Ứng xử với phát triển bền vững

HẠNH LÊ 15/05/2024 12:00

Quy định liên quan đến phát triển bền vững, giảm phát thải carbon ngày càng khắt khe hơn, không chỉ ở thị trường lớn châu Âu (EU) mà trở thành xu thế tất yếu tại Nhật Bản,

>>Xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế chi trả tín chỉ carbon

Quy định liên quan đến phát triển bền vững, giảm phát thải carbon ngày càng khắt khe hơn, không chỉ ở thị trường lớn châu Âu (EU) mà trở thành xu thế tất yếu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

 Nông sản Việt xuất khẩu vào EU phải tuân thủ Quy định EUDR. Ảnh: VNP

Nông sản Việt xuất khẩu vào EU phải tuân thủ Quy định EUDR. Ảnh: VNP

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 - 9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) vừa trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR. Đây là quy định chặt chẽ và ngặt nghèo nên việc đạt được chứng nhận tuân thủ EUDR là dấu ấn rất quan trọng trong phát triển thị trường, tuân thủ những tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững của EU, góp phần nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Trăn trở của doanh nghiệp tiên phong

Theo quy định, từ đầu năm 2025 khi EUDR có hiệu lực thực thi, doanh nghiệp tại EU nhập khẩu từ nhà cung ứng vi phạm điều kiện EUDR thì bị phạt 4% trên tổng doanh thu của công ty trong một năm. Các doanh nghiệp nước ngoài vì thế rất quan tâm đến EUDR. Đạt được chứng nhận tuân thủ EUDR rất khó nhưng doanh nghiệp tiên phong này đang gặp một số vướng mắc cần được tháo gỡ.

Ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc kinh doanh Simexco DakLak chia sẻ: với quy định cà phê chống phá rừng và chống phát thải carbon, doanh nghiệp cần được hỗ trợ từ các cơ quan chức năng có thể được tiếp cận, làm việc với những địa phương có vùng trồng để định vị đáp ứng những tiêu chí của EUDR. Ngoài ra, tiếp tục có chế tài đảm bảo tính pháp lý cho hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhất là ở thời điểm giá nông sản biến động tăng như vụ cà phê vừa qua. Dù đã có cam kết nhưng không ít hộ vẫn “lật kèo” không giao hàng theo đúng thỏa thuận khiến nhà xuất khẩu có nguy cơ không giao được hàng cho các đối tác, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp và ngành hàng xuất khẩu.

Ngoài cà phê chống phá rừng, đại diện Simexco DakLak cũng nhìn thấy một số thách thức khác trong những năm tới khi châu Âu - thị trường xuất khẩu lớn của cà phê Việt Nam - tiếp tục thực thi yêu cầu khắt khe liên quan đến tiêu chí cà phê chống phát thải carbon. Theo lộ trình, đến năm 2035 và 2050, cà phê và nhiều sản phẩm nông sản khác của Việt Nam phải không còn phát thải carbon. Quy định này đang tạo những áp lực nặng nề với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc với doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào thị trường EU. Yêu cầu đa dạng hoá thị trường xuất khẩu vì thế ngày càng trở nên cấp bách hơn.

Đón đầu để nắm bắt cơ hội phát triển

Bà Trần Như Trang - đại diện quốc gia Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) nhấn mạnh, không chỉ riêng EUDR mà các yêu cầu về bền vững hiện nay ở châu Âu rất nhiều và chặt chẽ. Đáng nói, ngoài châu Âu, các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản cũng đang đi theo yêu cầu phát triển bền vững, giảm phát thải carbon, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Thậm chí, một số quy định có thể doanh nghiệp chưa hình dung ra yêu cầu cụ thể hay để chứng minh được yêu cầu này quả là khó khăn và gian nan.

Tuy nhiên, khi những quy định về phát triển bền vững đã được luật hoá, doanh nghiệp cần xác định bắt buộc phải thực thi và có chiến lược chủ động chuẩn bị, thích nghi như cách Simexco DakLak hay Vinamilk trước đó đã mất nhiều năm đón đầu xu hướng. Từ thực tế của doanh nghiệp nhập khẩu tại EU hiện nay, bà Trần Như Trang cho biết thêm: với các quy định bền vững rất mới của EU, ngay cả nhiều khách mua hàng cũng chưa biết phải ứng xử thế nào. Xu hướng ở EU cho thấy, đầu tiên khách mua hàng tìm đến là các loại chứng chỉ, chứng nhận giúp doanh nghiệp và các nhà cung cấp có thể sẵn sàng luôn để đáp ứng những quy định thay vì khách mua hàng phải tự đầu tư để làm hệ thống chứng nhận, hệ thống thông tin chứng minh khả năng tuân thủ của mình. Nếu các doanh nghiệp và nhà xuất khẩu Việt Nam chủ động nắm bắt những yêu cầu phát triển bền vững, tìm kiếm phương án, công cụ để đo lường và được khách mua hàng chấp nhận thì có thể bán luôn được sản phẩm. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Các chuyên gia nhấn mạnh đến việc xác định phân khúc khách hàng mục tiêu trong từng thị trường để có ứng xử phù hợp bởi mỗi khách hàng có yêu cầu cụ thể, chứng nhận để chứng minh tính bền vững và mức yêu cầu về bền vững cũng khác nhau. Từ đó, có chính sách riêng, chiến lược riêng tiếp cận và thực thi. Thực hiện được điều này cũng là cách để doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường và từng phân khúc khách hàng.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: với ngành hàng cà phê, ngoài thị trường truyền thống, Trung Quốc, Ấn Độ là thị trường mới nổi với nhu cầu tiêu dùng lớn. Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã thành công trong việc mở rộng khách hàng sang các thị trường này. Chỉ có điều, thị hiếu, sở thích của khách hàng, nhất là giới trẻ ở Trung Quốc không giống với các thị trường khác, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh cà phê chế biến bên cạnh cà phê hạt. Ngoài ra, cần chú ý lựa chọn, liên kết đối tác để chung tay phát triển thị trường. Với các kiến nghị liên quan đến khó khăn trước mắt thực thi quy định bền vững, Bộ Công Thương tổng hợp để có hướng giải quyết cụ thể.

Có thể bạn quan tâm

  • Đo lường khí thải carbon: Thị trường tiềm năng mới cho doanh nghiệp

    Đo lường khí thải carbon: Thị trường tiềm năng mới cho doanh nghiệp

    03:30, 07/05/2024

  • Xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế chi trả tín chỉ carbon

    Xây dựng chính sách thí điểm và cơ chế chi trả tín chỉ carbon

    12:46, 05/05/2024

  • Dẫn vốn xanh từ tín chỉ carbon

    Dẫn vốn xanh từ tín chỉ carbon

    03:10, 29/04/2024

HẠNH LÊ