TP.HCM: Vì sao TCIP quyết định “trảm” Nhà thầu Anh Vinh?
Sau nhiều lần ra “tối hậu thư”, TCIP chính thức có thông báo gửi cho Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh về việc chấm dứt hợp đồng đối với 4 dự án (đầu tư công) trên địa bàn TP.HCM, mà đơn vị này thực hiện.
>>Cần quy định linh hoạt trong điều chỉnh dự án đầu tư công
Cương quyết “trảm” nhà thầu
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), đơn vị này vừa có văn bản gửi Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh (Nhà thầu Anh Vinh) về việc thông báo chấm dứt các hợp đồng thực hiện đối với nhà thầu tại 4 dự án (đầu tư công) trên địa bàn TP.HCM, mà đơn vị này đang thực hiện dở dang.
Cũng theo đại diện TCIP, hiện Tập đoàn Anh Vinh đang là nhà thầu thực hiện 4 gói thầu thuộc các dự án: đường Nguyễn Ảnh Thủ nối dài (Hương lộ 80B cũ) đoạn từ đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) đến đường Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh); dự án Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), gồm 3 dự án: đoạn 2 (dự án 1), đoạn 3 (dự án 2) và đoạn 4 (dự án 3).
Về lý do chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu Anh Vinh, đại diện TCIP, cho biết, mặc dù chủ đầu tư đã tạo điều kiện để cho nhà thầu có thể thi công trở lại tại các công trình, tuy nhiên phía nhà thầu hết lần này đến lần khác đã không thực hiện các cam kết đã được thống nhất và tiếp tục vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án. Do đó, TCIP buộc phải chấm dứt hợp đồng để không ảnh hưởng tới mục tiêu chung của TP.
Đáng chú ý, trước đó, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cho biết: Nhà thầu Anh Vinh liên tiếp đưa ra nhiều lý do để vi phạm hợp đồng về tiến độ cam kết với chủ đầu tư. Thậm chí, Covid -19 đã trôi qua 2 năm nhưng doanh nghiệp này vẫn viện cớ lý do để đưa vào các văn bản giải trình là không thể chấp nhận.
Cũng theo ông Phúc, đơn cử, tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn vướng mắc vào tháng 3/2024, phía Tập đoàn Anh Vinh cam kết sẽ dồn mọi nguồn lực của mình và không chậm hơn ngày 27/3/2024 sẽ huy động máy móc, nhân công, vật tư để thi công các dự án nói trên.
Nếu sau thời điểm này, nhà thầu không huy động nhân lực, thiết bị, vật tư đúng như cam kết trên thì nhà thầu thống nhất chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng đối với tất cả các gói thầu mà Tập đoàn Anh Vinh tham gia trong các dự án.
Tuy nhiên, khi chủ đầu tư kiểm tra công trường thì nhận thấy nhà thầu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết của mình và tiếp tục vi phạm nghiêm trọng tiến độ các hợp đồng đã ký kết. Do đó, TCIP sẽ cương quyết “trảm” nhà thầu để không ảnh hưởng tới mục tiêu chung của TP trong việc triển khai các dự án đầu tư công.
>>Xử lý nghiêm nhà thầu lợi dụng cơ chế đặc thù để khai thác khoáng sản
Liên tiếp vi phạm
Đặc biệt, ngày 26/4/2024, hai bên tiếp tục có cuộc họp và thống nhất không chậm hơn ngày 2/5/2024, nhà thầu sẽ đệ trình cho chủ đầu tư tiến độ tổng thể của các gói thầu, kèm theo danh sách nhân sự huy động, biểu đồ huy động vật tư, máy móc, thiết bị và dự trù dòng tiền phục vụ thi công.
Liên tiếp sau đó, chủ đầu tư và tư vấn giám sát đã tiến hành kiểm tra các công trường thì tiếp tục nhận thấy việc huy động của nhà thầu là không đáp ứng yêu cầu đã được thống nhất giữa hai bên.
"Việc vi phạm tiến độ của nhà thầu kéo dài, lặp đi lặp lại, không có lý do chính đáng, vi phạm nghiêm trọng tiến độ của các hợp đồng nhà thầu tham gia ký kết với chủ đầu tư tại 4 dự án trên", ông Phúc thông tin.
Trước đó, tháng 10/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Thủ Đức cũng đã chấm dứt hợp đồng thi công đối với Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh tại dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân. Nguyên nhân do công ty này thi công ì ạch, bầy hầy, không đảm bảo an toàn giao thông.
Theo thông tin từ TCIP, dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, năm 2018, Công ty Anh Vinh trúng gói thầu Công trình phần trên cạn (thân kè và đỉnh kè) thuộc Dự án đoạn 2 (giá trúng thầu 204,49 tỉ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 9 tháng). Tại Dự án đoạn 3, Liên danh Công ty Anh Vinh - Công ty TNHH Thành Hưng trúng gói thầu Xây lắp (119 tỉ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 590 ngày). Tại Dự án đoạn 4, Liên danh Công ty Anh Vinh - Công ty TNHH Thành Hưng - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Vũ Bách trúng gói thầu Công trình phần trên cạn (thân kè và đỉnh kè), giá trúng thầu 176,92 tỉ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 9 tháng.
Đối với dự án đường Nguyễn Ảnh Thủ nối dài, cuối năm 2018, Liên danh Công ty Anh Vinh - Công ty CP Xây dựng Nghĩa Phước trúng gói thầu Xây lắp 2 (57,29 tỉ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 360 ngày).
>>Giải bài toán nguồn cung vật liệu xây dựng cách nào?
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ thi công
Liên quan tới tiến độ các dự án, trước đó, Sở GTVT TPHCM từng có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư) về đẩy nhanh tiến độ, tăng cường công tác quản lý chất lượng đối với các công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 3 (quận Bình Thạnh).
Đặc biệt, tháng 5/2023, Sở GTVT TPHCM với chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng, tiến độ công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 3 (đối với gói thầu số 8, số 11), quận Bình Thạnh.
Đối với gói thầu số 11, tại thời điểm kiểm tra, trên phạm vi công trình nhà thầu thi công không có thiết bị máy móc, nhân lực, vật tư để triển khai thi công công trình. Theo báo cáo của chủ đầu tư, tư vấn giám sát thì đơn vị thi công đã hoàn thành 502/852m và ngưng thi công từ tháng 6/2022. Mặt bằng thi công đã được bàn giao từ tháng 6/2022 nhưng đơn vị thi công vẫn không bố trí máy móc, thiết bị, nhân lực và vật tư để triển khai thi công.
Cũng theo Sở GTVT TPHCM, tiến độ triển khai thực hiện dự án chậm so với quy định, số lượng nhân lực, máy thi công không đáp ứng theo đúng yêu cầu theo hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Việc chậm triển khai thi công công trình đã gây ảnh hưởng đến mục tiêu phòng tránh sạt lở cấp bách, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cột điện,...) trong khu vực. Đặt biệt, sự chậm trễ này gây mất niềm tin của các hộ dân đã nghiêm túc chấp hành, bàn giao mặt bằng để thi công công trình.
Từ những bất cập trên, Sở GTVT đã có nhiều văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng đến nay việc thi công công trình vẫn không có sự chuyến biến.
Do đó, Sở GTVT TPHCM đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đẩy nhanh tiến độ, tăng cường công tác quản lý chất lượng đối với dự án.
“Chủ đầu tư khẩn trương xem xét trách nhiệm của nhà thầu thi công và các đơn vị có liên quan trong việc chậm trễ thi công, xử lý theo các điều khoản của hợp đồng và quy định của pháp luật. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM chịu trách nhiệm trong việc chậm trễ thi công dẫn đến phải điều chỉnh dự án (thời gian thực hiện, điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư...), Sở GTVT nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An "tuyên chiến" với trì trệ đầu tư công
02:26, 13/05/2024
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công 4 tháng đầu năm cao nhất 8 năm
04:00, 12/05/2024
Đầu tư công Quảng Trị: Nhiều nơi “bất động”
15:13, 07/05/2024
Bà Rịa -Vũng Tàu: Thu hồi 28 hecta tại bãi tắm để thực hiện dự án đầu tư công
22:28, 05/05/2024
Cần quy định linh hoạt trong điều chỉnh dự án đầu tư công
13:05, 05/05/2024
Giải bài toán nguồn cung vật liệu xây dựng cách nào?
01:00, 13/05/2024