Thủ tướng: Khoa học công nghệ - một trong ba đột phá chiến lược phát triển đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của KHCN tại Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH & CN (1959-2024) và trao Giải thưởng khoa học mang tên cố giáo sư Tạ Quang Bửu.
>>>Thái Nguyên: Khoa học và Công nghệ động lực tăng trưởng kinh tế
“Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 khẳng định phát triển nguồn nhân lực gắn với KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong 3 đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, có thể khẳng định, đây chính là một động lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; là một yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với quá trình vươn lên “bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên” trong thế giới ngày nay.”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những đóng góp của đội ngũ nhà khoa học trong kháng chiến kiến quốc, đóng góp vào chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam là to lớn. Thành công ấy không chỉ có sự đóng góp của khoa học kỹ thuật với việc chế tạo vũ khí, nghiên cứu y học, mở đường... mà còn có khoa học xã hội nhân văn với những câu chuyện viết nên, bài ca chiến thắng, họa sĩ, thể hiện tinh thần bất diệt thông qua các tác phẩm.
"Tất cả sự kiện quan trọng, chiến thắng hào hùng của dân tộc đều có sự đóng góp của các nhà khoa học như GS Tạ Quang Bửu, GS Tôn Thất Tùng... Bên cạnh đó còn có ý chí, lòng dũng cảm, sự hy sinh vô bờ của lớp thế hệ cha anh đi trước", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Bước sang giai đoạn hòa bình, đội ngũ nhà khoa học, cán bộ khoa học và kỹ thuật đã phát huy tinh thần sáng tạo, đóng góp vào các công trình có ý nghĩa quan trọng, thay đổi diện mạo của đất nước (như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Sơn La, Đường dây 500kV Bắc – Nam, các công trình dầu khí, các công trình cầu, đường, sân bay, bến cảng, khai hoang, cải tạo vùng Đồng Tháp Mười, nghiên cứu y học, vaccine, ghép tạng...).
“Đội ngũ những người làm khoa học ngày càng lớn mạnh, nhiều nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hưởng khu vực, quốc tế, mang lại vinh dự, tự hào cho đất nước, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ, trong đó có các nhà khoa học xuất sắc đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu. “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, nhưng hào kiệt về KHCN lúc nào cũng có”, Thủ tướng phát biểu.
Trong những năm qua, xếp hạng quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 02 bậc so với năm 2022. Trong 10 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng của Việt Nam tăng 30 bậc, từ vị trí 76 lên 46. Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, nhất là trong thế hệ trẻ. Đến nay, Việt Nam đã có 4 “kỳ lân” khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ (MoMo, Sky, Mavis, VNLIFE), xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Mới đây, Việt Nam tự thực hiện làm cầu Mỹ Thuận 2 từ khâu thực hiện, giám sát và có được cây cầu to, đẹp, rẻ và tiết kiệm thời gian hơn. Tất cả đều nhờ KH&CN giúp Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu. Theo Thủ tướng, sự quyết tâm của các nhà khoa học, sự quản lý của các lãnh đạo giúp "biến cái không thể thành có thể", "biến khó thành dễ"...
Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy KH&CN Việt Nam hội nhập và phát triển được Bộ KH&CN tổ chức thường hàng năm.
Năm 2024 cũng là năm thứ 10 Giải thưởng này được tổ chức, Bộ KH&CN triển khai tiếp nhận hồ sơ đăng ký Giải thưởng Tạ Quang Bửu từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024. Bộ KH&CN đã tiếp nhận 97 hồ sơ, trong đó có 76 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, 21 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 71 hồ sơ đề cử Giải thưởng chính và 26 hồ sơ đề cử Giải thưởng trẻ.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 được trao cho hai nhà khoa học gồm TS. Nguyễn Thị Kim Thanh thuộc Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và PGS.TS. Trần Mạnh Trí thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
"Tình yêu dành cho Vậy lý của tôi từng trải qua đầy thử thách, nhiều lần tôi thấy thất bại muốn sang dạy học, hiện vẫn còn một số nghiên cứu nhiều năm nhưng chưa có kết quả, nhưng nhờ đam mê, tôi đã dần vượt qua tất cả khó khăn, thử thách", Tiến sĩ Kim Thanh cho biết.
Thủ tướng chúc mừng và cho rằng, hai nhà khoa học được giải năm nay là PGS.TS Nguyễn Thị Kim Thanh, PGS.TS Trần Mạnh Trí là những tấm gương của các nhà khoa học thể hiện sự cống hiến, đam mê, hy sinh và trân trọng đối với khoa học. Đây cũng là dịp nhìn lại sự hình thành và phát triển của ngành khoa học, tri ân sự cống hiến của bao thế hệ nhà khoa học cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc đến các kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cũng có sự đóng góp của khoa học công nghệ nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, giúp hòa nhập quốc tế. Nhìn lại quá trình phát triển của đất nước, 5 bài học được rút ra là kiên trì, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng. Các bài học kinh nghiệm rút ra đều có sự đóng góp của các nhà khoa học, xã hội và nhân văn.
Trong thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ghi nhận sự đeo bám không ngừng của nhà khoa học, vì sự đam mê đã góp phần vào kết quả chung của sự phát triển đất nước. Thủ tướng cũng đánh giá cao việc tổ chức Ngày khoa học và Công nghệ hàng năm, là dịp truyền cảm hứng cho các nhà khoa học, đồng thời có tính hiệu triệu, kêu gọi lan tỏa cao hơn.