Hải quân Việt Nam - điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển
Đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc không thể thiếu vai trò của Hải quân.
>>>VCCI tăng cường phối hợp tuyên truyền về biển đảo
Trong chuyến công tác và làm việc với Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân, PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc làm việc với Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến – Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân về chủ đề “Đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi, phát triển kinh tế biển”.
- Thưa đồng chí, Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” được Vùng 3 Hải quân thực hiện thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực như thế nào?
Từ ngày 30/7/2019, thực hiện chương trình của Quân chủng Hải quân, Vùng 3 đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 06 tỉnh miền Trung ký kết thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”; với mục tiêu hướng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và giúp đỡ bà con ngư dân các địa phương khai thác thủy sản an toàn, đúng pháp luật; gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, cùng với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Sau gần 5 năm thực hiện, trong điều kiện đơn vị còn nhiều khó khăn, nhất dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, nhưng bằng nhiều biện pháp sáng tạo, linh hoạt, Vùng 3 Hải quân đã khắc phục khó khăn, tiến hành chặt chẽ và mang lại hiệu quả tích cực.
Theo đó, Vùng đã thường xuyên duy trì các tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với bảo vệ an ninh, an toàn cho ngư dân theo đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân cấp phát hơn 12.600 bộ tài liệu, tờ rơi tuyên truyền cho hơn 1.500 lượt tàu cá với hơn 17.300 ngư dân; tặng 10.000 lá cờ Tổ quốc, hàng trăm phao tròn, pháo áo cá nhân và vật chất sinh hoạt trị giá gần 450 triệu đồng.
Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân cũng tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển trên 21 lượt tàu với 92 ngư dân, cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt: 24 tàu, 106 người dân; hơn 4.000 lít dầu, 3.000 lít nước ngọt và hơn 1 tấn gạo… Tổ chức tặng quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn với hơn 100 suất quà trị giá gần 250 triệu đồng.
Nhận thức của ngư dân về tình hình biển đảo, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển, khai thác, đánh bắt hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật, gắn với bảo vệ môi trường, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được nâng lên rõ rệt.
Trên các vùng biển, ngư dân ta vững tin khai thác thủy hải sản an toàn, đúng pháp luật, tỉ lệ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm mạnh. Có thể nói thông qua chương trình đã tạo tình cảm gắn bó sâu sắc giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân và bà con ngư dân; động viên và phát huy tốt vai trò của ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và phát triển kinh tế.
Mỗi tàu cá là một “tiền đồn”, mỗi ngư dân là một “cột mốc sống”.
- Để Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Vùng 3 Hải quân sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa Chuẩn đô đốc?
Để chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Vùng 3 chúng tôi tập trung thực hiện bốn nhóm hoạt động chủ yếu là:
Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân cũng tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền cho bà con ngư dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển; các Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực; các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển và khai thác, đánh bắt thủy hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường, chống khai thác hải sản bất hợp pháp; thông tin về diễn biến, tình hình trên các vùng biển; tình hình bà con ngư dân vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế; các vị trí bảo đảm hậu cần nghề cá và hoạt động hỗ trợ cho bà con ngư dân khi làm ăn trên biển của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân triển khai cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển như: Các tàu trực, tàu tuần tiễu, tàu kiểm tra, kiểm soát ngư trường… căn cứ tình hình thực tiễn hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt cho bà con ngư dân trên biển trong những tình huống khó khăn, nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân; thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu ngư dân; hỗ trợ khắc phục sự cố, sửa chữa máy móc, trang bị cho ngư dân trên biển…
Sau đó, các lực lượng của Vùng làm nhiệm vụ trên biển kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ trực, chốt giữ, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc với bảo vệ hoạt động hợp pháp của ngư dân; bảo vệ tài sản, tính mạng của bà con ngư dân trên biển; tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường khai thác thủy sản, phát triển kinh tế.
Cuối cùng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân phối hợp chặt chẽ với các địa phương, trực tiếp là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền, vận động, huy động ngư dân tham gia cùng bộ đội Hải quân và các lực lượng của ta thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc theo các phương án, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.
- “Tìm kiếm cứu nạn là mệnh lệnh từ trái tim” khẩu hiệu này đã thấm nhuần với mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam; với diễn biến thời tiết phức tạp trên biển như hiện nay, công tác này được Vùng 3 Hải quân thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Trước những diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn ở nước ta, nhất là khu vực Biển Đông và khu vực biển miền Trung luôn diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường. Nắm vững điều đó, hàng năm Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác quán triệt, giáo dục tình hình, nhiệm vụ, xây dựng ý thức trách nhiệm, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ.
Đồng thời, Vùng 3 Hải Quân bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch, phương án sát với đặc điểm, tình hình và lực lượng, phương tiện hiện có. Phương châm, tư tưởng chỉ đạo trong công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai - tìm kiếm cứu nạn là “Phòng là chính; tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả”; “Cơ động nhanh, hiệp đồng tốt, cứu người trước, phương tiện sau” và triệt để thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và chỉ huy tại chỗ); huy động tổng lực về người và phương tiện, bằng mọi biện pháp để cứu người, cứu tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Từ năm 2015 đến nay, Vùng 3 Hải quân đã tổ chức 45 đợt tìm kiếm cứu nạn thành công 36 tàu cá với 288 ngư dân; hỗ trợ, cấp cứu và giúp đỡ y tế: 12 vụ/12 ngư dân; gần đây nhất, tàu 799 đã dũng cảm vượt hàng trăm hải lý trong điều kiện sóng gió to, gió lớn cấp 9, cấp 10 để cứu nạn thành công ngư dân tàu cá của Bình Định bị nạn ở khu vực biển Hoàng Sa mà các lực lượng cứu hộ khác không thể ra cứu nạn. Qua đó, đã để lại ấn tượng sâu sắc và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”- Người chiến sĩ Hải quân ngày càng tỏa sáng trong lòng nhân dân.
Nhằm chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó kịp thời với những sự cố do thiên tai gây ra, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã chủ động điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với đặc điểm, tình hình và lực lượng phương tiện hiện có, tổ chức luyện tập, diễn tập thuần thục các phương án, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, nhằm giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; coi đây là nhiệm vụ chiến đấu, là mệnh lệnh trái tim của những người lính biển, để lại những dấu ấn sâu nặng trong lòng nhân dân.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Có thể bạn quan tâm