Thấy gì từ vụ Tiktok kiện chính phủ Mỹ?
Tiktok đã khởi kiện chính phủ với tư cách là doanh nghiệp nước ngoài "bật lại" chính phủ sở tại. Vụ kiện này cho thấy nhiều điều đáng nói.
>>TikTok đang “thâu tóm” Đông Nam Á
Sau nhiều năm bị các nhà lập pháp Mỹ “đặt vấn đề”, nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, Tiktok đã quyết tâm “tố ngược” nền tư pháp được coi là vững chắc nhất thế giới.
Mạng xã hội đến từ châu Á bị cáo buộc nhiều “tội danh”, đe dọa an ninh Mỹ, vi phạm quy định bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát chính trị, các nguyên nhân đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Chính vì vậy, trước đó, chính phủ Mỹ đã vận động thông qua đạo luật bắt buộc đơn vị chủ quản ByteDance phải bán hoặc dừng hoạt động tại thị trường Mỹ. Theo luật vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ngày 24/4, công ty ByteDance sẽ có 9 tháng để bán Tiktok.
Ngày 7/5, Tiktok đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ lên tòa phúc thẩm tại Washington DC với lập luận rằng: dự Luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát, vi phạm các biện pháp bảo vệ hiến pháp về quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất.
“Cuộc chiến pháp lý” giữa Tiktok và chính phủ Mỹ đã kéo dài 4 năm, kết quả cuối cùng vẫn chưa ngả ngũ. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, với lợi thế “sân nhà”, Washington nhiều khả năng khiến Tiktok phải thay đổi nếu muốn ở lại với thị trường hơn 300 triệu dân.
Song, bỏ qua các yếu tố bao trùm “địa chính trị”, vụ kiện xảy ra ngay tại nước Mỹ, bị đơn là tổ chức đang lãnh đạo cường quốc số một thế giới. Điều mang lại hiệu ứng tốt về việc ứng xử với biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế.
Rất hiếm hoi xảy ra trường hợp công ty nước ngoài khởi kiện chính phủ Mỹ và cũng chưa khi nào doanh nghiệp dựa vào Hiến pháp Mỹ để “bật lại” nhà lập pháp Mỹ.
Bắc Kinh muốn đòi lại danh dự cho Tiktok - mạng xã hội bị mang tiếng “không tốt” tại nhiều quốc gia, châu lục. Bằng cách nhằm vào thành trì luật pháp Mỹ, vụ kiện mang lại cho Trung Quốc tiếng nói trọng lượng hơn và chính thống hơn trong ngoại giao kinh tế thế giới.
>>TikTok vươn mình, Shopee và Lazada vượt khó
Xưa nay, trong pháp lý thương mại toàn cầu, người Mỹ nắm quyền lớn trong tay. Họ dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự, kể cả quyền lực “mềm” để áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại; cấm vận các quốc gia khác.
Hầu như các quốc gia bị Mỹ cấm vận đều “chịu trận” hoặc sử dụng biện pháp ngoại giao tháo gỡ. Việc Tiktok khởi kiện không thuần túy là thương mại, Trung Quốc muốn nói chuyện phải trái, bình đẳng với tư cách là các cường quốc có vai trò lớn với trật tự thương mại toàn cầu.
Nếu như sự kiện đàm phán tại Alaska hồi năm 2021 đánh dấu bước ngoặt khi các quan chức Trung Quốc lần đầu tiên không ngần ngại lớn tiếng với các đại diện phí Mỹ, thì vụ kiện của Tiktok báo hiệu một thời kỳ Trung Quốc đã sẵn sàng tham gia tái cấu trúc trật tự toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm