Quảng Ninh: “Khát” nguồn vật liệu san lấp

TRUNG THÀNH 20/05/2024 15:55

Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của địa phương, nguyên nhân chủ yếu là thiếu vật liệu san lấp.

>>>Quảng Ninh: Chuyển đổi số hướng đến người dân, doanh nghiệp

Theo BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông: Tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều (giai đoạn 1), được khởi công đầu tư xây dựng đầu năm 2023, dự kiến hoàn thành năm 2025. Công trình có chiều dài tuyến 40,25km, đi qua TX Quảng Yên, TP Uông Bí và TX Đông Triều.

Đây là công trình có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt của Quảng Ninh nhằm hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu xây dựng hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh, kết nối tới Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội với định hướng phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh và du lịch văn hóa lịch sử. Đây cũng là công trình giao thông trọng điểm dự kiến được tỉnh đưa vào khánh thành, chào mừng đại hội Đảng các cấp tới đây. 

Do là tuyến đường đầu tư hoàn toàn mới, chạy trên vị trí đầm lầy, khu vực ngập nước, địa chất phức tạp nên cần khối lượng nguồn vật liệu san lấp, đất đắp lớn, với khoảng trên 6,4 triệu m3 đất đắp và 1,3 triệu m3 cát san lấp. Để có nguồn vật liệu san lấp cho dự án, các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp 7 mỏ đất thuộc địa bàn TP Uông Bí, TX Đông Triều. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 2 mỏ đủ điều kiện khai thác (mỏ Tràng Bạch, Bắc Sơn 1), còn lại 5 mỏ cung cấp đất đắp K95, K98 chưa đủ điều kiện khai thác (Trưng Vương, Hang Hùm của TP Uông Bí; Tây Sơn, Thủy An, Đông Sơn của TX Đông Triều).

Chính vì thiếu nguồn vật liệu san lấp nên đến nay dự án mới chỉ đồng loạt thi công 13 cầu trên tuyến; phần nền đường hầu như phải thi công cầm chừng dẫn đến dự án thi công chậm tiến độ theo kế hoạch ban đầu đề ra, tiềm ẩn nguy cơ không thể về đích như dự kiến.

Dây chuyền thí điểm tái chế đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98 của Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê và Công ty TNHH Thương mại S&D đang được lắp đặt (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Dây chuyền thí điểm tái chế đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98 của Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê và Công ty TNHH Thương mại S&D đang được lắp đặt (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Nguyễn Duy Kiên cho biết: Đối với khu vực có nền đất yếu, cần sử dụng cát san lấp, một số nhà thầu thi công đã cùng với chủ đầu tư khảo sát nhiều mỏ cát ở tỉnh ngoài để cung cấp cho dự án. Tuy nhiên các đơn vị cung ứng cát này trả lời không cung cấp được các hồ sơ pháp lý đầy đủ của mỏ, không xác định nguồn gốc và không chấp thuận bổ sung được các mỏ cát cho dự án. Còn các mỏ đất trên địa bàn, mỏ sớm nhất được cấp cũng phải cuối tháng 5/2024, mỏ chậm nhất là quý I/2025.

Cùng gặp khó khăn như dự án tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, hiện dự án tuyến đường nối Vũng Đục (phường Cẩm Đông) đến phường Cẩm Sơn trên địa bàn TP Cẩm Phả (giai đoạn I) cũng đang phải tạm ngừng thi công, nhà thầu phải di chuyển thiết bị máy móc kỹ thuật sang công trình khác vì không có nguồn vật liệu đất đắp K98. Theo kế hoạch, dự án đến nay đã phải hoàn thành, tuy nhiên hiện mới chỉ đạt trên 60% khối lượng. Riêng phần đất đắp K98 trên tuyến có chiều dài 1,2km chưa được thi công.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hầu hết các dự án đầu tư công hay dự án ngoài ngân sách hiện nay đều đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, nhất là đối với nguồn K95, K98. Nhiều dự án, công trình đã phải thi công cầm chừng hoặc dừng thi công do thiếu nguồn vật liệu san lấp.

Thực tế này đã gây ra rất nhiều hệ lụy trong quá trình thu hút đầu tư cũng như việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kìm hãm sự phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tính đến hết tháng 4/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới chỉ đạt 10,9% kế hoạch, trong đó có đến 12/23 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân chung toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh Quảng Ninh: Tiến hành rà soát tổng thể các mỏ khai thác đất phục vụ làm vật liệu san lấp đã cấp phép trên địa bàn; ưu tiên tập trung nguồn đất đắp cho các công trình trọng điểm. Đồng thời có biện pháp kiểm soát, không để nâng giá, ép giá trong việc cung cấp nguồn vật liệu san lấp. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, độc quyền, thao túng thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và các đơn vị thi công.

Để bổ sung vật liệu san lấp, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chấp thuận dây chuyền chế biến đất đá thải mỏ thành vật liệu san lấp công trình. Theo đó, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý và yêu cầu cơ quan liên quan cấp chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án Nhà máy sản xuất gạch không nung (tại xã Hoàng Quế, TX Đông Triều). Trong đó bổ sung dây chuyền chế biến chất thải rắn xây dựng, chế biến đất đá thải mỏ thành vật liệu gia cố nền móng công trình xây dựng.

Do thiếu nguồn vật liệu san lấp, nên hiện địa bàn Quảng Ninh hiện có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang bị chậm tiến độ (Ảnh minh họa)

Do thiếu nguồn vật liệu san lấp, nên hiện địa bàn Quảng Ninh hiện có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang bị chậm tiến độ (Ảnh minh họa)

Theo văn bản số 760/UBND-GTCN&XD, UBND tỉnh giao sở Kế hoạch - Đầu tư triển khai các thủ tục và cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án theo quy định. Trước đó, Công ty CP Dịch vụ vệ sinh môi trường Đông Khê và Công ty TNHH Thương mại S&D (Đông Triều) đã phối hợp, nghiên cứu và lắp đặt dây chuyền thí điểm chế biến đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98 nhằm đáp ứng nhu cầu cho các dự án, công trình xây dựng vốn đang thiếu vật liệu đắp, giao cố công trình.

Nguồn nguyên liệu được sử dụng cho hoạt động lấy từ nguồn đất đá thải mỏ của bãi thải Nam Tràng Bạch được cấp phép khai thác, vận chuyển cho Công ty TNHH Thương mại S&D. Sản phẩm đất đá cấp phối hỗn hợp qua dây chuyền nghiền sàng, phối trộn đã được kiểm nghiệm bởi Viện Quy hoạch và Thiết kế xây dựng Quảng Ninh; được các cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm tra đủ tiêu chuẩn sử dụng gia cố, đắp nền. 

Theo đó, đơn vị sẽ điều chỉnh, sử dụng mặt bằng rộng 1,87 ha để sản xuất. Công suất chế biến chất thải rắn xây dựng đất đá thải mỏ khoảng 1.000 tấn/ngày. Hiện tại, đơn vị đã hoàn tất việc chuẩn bị mặt bằng; thiết kế, vận chuyển và tập kết dây chuyển sàng nghiền hoàn chỉnh để lắp đặt. Dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt, thi công để sớm đưa dây chuyền vào hoạt động sớm nhất. 

Được biết, việc đưa dây chuyền chế biến chất thải rắn xây dựng, chế biến đất đá thải mỏ thành vật liệu gia cố nền móng công trình xây dựng vào hoạt động sẽ đi tiên phong trong nghiên cứu, đưa dây chuyền chế biến đất đá thải mỏ làm vật liệu đắp nền K95, K98, tạo thêm nguồn vật liệu mới, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vật liệu gia cố vốn đang thiếu, đẩy nhanh tiến độ các công trình.

Có thể bạn quan tâm

  • Bản lĩnh và khát vọng của nữ doanh nhân Quảng Ninh

    Bản lĩnh và khát vọng của nữ doanh nhân Quảng Ninh

    05:20, 15/05/2024

  • Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng nhân lực cho du lịch

    Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng nhân lực cho du lịch

    22:17, 10/05/2024

  • PCI 2023: Quảng Ninh lần thứ 7 liên tiếp giữ “quán quân”

    PCI 2023: Quảng Ninh lần thứ 7 liên tiếp giữ “quán quân”

    09:45, 09/05/2024

TRUNG THÀNH