Tín hiệu tích cực của ngành bảo hiểm nhân thọ

NGỌC LAM 16/05/2024 12:28

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến tháng 3/2024, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 801.307 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

 >>>Ngành Bảo hiểm nhân thọ đang mong đợi điều gì…?

Cũng theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến tháng 03/2024, tổng số tiền đầu tư ước đạt 703.031 tỷ đồng, tăng 8,7%; tổng dự phòng nghiệp vụ đạt 581.857 tỷ đồng, tăng 6,5%; vốn chủ sở hữu đạt 159.409 tỷ đồng, tăng 10,8%. Đáng chú ý, tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm trong quý I/2024 đạt 15.483 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ 2023.

Toạ đàm về khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ trong khuôn khổ Hội thảo: “Khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ: Tầm nhìn & Giải pháp”

Toạ đàm về khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ trong khuôn khổ Hội thảo: “Khôi phục niềm tin ngành bảo hiểm nhân thọ: Tầm nhìn & Giải pháp”

Hiện nay, khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm được hình thành đầy đủ và đồng bộ, đảm bảo môi trường pháp lý công khai, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 cùng các văn bản Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũng đã được hoàn thiện đồng bộ để tạo cơ sở cho thị trường bảo hiểm Việt Nam minh bạch, chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam khẳng định: “Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cùng đánh giá những giải pháp từ phía cơ quan quản lý, các doanh nghiệp bảo hiểm để khắc phục được những tồn tại, hạn chế của thị trường, giúp cho thị trường phát triển ngày càng lành mạnh, bền vững”.

Đồng quan điểm, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đề cập đến các giải pháp mà các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã thực hiện trong thời gian qua. Các giải pháp bao gồm cải tiến sản phẩm sao cho dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn với người dân; cải tiến các quy trình nghiệp vụ giúp việc thẩm định phát hành hợp đồng bảo hiểm; giải quyết quyền lợi bảo hiểm được nhanh chóng, thuận tiện hơn cho khách hàng; nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn cũng như kiểm soát chất lượng tư vấn; nâng cao trải nghiệm khách hàng để mang lại giá trị gia tăng về sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm.

Báo cáo chuyên đề về “Tác động của bảo hiểm đến sự phát triển kinh tế ở Việt Nam”, đại diện Prudential cho biết báo cáo này là một phần trong dự án nghiên cứu hợp tác với PwC thực hiện tại sáu thị trường ASEAN.

Ở góc độ tổng hợp và có cái nhìn khách quan về thị trường bảo hiểm, bà Wai-duen Lee, Phó Giám đốc của PwC Hồng Kông cho biết khả năng chi trả và nhu cầu về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm tại Việt Nam đang ngày càng tăng. Báo cáo cũng nêu lên sự đóng góp của bảo hiểm nhân thọ vào việc tích lũy hay đầu tư, có tác động thuận lợi đến đầu tư hoặc tích lũy vốn, từ đó sẽ thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo cho thấy ngành bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính khi là những nhà đầu tư lớn trên thị trường tài chính, có mối liên kết chặt chẽ với các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác và góp phần bảo vệ sự ổn định của bảng cân đối tài sản của các hộ gia đình và các doanh nghiệp.

Đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tham dự cũng có những chia sẻ cụ thể hơn về những giải pháp đang áp dụng, giúp mang lại những hiệu quả thiết thực. Cụ thể, Manulife cho ra mắt quy trình xác thực thông tin và giám sát phát hành hợp đồng bảo hiểm M-Pro; Prudential áp dụng quy trình kiểm tra độc lập trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm và quy trình khảo sát tNPS tại mỗi giao dịch của khách hàng; FWD ra mắt tính năng chú thích thuật ngữ bảo hiểm tức thời; Generali ra mắt công cụ định danh và xác thực khách hàng điện tử; AIA cho ra mắt ứng dụng AIA+; Dai-ichi Life cho ra mắt dịch vụ Voicebot 24/7 và Chatbot 24/7 để hỗ trợ khách hàng…

Đánh giá về những chuyển biến, thay đổi nâng cao chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gần đây, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật Annvi cho rằng đây là những thay đổi có tính đột phá với mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Qua đó mang lại tác động tích cực đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ, hướng tới phát triển lâu dài, bền vững đối với ngành bảo hiểm nhân thọ.

Có thể bạn quan tâm

  • Bảo hiểm FWD biến các thuật ngữ phức tạp trở nên dễ hiểu hơn nhờ vào tính năng mới

    08:00, 07/05/2024

  • Generali Việt Nam ra mắt Bộ hợp đồng bảo hiểm phiên bản thân thiện môi trường

    10:37, 16/04/2024

  • Bảo hiểm VietinBank - VBI san sẻ gánh nặng tài chính với khách hàng  

    16:53, 12/04/2024

  • Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm

    21:30, 10/04/2024

NGỌC LAM