Đình Trà Cổ - Nét văn hoá làng biển

Bài và ảnh: PHẠM TUẤN 10/05/2024 20:40

Đình Trà Cổ là nơi du khách nên đến thăm để khám phá nét đẹp từ kiến trúc tới nét chạm trổ tài hoa của người xưa.

>>Mùa tháng năm về nơi lưu dấu chân Người

Cao tốc Hạ Long - Móng Cái hoàn thiện thành tuyến cao tốc đẹp và dài nhất Việt Nam nối thẳng từ Hà Nội ra tới miền biên giới Đông Bắc của tổ quốc, ô tô đi chỉ trong hơn ba tiếng đồng hồ.

Những cái tên nghe xa xôi diệu vợi của ngày xưa như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên…, nay cứ vùn vụt trôi qua dưới bánh xe lăn giữa mênh mông bên là biển xanh, bên là núi đồi trùng điệp.

Đình Trà Cổ

Đình Trà Cổ

Móng Cái không còn là nơi xa ngái, du khách tới Móng Cái tắm biển Trà Cổ, ăn hải sản ngon ngọt nức tiếng, đêm đi câu mực dập dờn trên sóng với ánh điện sáng trưng như thành phố nổi trên biển. Làm thủ tục đơn giản với giấy thông hành là qua cửa khẩu sang thành phố Đông Hưng để trải nghiệm Trung Quốc, được đốt pháo đùng đùng, tham quan chỗ bán thuốc chữa bỏng, khám chữa bệnh đông y, ăn thịt dê hầm thuốc bắc.

Với du khách yêu thích tìm hiểu văn hoá lịch sử thì ở “Mũi Sa vĩ rừng dương” này, ngoài đền Xã Tắc uy nghi, bề thế thì đình Trà Cổ là nơi du khách nên đến thăm để khám phá nét đẹp từ kiến trúc tới nét chạm trổ tài hoa của người xưa.

ff

Bên trong đình Trà Cổ.

Chẳng thế mà nhạc sĩ Nguyễn Cường trong một chuyến về với Quảng Ninh khi tới thăm đình Trà Cổ, đã phải sững sỡ trước vẻ đẹp của ngôi đình là di tích văn hoá nơi địa đầu tổ quốc. Nơi từng đường cong chạm trổ, từng viên ngói, hàng gạch đều mang hồn đất tình người để bài hát “Mái đình làng biển” ra đời với ca từ thênh thang mang nét ca trù như gió biển quanh năm thổi lồng lộng nơi đây.

“Thi gan cùng tuế nguyệt
Bao lâu, bao lâu rồi
Mái đình xưa làng Việt
Thanh thanh một góc trời

Những thăng trầm thời gian
Đã ghi tác hình dáng
Nét chạm trổ phượng long
Uốn lượn tựa mây sóng…’’

Đình Trà Cổ không quá to lớn, chỉ nằm trọn trong khuôn viên chừng 1 ngàn mét vuông mà hài hoà với quần thể xung quanh với kiến trúc chữ Đinh. Đình Trà Cổ là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, nên được quan tâm bảo tồn, bảo trì, giữ nguyên nét xưa với mái đao cong vút hướng ra bốn phía, sân đình rộng, cổng bề thế.

Điểm thu hút chính là những chạm trổ, kèo mái đình vẫn còn nguyên hồn cũ với nét đục tay tài hoa rồng vờn mây, hổ rình mồi bên hoa lá. Ngôi đình lắp ghép bằng gỗ với mộng thắt, mộng ngậm, mái lớp ngói màn, trên là ngói mũi nên bên trong rất mát mẻ. Trong đình rộng rãi chứa nhiều đồ tế khí chia rõ nơi ngồi của chức sắc trong làng, nơi bày hiện vật, đồ thờ có giá trị: 3 đỉnh hương bằng đồng đúc, đôi hạc cưỡi rùa sơn son thếp vàng, long ngai từ thời nhà Nguyễn, bằng, sắc phong các loại…

>>Chùa Keo - nét cổ xưa còn mãi

Tôi đến thăm đình bởi tò mò với câu nói “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”, để khi gặp ông thủ đình mới hiểu rõ câu chuyện về xuất xứ và nguồn gốc ngôi đình cũng như con người nơi đây. Đình có từ thời hậu Lê (1461) và luôn đi cùng với sự phát triển của mảnh đất, con người vùng biên viễn này.

ff

Một góc đình Trà Cổ.

Tôi quê Hải Phòng gần với Đồ Sơn nên thích thú với câu chuyện thời ngày xưa người dân đánh cá vùng Đồ Sơn quê tôi đi đánh cá khắp các vùng biển ven bờ Vịnh Bắc Bộ. Có lần sóng to gió lớn làm 12 gia đình đánh cá cùng thuyền của họ dạt vào bán đảo hoang vu này. Một nửa tìm đường về quê, còn 6 gia đình ở lại khai phá đất hoang và “đất lành chim đậu”, từ một nhóm nhỏ ấy hình thành lên làng chài trù phú. Dân làng góp công, góp của dựng đình để làm nơi sinh hoạt, họ kì công trở về quê cũ xin chân hương rước chân linh các vị thành hoàng về thờ tại Đình (Không Lộ, Nhân Minh, Giác Hải…) cùng thờ cúng 6 gia đình tiên công khai phá đất này.

ff

Những chạm trổ vẫn còn nguyên hồn cũ.

Từ cao tốc chạy thẳng xuống bãi biển rộng dài Trà Cổ, sóng biển lăn tăn, bãi biển thênh thang, những bè mảng câu mực, thuyền câu, thuyền cá nằm dập dềnh trên sóng. Thả mình nằm võng đu đưa nghe gió biển rì rào trên tán phi lao. Rẽ sang đường ra mũi Sa Vĩ chỉ mấy trăm mét là đến với đình Trà Cổ. Đường đi trải nhựa êm ru, có những hàng phi lao đẹp như trong phim.

Chưa có dịp nào về đình đúng dịp lễ hội, nên năm nay khi biết vào dịp từ ngày 30/05 đến ngày 03/06 âm lịch đình Trà Cổ tổ chức lễ hội dân gian với nhiều trò hấp dẫn, đặc biệt là lễ rước thần trên biển và hội thi “Ông voi”  - là hội thi của 12 ông đám chăm sóc cho 12 chú lợn xem chú nào to béo mạnh khoẻ nhất. Lợn Móng Cái là giống lợn trứ danh đặc biệt thơm ngon từng được làm lợn giống nhân giống nhiều nơi. Trà Cổ - Móng Cái tuy không lớn nhưng quả thật có nhiều điều thú vị từ ẩm thực tới trải nghiệm tìm hiểu về văn hoá, cũng như nghỉ dưỡng, tắm biển.

Cần có quy hoạch tốt hơn cho bãi biển Trà Cổ, xử lý nước thải, rác không để ô nhiễm bờ biển, quảng bá gắn câu chuyện vào các điểm di tích chắc chắn Móng Cái sẽ có thêm nhiều du khách ghé thăm.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Xúc tiến du lịch phát triển qua Lễ hội Hoa Phượng Đỏ

    19:26, 10/05/2024

  • “Đầu tàu du lịch” Nha Trang trên bệ phóng cao tốc

    08:30, 10/05/2024

  • Hạ nhiệt giá tour du lịch để kích cầu cao điểm hè 2024

    02:30, 08/05/2024

  • Du lịch Việt Nam cần khoảng 5,5 triệu lao động trong năm tới

    02:30, 07/05/2024

  • Giá vé máy bay tăng cao cản trở hồi phục du lịch

    00:30, 06/05/2024

Bài và ảnh: PHẠM TUẤN