Hành trình đặt nền móng cho ngành công nghiệp lọc hoá dầu của BSR
Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, có vai trò quan trọng, đặt nền móng cho ngành công nghiệp lọc hoá dầu và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
>>>Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sắp chi 2.170 tỷ đồng trả cổ tức
Với vai trò quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước, 16 năm qua, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) mang trong mình khát vọng tiên phong với nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam. Sự lớn mạnh của BSR không chỉ được thể hiện trong ngành Dầu khí mà còn là vị thế đứng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2023, BSR là doanh nghiệp đứng thứ 4 trong Top 500 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam và được tổ chức Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+ với “Triển vọng ổn định”.
Làm chủ khoa học công nghệ
Việc xây dựng và vận hành thành công NMLD Dung Quất là một cột mốc quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) khi hoàn thiện chuỗi giá trị từ khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển đến chế biến dầu khí.
Ngày 9/5/2008, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được thành lập để tiếp nhận, quản lý, vận hành NMLD Dung Quất. BSR tự hào là thành tố quan trọng trong 5 lĩnh vực cốt lõi của Petrovietnam, đó là: Thăm dò khai thác dầu khí, lọc - hoá dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
16 năm qua, dưới sự hỗ trợ, chỉ đạo tích cực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tập thể Ban lãnh đạo và người lao động BSR qua các thời kỳ đã luôn đoàn kết, đồng lòng, hăng say lao động, không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, hiệu quả. BSR đã xây dựng được đội ngũ hơn 1.500 nhân sự được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, chuyên tâm, chuyên nghiệp và sáng tạo trong lao động. Đây là “tài sản quý giá” của BSR và cũng là nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Dầu khí Việt Nam.
Từ khi NMLD Dung Quất đi vào vận hành đến nay, BSR đã chế biến trên 100 triệu tấn dầu thô; sản xuất và xuất bán ra thị trường hơn 91 triệu tấn sản phẩm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước; tổng doanh thu đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước gần 224 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD) gấp 3 lần mức đầu tư. BSR đã đóng góp đáng kể vào doanh thu, lợi nhuận của Petrovietnam và ngân sách tỉnh Quảng Ngãi. BSR cũng thể hiện vai trò quan trọng là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ liên quan đến nguồn cung xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp nhiên liệu đặc chủng cho quốc phòng.
Đến nay, BSR đã đánh giá 89 loại dầu thô tiềm năng cho Nhà máy và đã chế biến thử nghiệm thành công 32 loại dầu thô trong, ngoài nước thay thế một phần dầu thô Bạch Hổ đang giảm dần và cũng đánh giá được thêm 2 loại nguyên liệu trung gian mới (SR LSFO và VGO) để đưa vào chế biến.
Ngoài các sản phẩm truyền thống như xăng RON A92/95, dầu Diesel, khí Propylene và hạt nhựa Polypropylene, khí hóa lỏng (LPG), dầu hỏa, nhiên liệu phản lực Jet A1 và dầu nhiên liệu (FO). BSR đã nghiên cứu sản xuất và xuất bán thành công 7 sản phẩm nhiên liệu mới gồm Marine FO, Treated LCO, xăng RFCC, MixC4, 3 sản phẩm cho quốc phòng (JetA-1K, ADO-L62, Xăng A80) và 7 sản phẩm hạt nhựa PP mới.
BSR đã nghiên cứu, triển khai, áp dụng nhiều giải pháp tối ưu hóa năng lượng và giảm phát thải cho NMLD Dung Quất. Từ 2015 đến nay, BSR đã triển khai thành công hơn 60 giải pháp tối ưu hóa năng lượng, tiết kiệm cho Nhà máy trên 500 tỷ đồng/năm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sản lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày cảng cao, BSR đã tận dụng và khai thác tối ưu công suất vận hành của nhà máy so với thiết kế ban đầu như: phân xưởng sản xuất nhiên liệu máy bay Jet A-1 (phân xưởng KTU) tăng lên 140%, phân xưởng chưng cất dầu thô (phân xưởng CDU) lên 118%, phân xưởng xử lý Naphta (phân xưởng NHT) lên 137%, phân xưởng reforming xúc tác phân đoạn Naphta nặng (phân xưởng CCR) lên 112%, phân xưởng RFCC lên 110% và phân xưởng thu hồi lưu huỳnh 2 (phân xưởng SRU2) lên 110%.
Động lực phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi
Trải qua 16 năm, BSR đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Kết quả qua từng năm của BSR cho thấy tầm nhìn, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng NMLD Dung Quất tại Quảng Ngãi.
Sự lớn mạnh của BSR không chỉ được thể hiện trong ngành Dầu khí mà còn là vị thế đứng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2023, BSR là doanh nghiệp đứng thứ 4 trong Top 500 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam và được tổ chức Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+ với “Triển vọng ổn định”.
BSR không chỉ khẳng định là doanh nghiệp hàng đầu của Petrovietnam mà còn là doanh nghiệp chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi. Kể từ khi đưa vào hoạt động, NMLD Dung Quất đã có nhiều tác động lớn đến kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung -Tây nguyên như góp phần phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng; liên kết ngành, vùng, hỗ trợ phát triển du lịch, dịch vụ; logistics, vận tải hàng hóa và kinh tế biển; phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp phụ trợ gắn với các sản phẩm lọc hóa dầu, năng lượng; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài;…
Khu kinh tế Dung Quất đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của NMLD Dung Quất. Hiện nay, trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi có khoảng 350 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 380,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 54 dự án nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD và 296 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 337 nghìn tỷ đồng. Có 197 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 63 nghìn lao động và BSR là doanh nghiệp lớn nhất - là cực nam châm tăng trưởng cho kinh tế tỉnh Quảng Ngãi và thu hút đầu tư.
Khi chọn Dung Quất là nơi đặt NMLD đầu tiên của đất nước, Chính phủ, Tập đoàn đã giao cho BSR những nhiệm vụ rất quan trọng, đó là góp phần tự chủ nguồn cung xăng dầu cho đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi và thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội. Như vậy, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, BSR đã xuất sắc hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Tập đoàn đã giao phó. BSR cũng luôn chú trọng và tài trợ các chương trình an sinh xã hội hướng về cộng đồng trên cả nước với tổng kinh phí trên 860 tỷ đồng.
BSR hiện đang tích cực triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất và quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để tiếp tục đạt được những thành tựu mới trên chặng đường phát triển mới. Chiến lược phát triển của BSR đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là xây dựng và phát triển BSR - đóng vai trò nòng cốt trong việc hình thành Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nộp ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của Petrovietnam và đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Mô hình tăng trưởng mới của BSR trong thời gian đến sẽ lấy lọc hóa dầu là nền tảng với sự đột phá về kinh doanh và đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
BSR chủ động đảm bảo cung ứng xăng dầu dịp Tết
13:57, 08/01/2024
BSR - doanh nghiệp mang tầm vóc khu vực
16:55, 23/12/2023
BSR còn dư địa tăng trưởng
03:54, 15/12/2023
Triển khai phòng ngừa và ứng phó sự cố tại BSR
11:16, 08/12/2023
Người lao động BSR dâng hoa tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
13:05, 24/11/2023
BSR khánh thành 2 cầu dân sinh tại Vĩnh Long
15:08, 20/11/2023
Tiết kiệm năng lượng, hướng đến phát triển xanh tại BSR
16:10, 10/11/2023