PCI 2023: 8 xu hướng mới về chất lượng điều hành cấp tỉnh
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 ghi nhận 8 xu hướng đáng chú ý về chất lượng điều hành cấp tỉnh.
>>>PCI 2023: 19 năm nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023 ghi nhận 8 xu hướng đáng chú ý về chất lượng điều hành cấp tỉnh.
Cụ thể, xu hướng thứ nhất, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh có sự cải thiện theo thời gian. Để theo dõi, phân tích những xu hướng thay đổi về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh theo thời gian, nhóm nghiên cứu PCI sử dụng “Chỉ số PCI gốc,” kết hợp với một số chỉ tiêu cập nhật trong những năm gần đây. Chỉ số PCI gốc được xây dựng từ một nhóm nhỏ gồm 35 chỉ tiêu được duy trì cố định xuyên suốt 18 năm qua (2006-2023), nên hoàn toàn có thể so sánh được theo thời gian – khác với chỉ số PCI tổng hợp, thường được hiệu chỉnh định kỳ 4 năm một lần. Việc sử dụng các chỉ tiêu thống kê mới cập nhật có thể giúp phản ánh sát nhất những chuyển động về chất lượng điều hành mà các địa phương thực hiện gần đây.
Kết quả chỉ số PCI gốc cho thấy năm thứ bảy liên tiếp điểm số ở tỉnh trung vị có sự cải thiện. Điểm PCI gốc năm 2023 đạt 66,57 điểm, cao hơn 1,12 điểm so với điểm PCI gốc năm 2022 (65,45 điểm) và liên tục tăng từ năm 2017 cho đến năm 2023. Trong khi đó, điểm số chỉ số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022. Đây là năm thứ 7 liên tiếp tỉnh trung vị trong PCI tổng hợp có điểm số vượt 60 điểm trên thang điểm 100.
Xu hướng thứ hai, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2023 cho thấy trong các chỉ số thành phần (CSTP) của PCI, điểm số CSTP Hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 có sự cải thiện mạnh nhất so với kết quả năm 2022.
Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022, dẫn đến điểm số trung bình của CSTP này tăng 0,6 điểm, đạt 6,39 điểm. Năm 2023, 73,3% doanh nghiệp cho biết thủ tục tư vấn tiếp cận vốn là dễ dàng (năm 2022 là 71,4%); 75% doanh nghiệp đánh giá thủ tục tiếp cận dịch vụ tư vấn hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị là dễ thực hiện (năm 2022 là 70%). Đáng chú ý, 44,6% doanh nghiệp đánh giá chất lượng cung cấp thông tin về FTA của cơ quan nhà nước địa phương đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp (năm 2022 là 32,6%); 66,7% doanh nghiệp cho biết vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các FTA được cơ quan nhà nước, địa phương giải đáp hiệu quả (năm 2022 là 56,9%).
Xu hướng thứ ba, chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm. Kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2023 cho thấy các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có bước tiến, với điểm số CSTP Chi phí không chính thức giữ vững xu hướng cải thiện.
Năm 2023, CSTP này đạt 7,08 điểm, tăng từ 7,01 điểm vào năm 2022 và 6,99 điểm vào năm 2021, đánh dấu chuỗi tăng điểm liên tục kể từ năm 2015. Tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, thấp hơn đáng kể so với mức 42,6% năm 2022, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015-2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát. Quy mô của chi phí không chính thức cũng tiếp tục đà giảm, với khoảng 2,5% doanh nghiệp cho biết phải chi trên 10% thu nhập cho các chi phí này, thấp hơn so với con số 3,8% của năm 2022 và đã giảm hơn 4 lần so với 10 năm trước đây.
"Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh có chi trả chi phí không chính thức trong một số lĩnh vực có dấu hiệu tăng lên như đăng ký kinh doanh và thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Xu hướng thứ tư, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn. Kết quả khảo sát cho thấy năm 2023 các doanh nghiệp gia nhập thị trường thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết TTHC trong đăng ký doanh nghiệp.
Cụ thể, các chỉ tiêu về tính minh bạch (94,1%), hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ (84,2%), cán bộ am hiểu chuyên môn (80%) và nhiệt tình, thân thiện (75,6%) đều cải thiện so với hai năm trước đó.
Cùng với đó, năm 2023, khoảng 43,3% doanh nghiệp cho rằng thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện được giải quyết đúng quy trình quy định (năm 2022 là 28,9%). Có 42,2% doanh nghiệp cho biết thời gian thực hiện thủ tục không kéo dài hơn so với quy định và 42,7% doanh nghiệp cho biết chi phí cấp phép kinh doanh có điều kiện không vượt quá mức phí, lệ phí quy định. Các con số này đã cải thiện hơn so với kết quả khảo sát năm 2022 (lần lượt ở mức 27,1% và 27,6%).
"Việc giải quyết các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện cũng đã có bước tiến, cải thiện rõ nét. Nhìn chung qua điều tra thấy chuyển biến tốt. Song doanh nghiệp vẫn gặp khó khi thực hiện thủ tục về đất đai, đặc biệt với doanh nghiệp tư nhân. Do đó, cần có thêm những nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gần đây về tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
>>>PCI 2023: Quảng Ninh lần thứ 7 liên tiếp giữ “quán quân”
Xu hướng thứ năm, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính năm 2023, kết quả khảo sát doanh nghiệp ghi nhận những kết quả tích cực của công tác cải cách hành chính. Chuyển biến tích cực có thể thấy rõ trong cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết TTHC nói chung, cũng như đối với phương thức giải quyết TTHC trực tuyến. Đó là cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả và thân thiện (lần lượt là 87,9% và 87,2%), doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục (82,5%), thủ tục giấy tờ đơn giản (82,4%), phí, lệ phí được niêm yết công khai (93,5%) và thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định (86,8%).
Những nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số của các địa phương cũng mang lại kết quả tích cực. Gần 77% doanh nghiệp cho biết việc thực hiện TTHC trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống.
Gánh nặng thanh tra, kiểm tra cũng được doanh nghiệp đánh giá là có sự cải thiện. Cụ thể, năm 2023, gần 7% doanh nghiệp bị thanh tra và kiểm tra ba lần trong năm, giảm nhẹ so với mức 7,4% vào năm 2022 và 9,9% vào năm 2021. Tình trạng nhũng nhiễu trong thanh kiểm tra đã giảm xuống gần 7% vào năm 2023, từ 9,6% vào năm 2022 và 13,8% vào năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết nội dung thanh tra kiểm tra bị trùng lặp tăng nhẹ từ 6,7% năm 2022 lên 8,5% vào năm 2023.
Xu hướng thứ sáu, trở ngại trong tiếp cận đất đai tiếp tục gia tăng, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Theo đó, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, kết quả khảo sát ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh đã liên tục giảm từ 55,2% năm 2021 xuống 48% năm 2022 và xuống 40,7% năm 2023.
Các rào cản liên quan đến thủ tục đất đai bao gồm thời gian giải quyết hồ sơ TTHC dài hơn so với thời gian quy định (64%), cán bộ tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ (46%) và quy trình, thủ tục giải quyết không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định (46%).
Đáng lưu ý là gần 73% doanh nghiệp đã cho biết họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các TTHC đất đai, cao hơn đáng kể so với mức 42,9% của năm 2022 và 53,9% năm 2021.
Xu hướng thứ bảy, các DNNVV mong muốn môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. "Qua khảo sát điều tra cho thấy các doanh nghiệp tư nhân dường như ít được quan tâm hơn. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ cho biết Chính quyền ưu tiên doanh nghiệp nước ngoài hơn. Chúng tôi lưu ý đây là nhóm doanh nghiệp nhạy cảm với việc điều hành chích sách, do đó cần được quan tâm tới tính bình đẳng", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy mức độ bình đẳng trong môi trường kinh doanh có dấu hiệu giảm sút. Cần lưu ý là trong lần điều chỉnh phương pháp luận PCI năm 2021, CSTP Môi trường cạnh tranh bình đẳng có sự điều chỉnh căn bản nhằm thúc đẩy chính quyền các địa phương quan tâm hơn nữa việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DNNVV. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp lớn so với các DNNVV năm 2023 là 61,3%, gia tăng từ con số 58,8% năm 2022 và 52,6% năm 2021. Bên cạnh đó, có khoảng 56,5% doanh nghiệp cho biết chính quyền cấp tỉnh ưu tiên doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các DNNVV.
Dấu hiệu tích cực là tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Hợp đồng mua sắm của cơ quan nhà nước, đất đai và các nguồn lực kinh doanh khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với cán bộ chính quyền” năm 2023 chỉ còn 55,3% vào năm 2023, đã giảm liên tục từ mức 61,1% vào năm 2021 xuống 57,7% vào năm 2022. Nếu nhìn vào con số 96,6% khi lần đầu tiên đo lường chỉ tiêu này vào năm 2013, thì con số 55,3% của năm 2023 là thực sự ấn tượng.
Xu hướng thứ tám, điểm trung bình của CSTP Tính năng động tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương năm 2023 có dấu hiệu giảm sút so với các năm trước.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân là 82,1%, giảm từ con số 86% của năm 2022; 77,1% doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh (năm 2022 là 79,7%). Đáng lưu ý, 51,5% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “các Sở ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, tăng từ con số 50,4% của năm 2022. Chỉ 40,8% doanh nghiệp quan sát thấy “chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán” vào năm 2023, giảm đáng kể từ con số 50% năm 2022 và 53,4% năm 2021.
"Các chỉ số về tính năng động đang có dấu hiệu chững lại. Do đó, cần xốc lại tinh thần năng động tiên phong của chính quyền các tỉnh", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
PCI 2023: 19 năm nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
09:37, 09/05/2024
PCI 2023: Quảng Ninh lần thứ 7 liên tiếp giữ “quán quân”
09:27, 09/05/2024
PCI - Biểu tượng của những chuyển biến lớn
04:10, 09/05/2024