Bất động sản nghỉ dưỡng “khó chồng khó”
Trong bối cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang “chật vật” hồi phục, tình trạng du lịch nội địa giảm sút do giá vé máy bay tăng cao đã phần nào khiến phân khúc này càng “khó chồng khó”.
>>Doanh nghiệp địa ốc “gom đất” chờ thị trường phục hồi
Việt Nam đang bước vào mùa du lịch, tuy nhiên thị trường du lịch nghỉ dưỡng đang chứng kiến những xu hướng trái chiều. Trong khi những địa phương có thuận lợi về giao thông như Hải Phòng, Thanh Hoá, Bà Rịa Vũng Tàu đón lượng lớn du khách, thì tình trạng ế ẩm được ghi nhận ở những nơi như Phú Quốc.
Du lịch nội địa “trồi sụt” vì vé máy bay
Một trong những lý do lớn nhất được chỉ ra là do giá vé máy bay đã tăng rất mạnh so với năm ngoái, khiến ngày càng nhiều du khách nội chọn những địa điểm gần hoặc đi bằng đường bộ để tiết kiệm chi phí.
Sau 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng của các hãng hàng không Việt Nam đạt hơn 13 triệu khách, giảm 5% so cùng kỳ 2023. Trong đó, vận chuyển nội địa đạt hơn 8,5 triệu lượt, giảm tới 18% so cùng kỳ 2023.
>>Bất động sản nghỉ dưỡng chưa bước qua “vùng đáy”
Bà Đinh Thị Thu Thảo - Giám đốc thương mại Mustgo Travel cho rằng, khách nội địa vẫn đi nhiều trong mùa hè, nhưng ưu tiên đến những khu vực gần và di chuyển bằng tàu hỏa hay ô tô. Đồng nghĩa rằng, những nơi cần du khách di chuyển qua đường bay sẽ gặp khó khăn hơn.
“Những nơi dễ bị ảnh hưởng bởi vé máy bay như Phú Quốc, một số khách sạn, resort phải chủ động hợp tác với hãng tàu thủy xây gói combo du lịch để thu hút khách. Ngoài ra các khách sạn tại miền Trung cũng tạo sẵn gói du lịch gồm phòng nghỉ và vé tàu với giá ưu đãi hơn", bà Thảo cho biết.
Bất động sản nghỉ dưỡng gặp khó
Du lịch bùng nổ ở Đà Nẵng, Phú Quốc từ trước Covid-19 khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nơi đây nhận được nhiều kỳ vọng. Song hiện tại, với những rào cản về pháp lý chưa được giải quyết, cộng với nhu cầu du lịch của khách nội địa giảm sút khiến đây lại là phân khúc “chìm” sâu nhất trên thị trường.
Theo thống kê của DKRA Group, trong tháng 4/2024, nguồn cung của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt, kéo dài trạng thái ảm đạm. Ngược lại, thanh khoản loại hình này cũng chưa thể thoát cảnh “đi ngang vùng đáy”.
Báo cáo của VARS cũng cho thấy tình cảnh bi đát của bất động sản nghỉ dưỡng, khi cả quý đầu năm 2024, phân khúc này có 9.970 sản phẩm mở bán. Tuy nhiên, trong đó có hơn 97% là hàng tồn kho của các dự án mở bán trước đó bị “ế” tiếp tục chào bán.
Tỷ lệ tiêu thụ sơ cấp chỉ đạt 2% với khoảng hơn 160 giao dịch thành công trong quý. Phần lớn giao dịch tập trung ở những dự án biệt thự nghỉ dưỡng có mức giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ thi công đảm bảo và các căn hộ du lịch có giá trị dưới 3 tỷ đồng/căn.
Nhận định về thị trường, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án DKRA Group cho biết, sức cầu thị trường xuống rất thấp, niềm tin của khách hàng chưa quay trở lại. Nhiều nhà đầu tư còn “quay lưng” với thị trường do lo ngại pháp lý và hiệu quả khai thác kém, khó thu được lợi nhuận.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cần thêm thời gian để có thể tái nhập cuộc. Hiện nay, việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ, triển khai các dự án hạ tầng... đang được đẩy nhanh tiến độ, dự báo sẽ bơm thêm nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới vào thị trường. Từ đó, giúp thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sớm bắt kịp đà phục hồi chung của toàn thị trường.
Giải quyết khó khăn cho phân khúc này, ngoài việc tìm hướng đi từ du lịch, một số ý kiến cho rằng thu hút dòng kiều hối cũng là một giải pháp. Bởi lẽ, khác với xu hướng chung trong nước, dòng vốn kiều hối lại có xu hướng đổ vào những phân khúc "thanh khoản khó", giá trị cao như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Theo các chuyên gia, các sản phẩm “kén khách” này được Việt kiều “ưa chuộng” bởi họ có khả năng chi trả, mua để nghỉ dưỡng, cho thuê hoặc dưỡng già.
Đặc biệt là khi Luật Đất đai 2024 dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2024 có nhiều điểm thay đổi nhận được nhiều sự chú ý liên quan tới nhóm đối tượng này. Trong đó, hai nhóm đối tượng gồm người Việt định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt định cư ở nước ngoài sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Có thể bạn quan tâm