LPBank tạo “cú hích” tín dụng
LPBank (HoSE: LPB) đã và đang tạo “cú hích” tín dụng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trong năm 2024.
>>>Tín dụng có tín hiệu tăng tốc trở lại
LPBank có mức tăng trưởng tín dụng quý I/2024 cao thuộc diện dẫn đầu toàn ngành.
Thay đổi thương hiệu
Trước khi nói về hoạt động kinh doanh, một trong những thay đổi của LPBank là câu chuyện về thương hiệu ngân hàng. Trước đó, Ngân hàng Liên Việt là tên khai sinh của LPBank từ 2008, đổi tên thành Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sau khi Vietnam Post trở thành cổ đông chiến lược vào 2011. Năm 2023, ngân hàng này đã thông qua đề xuất đổi tên viết tắt tiếng Anh, từ LienVietPostBank thành LPBank.
Đến ĐHĐCĐ 2024, ngân hàng này lại có tờ trình đổi tên thành Ngân hàng Bưu điện Việt Nam - loại bỏ hoàn toàn cụm từ “Liên Việt”. Tuy nhiên ngày 17/4, ĐHĐCĐ 2024 của LPBank đã thông qua việc đổi tên ngân hàng này thành NHTMCP Lộc Phát. Tên tiếng Anh là Loc Phat Vietnam Joint Stock Commercial Bank. Tên viết tắt bằng tiếng Anh vẫn được giữ nguyên là LPBank.
Như vậy, so với các nội dung được trình ĐHĐCĐ thông qua trước đó, LPBank thay đổi tên đầy đủ bằng tiếng Anh tổng cộng 3 lần kể từ 2023, trong đó lần đổi vào 2024 vô cùng tính chóng vánh, thể hiện sự linh hoạt của ngân hàng này trước khi chính thức triển khai thủ tục để NHNN chấp thuận, và có thể cũng là để cân bằng hoặc quốc tế hóa nghĩa từ.
>>>LPBank chính thức là tên viết tắt của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt
Tuy vậy, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về tên “Lộc Phát” của ngân hàng này. Theo giải thích của Lãnh đạo LPBank, đó là sự phát triển, tài lộc, may mắn, phồn vinh và thịnh vượng. Còn theo giới chuyên môn về tư vấn thương hiệu, việc đổi tên chóng vánh và liên tục có thể khiến ngân hàng mất thời gian, chi phí để tăng nhận diện, lưu nhớ thương hiệu trong tâm trí người dùng. Bù lại, cái tên “Lộc Phát” có ý nghĩa, dễ nhớ, gần gũi với đại đa số người Việt, song cũng do nó khá gần với cụm tên thường được đặt các sản phẩm dịch vụ phổ thông, bình dân, đại chúng, nên lại tăng độ khó về bảo hộ, về tránh nhầm lẫn, tranh chấp, mạo danh thương hiệu. Dù vậy, đổi tên mới có thể xem là một bước đi trong chiến lược, giai đoạn mới của một tổ chức.
Tăng tốc phát tín dụng
Theo công bố của LPBank, quý I/2024, dư nợ tín dụng đạt 307.708 tỷ đồng, tăng 11,71% so với cuối năm 2023; tăng trưởng huy động đạt 6,72%, tương ứng 304.531 tỷ đồng. Trong hệ thống ngân hàng, đây là mức tăng trưởng rất cao so với bình quân chung của toàn ngành 1%.
Thậm chí, LPBank đã kéo khoảng cách xa so với những nhà băng khác có tăng trưởng tín dụng tốt hơn bình quân trong hệ thống như TCB +6,01%; NCB +5,2%; OCB +4,61%; STB +3,05%; ACB +2,89%; hay những ngân hàng bán lẻ quy mô lớn như VPB +0,6%; VIB +0,43%. Đặc biệt, “chênh xa” so với những nhà băng có tăng trưởng tín dụng âm như MBB, SHB, TPB hay ABB giảm sâu tới -19,98%...
Nhìn lại năm 2023, tín dụng của LPBank chỉ tăng 16,8%. Vì vậy với quý I/2024, ngân hàng đã đạt hơn 2/3 chỉ tiêu so với nền chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở năm trước. Lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính giữa niên độ quý I/2024 của LPBank theo công bố đạt 2.298.661 triệu đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2023.
307.708 tỷ đồng là dư nợ tín dụng quý I/2024 của LPBank, tăng tới 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình về tăng trưởng đột biến này, Tổng giám đốc LPBank ông Hồ Nam Tiến cho biết chủ yếu do: (1) Tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều cải thiện, hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp bắt đầu phục hồi và cần bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngân hàng đã giải ngân cho vay đáp ứng vốn cho nền kinh tế dẫn tới thu nhập lãi thuần tăng so với cùng kỳ năm trước. (2) Các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất được cải thiện dẫn tới nhu cầu về vốn ngoại tệ tăng lên. Ngân hàng cung cấp các dịch vụ ngoại hối đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp dẫn tới thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng. (3) LPBank triển khai các sản phẩm mới, tăng cường các dịch vụ thanh toán trong nước và ngoài nước làm cho thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng.
Dự báo năm 2024 có nhiều thách thức, LPBank vẫn đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Ngoài ra, LPBank sẽ thực hiện chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 33.576 tỷ đồng.
Trong bối cảnh toàn ngành gặp khó khăn về hấp thụ tín dụng, để đạt tăng trưởng tín dụng với cấu trúc vốn vay như ngân hàng cho biết là tập trung doanh nghiệp, LPBank hẳn còn có bí quyết “lộc phát tín dụng” gì riêng chưa hé lộ? Cùng với đó, bí quyết để đảm bảo về chất lượng tín dụng trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành cũng có dấu hiệu gia tăng?
Có thể bạn quan tâm
Tín dụng sẽ khởi sắc?
03:02, 09/05/2024
Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động trong quý II/2024
04:03, 12/04/2024
Triển vọng tín dụng ngân hàng
04:00, 11/04/2024
Dư địa tín dụng tiếp sức cho cổ phiếu ngân hàng
13:20, 10/04/2024
Giải bài toán tăng trưởng tín dụng cách nào?
11:10, 08/04/2024
Cấp bách tái cấu trúc Quỹ bảo lãnh tín dụng
03:04, 08/04/2024