Vietnam, mặc dù công ty có các cụm nhà máy mới, nhưng trong bối cảnh những bất ổn vĩ mô gần đây, khả năng tăng mạnh nhu cầu sản phẩm dệt may tại các thị trường trọng điểm là tương đối thấp. Vì vậy, đơn vị này giả định lực lượng lao động trung bình đạt khoảng 12.000 người. Ngoài ra, năng suất của các cụm mới, như dự án Sông Hồng 10 (SH10) hay Xuân Trường, có thể mất thời gian để tăng lên mức trung bình của công ty.
“Do đó, chúng tôi duy trì giả định năng suất ở mức 400 triệu đồng/người. Đồng thời, dự báo doanh thu năm 2024 của MSH ở mức 4.800 tỷ đồng, tăng 5,7%. Dự báo lợi nhuận hoạt động và lợi nhuận sau thuế năm 2024 lần lượt là 419 tỷ đồng, tăng 37,3% và 335,2 tỷ đồng, tăng 36,7% so với cùng kỳ”, Mirae Asset Vietnam nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn
04:30, 06/04/2024
Sự khởi đầu tích cực cho ngành dệt may Việt Nam
17:00, 28/03/2024
Thúc đẩy xanh hoá ngành dệt may
14:58, 28/02/2024
Gỡ khó chính sách thuế để thúc đẩy ngành dệt may phát triển
04:00, 27/01/2024
Dự báo ngành dệt may sẽ phục hồi chậm hơn dự kiến
04:30, 18/01/2024