Logistics cần được ưu tiên chuyển đổi số
Là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư chuyển đổi số để đáp ứng với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.
>>Logistics xanh là nền tảng phát triển bền vững
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh tại Hội thảo ‘‘Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Logistics và Thương mại điện tử hiện đại, bền vững’’ và Lễ công bố ‘‘Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023”, ngày 16/5.
Theo ông Trần Thanh Hải, một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đó là: “Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng nhằm đạt chất lượng dịch vụ logistics cao hơn”.
1 trong 8 ngành cần ưu tiên chuyển đổi số
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
“Là một trong những ngành then chốt, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh “chuyển đổi số” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải đánh giá, việc ứng dụng công nghệ trong logistics và thương mại điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích, theo đó tối ưu hiệu quả của các hoạt động của hai ngành này.
Từ đó góp phần giảm chi phí logistics nói chung cho toàn bộ nền kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu trọng yếu của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với Việt Nam khi mà chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao.
Ứng dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu phát thải carbon, xả thải bao bì gây ô nhiễm môi trường nhờ việc tối ưu lộ trình vận chuyển cũng như quản trị tốt việc giao hàng dựa trên các ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
>>Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng: Hình thành trung tâm logistics mang tầm thế giới
>>Gia Lai hút doanh nghiệp xây dựng hạ tầng Trung tâm logistics
“Những lợi ích này không chỉ mang lại giá trị cho từng doanh nghiệp dưới góc độ kinh tế và chất lượng dịch vụ mà còn tác động chung đến toàn ngành logistics và thương mại điện tử cũng như nền kinh tế", ông Trần Thanh Hải nói.
Vẫn theo ông Trần Thanh Hải, logistics có vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình từ sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối đến tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp ngày càng lớn đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của đất nước.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
“Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics”, ông Trần Thanh Hải bày tỏ.
Logistics xanh là nhiệm vụ phải thực hiện
Trao đổi tại hội thảo ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết logistics xanh hay logistics phát triển bền vững là khái niệm mới nhưng đã được nhắc đến rất nhiều trong các cuộc hội thảo, các nghiên cứu.
Logistics xanh không chỉ là xu hướng của thế giới, mà còn là nhiệm vụ mà chúng ta cần phải thực hiện trong thời gian tới. Bởi, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050.
Như vậy, các vấn đề về logistics xanh sẽ bao gồm xanh hoá trong các chương trình, quy trình của logistics. Đơn cử, xanh hoá trong chu trình vận tải, kho bãi, công nghệ, thương mại và thương mại điện tử, quản trị và con người…
Đặc biệt, ông Lê Quang Trung nêu ra một khái niệm mới, đó là “chu trình logistics ngược”. Đây là một công đoạn rất quan trọng trong thu hồi và tái sử dụng bao bì, tái sử dụng nguồn lực của logistics trong chu trình.
Về vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2157/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Chính phủ cũng đã ban hành các tiêu chuẩn trong việc triển khai logistics xanh.
Để thực hiện được các nội dung chính của logistics xanh trong thời gian tới, ông Lê Quang Trung đề xuất một số kiến nghị.
Thứ nhất, chuẩn hoá các vấn đề liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn của logistics xanh trong các ngành cảng biển, vận tải, logistics… và cần được triển khai ngay từ khâu quy hoạch.
Thứ hai, ban hành và triển khai các quy định về thực hiện, giám sát, quản lý việc thực hiện đó.
Thứ ba, các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phát triển và hợp tác quốc tế nhằm đẩy nhanh chương trình này, cũng như hài hoà với các quy định của thế giới.
“Thực tế, thời gian qua các doanh nghiệp trong VLA nói chung, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam nói riêng đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng liên quan đến thay thế và chuyển đổi sử dụng năng lượng hoá thạch sang năng lượng tiết kiệm, tối ưu hoá các giải pháp trong quy trình về quản trị, kỹ thuật, thương mại … trong logistics xanh”, ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn ra Lễ công bố “Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023”. Tiếp nối những kết quả đạt được từ Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản Báo cáo này. Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu. Báo cáo Xuất nhập khẩu trong những năm qua đã cung cấp thông tin minh bạch, có hệ thống, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quan tâm, tín nhiệm và đánh giá cao. Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 có một số nội dung mới như: xuất xứ hàng hóa; tình hình thực thi các hiệp định EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP; công tác triển khai đàm phán, ký kết, nâng cấp các hiệp định FTA; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu… Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023, 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2023 lần lượt là: TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Cao Bằng, Đắk Nông, Hà Giang, Quảng Bình, Tuyên Quang... |