POW “lao đao”

HÀ PHƯƠNG 11/05/2024 02:30

Công ty Cổ phần Thép Pomina (HoSE: POM) tiếp tục thua lỗ lớn do tình hình sản xuất, kinh doanh ngày càng khó khăn.

>>>Điều tra chống bán phá giá thép HRC: Cần vì lợi ích chung

Tính tới 31/3/2024, tổng lỗ luỹ kế của POM đã lên tới 1.697,1 tỷ đồng, bằng 60,7% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.


Tiếp tục thua lỗ

Trong quý I/2024, thép POM ghi nhận doanh thu đạt 471,44 tỷ đồng, giảm 71,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của công ty ghi nhận âm 225,1 tỷ đồng.

Lý giải việc tiếp tục lỗ trong quý đầu năm 2024, Ban Lãnh đạo POM cho biết do nhà máy thép Pomina 3 và nhà máy thép Pomina 1 vẫn ngừng hoạt động nhưng phải gánh chịu chi phí quản lý, chi phí lãi vay. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng cao. Hiện tại, Công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc nhằm đưa 2 nhà máy thép vào sản xuất lại trong thời gian sớm nhất.

Trước đó trong năm 2022, POM lỗ kỷ lục hơn nghìn tỷ đồng với nguyên nhân do giá thép lao dốc và nhu cầu tiêu thụ cực kỳ ảm đạm. Bên cạnh đó, chi phí vận hành lò cao ngất ngưởng cũng là một phần lý do dẫn đến thua lỗ của doanh nghiệp này. Do vậy, POM phải đóng lò cao trong năm 2022.

Sang năm 2023, tình hình cũng không thực sự khả quan hơn khi POM ghi nhận doanh thu đạt 3.281 tỷ đồng, giảm 75% so với năm 2022. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng 961 tỷ đồng. Con số này vượt xa kế hoạch lỗ 150 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua trước đó.

>>>Cổ phiếu thép đón đà phục hồi

Huỷ niêm yết bắt buộc

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã công bố quyết định huỷ niêm yết đối với POM. Theo đó, toàn bộ 279,67 triệu cổ phiếu POM bị huỷ niêm yết từ ngày 10/5/2024. Ngày giao dịch cuối cùng trên HoSE là ngày 9/5/2024.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp này vi phạm chậm nộp Báo cáo tài chính 3 năm liên tiếp, thuộc trường hợp bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Lý giải về lý do chậm nộp báo cáo kiểm toán, POM cho biết đang làm việc với đối tác đầu tư cho phương án tái cấu trúc để kiểm toán xem xét đánh giá khả năng hoạt động liên tục nhằm khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

POM chính thức niêm yết cổ phiếu trên HoSE với mã POM vào tháng 4/2010. Thời điểm mới chào sàn, vốn điều lệ của doanh nghiệp thép này ở mức 1.630 tỷ đồng nhưng định giá lên đến hơn 6.500 tỷ đồng. Như vậy, sau 14 năm niêm yết, vốn điều lệ của POM đã tăng lên gần 2.800 tỷ đồng nhưng vốn hóa thị trường chỉ còn khoảng 1.100 tỷ đồng. Cổ phiếu POM trước khi nhận quyết định huỷ niêm yết cũng đã rơi mạnh về vùng giá thấp nhất kể từ khi lên sàn. Hiện nay, cổ phiếu POM chỉ còn ở mức 2.820 đồng/cp.

Triển vọng vẫn chưa sáng sủa

Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, tính chung cả 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép vào Việt Nam đạt 1,28 triệu tấn, tương đương 496,03 triệu USD, tăng 3,4% về giá trị và tăng 2,5% về lượng so với 3 tháng đầu năm 2023. Giá trung bình trong cả 3 tháng đạt 387,4 USD/tấn, giảm 1% so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép từ Trung Quốc chiếm tới 69% tổng lượng nhập khẩu của cả nước, đạt gần 2,81 triệu tấn, với trị giá 1,78 tỷ USD, tăng mạnh 93,9% về lượng và tăng 64,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô. Năng lực sản xuất thép thành phẩm đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu sử dụng trong nước.

Tiêu thụ và xuất khẩu của các doanh nghiệp thép trong nước sụt giảm, trong khi lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn ở mức cao, hưởng thuế 0% và không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào, đã đẩy nhiều doanh nghiệp thép vào tình trạng thua lỗ kéo dài.

Tại ĐHĐCĐ vừa qua, Chủ tịch HĐQT POM Đỗ Duy Thái, cho biết hiện nay nhu cầu thép cao hơn năm ngoái nhờ cú hích từ đầu tư công, nhưng thị trường bất động sản vẫn khó khăn. "Tác động của đầu tư công không mạnh như bất động sản. Do đó, ngành thép hiện đang hồi phục, nhưng chậm.

heo đánh giá chung của nhiều nguồn thông tin, ngành thép Việt Nam được kỳ vọng hồi phục vào cuối năm nay nhờ bất động sản trở lại. Vì thế, chúng tôi đang cố gắng tái cấu trúc đưa lò cao trở lại cuối quý III để đón quý IV/2024 bất động sản hồi phục trở lại", ông Thái cho biết.

Như vậy, triển vọng sản xuất, kinh doanh của POM vẫn còn khá mịt mù khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ thép Trung Quốc và phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Có thể bạn quan tâm

  • "Cơn bão" dư cung thép Trung Quốc đe dọa thép Việt

    04:00, 08/05/2024

  • Doanh nghiệp tôn thép lo phá sản

    Doanh nghiệp tôn thép lo phá sản

    11:20, 29/03/2024

  • Ứng phó “làn sóng thép” Trung Quốc

    Ứng phó “làn sóng thép” Trung Quốc

    02:00, 31/03/2024

  • 9 doanh nghiệp phản đối khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cán nóng

    9 doanh nghiệp phản đối khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cán nóng

    08:59, 27/03/2024

  • Tác động tỷ giá với nhóm cổ phiếu ngành thép, nhựa

    Tác động tỷ giá với nhóm cổ phiếu ngành thép, nhựa

    05:20, 08/04/2024

HÀ PHƯƠNG