Hải Phòng: Trường học tiên phong khởi nghiệp
Các trường đại học trên địa bàn TP Hải Phòng đang tăng tốc, triển khai các chương trình khuyến khích học sinh, sinh viên thực hiện khởi nghiệp.
>>>Trao cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp kết nối đầu tư
Thúc đẩy đi đầu
UBND TP Hải Phòng đẩy mạnh tốc độ triển khai, tạo cơ hội thuận lợi thúc đẩy học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố sẵn sàng khởi nghiệp. Từ sự chỉ đạo, hỗ trợ của UBND thành phố, các trường học đã nhanh chóng bắt nhịp, lan tỏa đam mê khởi nghiệp đến gần hơn với học sinh, sinh viên.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung - Giảng viên Bộ môn Logistics - Khoa Kinh tế Đại học Hàng Hải Việt Nam, Cố vấn G.O.S - CLB Khởi nghiệp trường Đại học Hàng Hải Việt Nam chia sẻ: “G.O.S - CLB Khởi nghiệp trường Đại học Hàng Hải Việt Nam thành lập với mục tiêu truyền lửa đam mê khởi nghiệp dành cho các bạn sinh viên. Chúng tôi mong muốn được cung cấp các kỹ năng cần thiết về khởi nghiệp cho các bạn sinh viên, đồng thời, tạo cơ hội cho các bạn được kết nối với các doanh nghiệp, hiện thực hóa các ý tưởng. Xa hơn, chúng tôi hi vọng tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đại học Hàng Hải Việt Nam nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn Hải Phòng nói chung trong tương lai gần.”
Tính tới nay, các trường như Đại học Hàng Hải Việt Nam, Đại học Hải Phòng, trường Cao đẳng FPT Polytechnic… đang là những cơ sở đi đầu trong việc đưa phong trào khởi nghiệp đến gần với các bạn học sinh, sinh viên. Các trường đại học cũng tích cực thực hiện chuỗi các hoạt động đào tạo thêm cho các bạn học sinh, sinh viên các kỹ năng cần thiết, liên quan đến hành trình khởi nghiệp như thuyết trình, gọi vốn, sale, marketing... Từ đó, rèn luyện thêm cho các bạn trẻ sự tự tin, sẵn sàng khởi nghiệp.
Anh Hoàng Trung Hiếu - Phó Ban Truyền thông G.O.S - CLB Khởi nghiệp Đại học Hàng Hải Việt Nam, thành viên đội thi Phượng Cháy cuộc thi “Sinh viên VMU với ý tưởng khởi nghiệp” cho biết: “Tôi lựa chọn tham gia CLB bởi có niềm đam mê mãnh liệt với việc khởi nghiệp. Dù xuất thân từ một gia đình cơ bản, nhưng khát khao khởi nghiệp đã được truyền từ bố mẹ và tôi cũng luôn muốn làm một việc gì đó để đánh giá thực lực, làm chủ bản thân mình.
Dẫu biết việc khởi nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nó là một cú hích giúp tôi phát triển bản thân nhanh nhất. Đặc biệt, việc tham gia cuộc thi khởi nghiệp “Sinh viên VMU với ý tưởng khởi nghiệp” là cơ hội để tôi có thể học hỏi, cọ sát thêm với các bạn có cùng đam mê.”
Đặc biệt, trong quá trình tham gia các CLB, các khóa học hay các cuộc thi khởi nghiệp mở ra thêm nhiều cơ hội được cọ sát, học thêm các kỹ năng chuyên môn cũng đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, nâng cao vốn kiến thức về khởi nghiệp cho các trẻ đang trên quá trình tìm hiểu, tiếp cận với hoạt động này.
“Tham gia CLB, nhất là được trải qua chuỗi 6 workshop do CLB tổ chức, tôi hiểu thêm về một sinh viên cần phải có những kỹ năng gì trong quá trình khởi nghiệp. Các cố vấn cũng kết nối với các doanh nghiệp, diễn giả có kiến thức chuyên môn cao, kinh nghiệm về khởi nghiệp đến chia sẻ. Trong quá trình sinh hoạt, chúng tôi cũng được gặp gỡ các doanh nghiệp, song các dự án vẫn chỉ ấp ủ ở dạng ý tưởng.
Việc kêu gọi vốn đầu tư vẫn còn là mặt hạn chế. Việc tạo ra một dự án khởi nghiệp, kêu gọi đầu tư lại cần rất nhiều thời gian, nguồn lực và năng lượng của các bạn sinh viên đặt vào trong đó. Thế nên, đây vẫn là những kỳ vọng mà cả cố vấn cũng như các bạn sinh viên CLB đặt ra trong tương lai.”, anh Hiếu cho biết thêm.
Các dự án khởi nghiệp của các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Hải Phòng đã và đang ngày càng cải thiện, mang hàm lượng tri thức cao. Đặc biệt, các dự án đều có hàm lượng tri thức công nghệ cao, đáp ứng tính ứng dụng thiết thực với tài nguyên và điều kiện tự nhiên của địa phương.
Tại Cuộc thi “Sinh viên VMU với ý tưởng khởi nghiệp” do trường Đại học Hàng Hải Việt Nam tổ chức, bà Nhung cũng có những nhìn nhận thẳng thắn về các đội nhóm tham gia cuộc thi, các dự án khởi nghiệp của các đội chơi vẫn đang dừng lại ở mặt ý tưởng vì các bạn sinh viên vẫn chưa được va vấp với thị trường thật để có kinh nghiệm trong việc dự trù kế hoạch, nhất là bản dự trù chi phí sao cho sát với thực tế nhất.
Đây là một hạn chế nhất đối các bạn học sinh, sinh viên đang có ý tưởng khởi nghiệp. Mặt khác, các bạn sinh viên vẫn còn khá nhút nhát, chưa dám mạnh dạn tham gia cuộc thi và đem đến sân chơi khởi nghiệp đa dạng các sản phẩm mà bản thân mình vẫn hoài ấp ủ. Hi vọng trong tương lai, các dự án của học sinh, sinh viên sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Đoàn trường, các sở ban ngành, đặc biệt là phía các doanh nghiệp – những người đã có kinh nghiệm thực chiến. Họ có thể tư vấn thực tế, giúp đỡ cho các bạn học sinh, sinh viên. Từ đó, mở ra thêm cho các bạn những cơ hội, tiếp thêm động lực to lớn để các bạn sẵn sàng bứt phá.
Nở rộ phong trào khởi nghiệp
Đến nay, các bạn học sinh, sinh viên, lực lượng trẻ trên địa bàn TP Hải Phòng đã dần nhận thức được tính hiệu quả của việc khởi nghiệp ở lực lượng trẻ. Chính vì vậy, số lượng các dự án ở sinh viên đang không ngừng tăng lên mỗi năm cả về số lượng lẫn chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Hương - Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học – Công nghệ và đổi mới sáng tạo (ISC) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp: “Phong trào khởi nghiệp trong những năm qua, tính từ năm 2017 khi chúng tôi bắt đầu triển khai, tôi đánh giá các ý tưởng khởi nghiệp của các em sinh viên càng ngày càng có hàm lượng công nghệ cao. Qua cuộc thi chung kết “Sinh viên VMU với ý tưởng khởi nghiệp”, tôi thấy rất là phấn khởi vì chất lượng của các dự án rất là tốt.
Mặc dù những dự án chỉ là ý tưởng của các em nhưng những ý tưởng đó xuất phát từ việc các em quan sát cuộc sống và có những trải nghiệm để tìm ra được nỗi đau của xã hội rồi đưa ra được các bài toán giải quyết. Đây chính là thời cơ để các em tạo được các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Thông qua các sản phẩm phẩm này, khi các em đưa ra thị trường, tôi rất mong muốn sẽ hiện thực hóa thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tương lai, tạo ra được công ăn việc làm mới chất lượng.
Đặc biệt, khi sản phẩm của các em có được hướng đi đúng đắn sẽ tăng trưởng nhanh chóng, tạo doanh thu cao. Từ đó, đưa lại nguồn ngân sách thành phố liên quan đến thuế, góp phần cống hiến vào sự phát triển chung của Hải Phòng.”
Từ góc độ của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nguồn mở Việt Nam nhận định: “Được tiếp cận với nhiều cuộc thi khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên, tôi thấy đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của các bạn. Đây sẽ là cơ hội để các bạn có thể va chạm với việc khởi nghiệp, kinh doanh bên ngoài.
Với những chương trình khởi nghiệp như này, càng đông sinh viên tham gia sẽ càng mang lại những kinh nghiệm, bài học sâu sắc cho các bạn trong việc kinh doanh, khởi nghiệp. Trường học cũng nên phát động, khuyến khích thêm các bạn sinh viên tham gia rộng rãi. Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ và dành quỹ đầu tư cho các dự án phù hợp với mục tiêu phát triển của công ty chúng tôi.”
Việc lan tỏa phong trào khởi nghiệp đến các bạn học sinh sinh viên là hành động thiết thực đặt ra cho trường học, các sở ban ngành cùng nỗ lực chung tay phát động. Đây sẽ là những bước đệm cho lực lượng trẻ được cọ sát, thực chiến, sống với đam mê khởi nghiệp.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đi vào hỗ trợ chuyên sâu để các bạn thanh niên bước vào quá trình ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp, kết nối kinh doanh, kết nối với các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư để các bạn có thêm nguồn lực hoàn thiện đứa con tinh thần của chính mình. Chúng tôi cũng rất kỳ vọng trước những sự nỗ lực của các cấp chính quyền, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hải Phòng tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Hi vọng, TP Hải Phòng sẽ có được những “tiểu kỳ lân” trong tương lai.”, bà Hương đầy kỳ vọng.