Tháo gỡ chuỗi giá trị tín dụng cho ngành nông nghiệp

YẾN NHUNG 17/05/2024 03:50

Được đánh giá là chiến lược tín dụng hiệu quả cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững, song việc cho vay theo chuỗi giá trị vẫn còn hạn chế, vướng mắc đòi hỏi cần có giải pháp để tháo gỡ.

>> Nỗ lực chuyển đổi số nông nghiệp

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có gần 2.050 chuỗi liên kết được hình thành với sự tham gia của 1.250 hợp tác xã nông nghiệp. Trong các năm từ 2018 - 2023, ngân sách trung ương đã phân bổ khoảng 767 tỷ đồng, hỗ trợ các địa phương xây dựng và vận hành gần 1.000 dự án, kế hoạch liên kết phát triển vùng nguyên liệu nông sản.

tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có gần 2.050 chuỗi liên kết được hình thành với sự tham gia của 1.250 hợp tác xã nông nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Tính đến cuối năm 2023, cả nước đã có gần 2.050 chuỗi liên kết được hình thành với sự tham gia của 1.250 hợp tác xã nông nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Bên cạnh đó, các mô hình liên kết khép kín chuyên nghiệp đang tăng lên khá nhanh ở các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, thủy sản (tôm, cá tra), rau quả là các “liên kết 4 nhà” khá chặt chẽ, được tổ chức bài bản từ sản xuất, cung ứng cây, con giống đến hỗ trợ vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra và hỗ trợ quản lý kỹ thuật sản xuất cũng như bảo lãnh vay vốn ngân hàng.

Hiện nay, một số ngân hàng như Agribank, NamABank, LPBank, HDBank, MB, SHB… cũng đã triển khai các chương trình tín dụng hướng vào các mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản. Cụ thể Ngân hàng NamABank đang cho vay các chuỗi ngành hàng thủy sản với lãi suất 3%/năm (đối với USD) và từ 8%/năm (đối với VND). SHB, HDBank tài trợ vốn cho cho các dự án sản xuất, chế biến lúa gạo có liên kết sản xuất tiêu thụ với nông dân đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh.

Tương tự, thực tế tại một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các chi nhánh Agribank cũng đang chuẩn bị triển khai cho vay phát triển vùng nguyên liệu thông qua các gói tín dụng bảo lãnh, bao gồm cho vay sỉ thông qua hợp tác xã, cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua giữa 3 bên (ngân hàng - doanh nghiệp liên kết thu mua nông sản - hợp tác xã) và cho hợp tác xã vay thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay và vốn góp của hợp tác xã.

>>Chính sách nào hỗ trợ SMEs chuyển đổi số?

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc cho vay theo chuỗi giá trị vẫn còn hạn chế, vướng mắc đòi hỏi cần có giải pháp để tháo gỡ - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc cho vay theo chuỗi giá trị vẫn còn hạn chế, vướng mắc đòi hỏi cần có giải pháp để tháo gỡ - Ảnh minh họa: ITN

Nhiều ý kiến cho rằng, tín dụng chuỗi giá trị nông nghiệp là xu hướng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, qua đó giúp giải quyết nhu cầu tài chính của tất cả các tác nhân tham gia trong chuỗi từ sản xuất, chế biến và phân phối. Thông qua tín dụng theo chuỗi, tất cả các tác nhân tham gia phải tuân thủ cam kết vì lợi ích chung để đạt được mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên bên cạnh những giá trị to lớn, cho vay theo mô hình liên kết vẫn còn một số hạn chế. Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc phát triển các chuỗi liên kết giá trị hiện nay là thiếu các doanh nghiệp đủ tiềm lực để giữ vai trò dẫn dắt, đủ lớn để giữ vai trò hạt nhân trong hoạt động của chuỗi liên kết. Tại các địa phương chưa có các chính sách đồng bộ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chưa có sự tham gia đủ mạnh của các ngành chức năng

Đặc biệt, hợp đồng liên kết còn thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền. Trong khi đó chưa có chế tài cụ thể để điều chỉnh quan hệ, tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp nên khi gặp những tranh chấp diễn ra, không có cơ sở pháp lý để giải quyết, thiếu biện pháp xử lý để tăng tính ràng buộc, tuân thủ hợp đồng của người dân và doanh nghiệp..

Do vậy, để phát triển cho vay theo chuỗi giá trị, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, cần ban hành nghị định riêng về hình thành và cho vay theo chuỗi giá trị đối với nông sản chủ yếu của Việt Nam.

“Cùng với đó là xây dựng khung pháp lý về hợp đồng kinh tế dân sự có chế tài xử lý cụ thể với chủ thể tham gia trong chuỗi khi vi phạm hợp đồng cam kết; xây dựng bộ quy tắc ứng xử mẫu của các thành viên trong chuỗi giá trị…”, ông Hòe chia sẻ

Còn theo TS. Nguyễn Tiến Định, Trưởng Phòng Phòng Kinh tế Hợp tác và Trang trại, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, cần nghiên cứu sửa đổi chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chương trình tín dụng sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định Phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Đồng thời triển khai mô hình thí điểm tài chính chuỗi giá trị trong các chương trình, đề án của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai, như cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, nông dân.

Bên cạnh vấn đề đã nêu, ông Định cho rằng, việc thực hiện các mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ góp phần hoàn thiện các Chương trình, Đề án trọng điểm mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai và thực hiện thành công Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2050 của Chính phủ.

“Thay vì đánh giá dựa vào tài sản thế chấp thì cho vay theo chuỗi giá trị dựa vào khả năng thanh toán của nông dân và hợp tác xã, bằng cách xem xét lịch sử sản xuất, quá trình sản xuất và khả năng giao dịch của các đối tượng. Loại hình tín dụng theo chuỗi giá trị thể hiện một tam giác chuỗi giá trị tài chính được hình thành giữa người mua, người bán và các tổ chức tài chính, các bên tham gia trong mô hình tài chính. Qua đó, đưa ra các thỏa thuận bao gồm điều kiện thông tin sản phẩm, thông tin tài chính và phương thức các bên liên lạc trao đổi thông tin cũng như cách thức vận hành rủi ro”, Chuyên gia này chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Nỗ lực chuyển đổi số nông nghiệp

    Nỗ lực chuyển đổi số nông nghiệp

    21:38, 14/05/2024

  • Việt Nam - Đan Mạch hợp tác phát triển nông nghiệp xanh

    Việt Nam - Đan Mạch hợp tác phát triển nông nghiệp xanh

    17:03, 14/05/2024

  • Tây Ninh: Công bố vùng an toàn dịch bệnh và chuỗi sự kiện nông nghiệp công nghệ cao

    Tây Ninh: Công bố vùng an toàn dịch bệnh và chuỗi sự kiện nông nghiệp công nghệ cao

    17:00, 14/05/2024

  • Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tiếp tục đà phát triển tích cực

    Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tiếp tục đà phát triển tích cực

    10:59, 04/05/2024

  • Nam Định: Bước chuyển mình từ nông nghiệp sang công nghiệp

    Nam Định: Bước chuyển mình từ nông nghiệp sang công nghiệp

    01:16, 03/05/2024

YẾN NHUNG