Vì sao AGM bị thu hồi hơn 45 tỷ đồng tiền hoàn thuế?

ĐÌNH ĐẠI 21/05/2024 03:37

Mới đây, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (HoSE: AGM) đã bị Cục Thuế tỉnh An Giang thu hồi hơn 45 tỷ đồng tiền hoàn thuế.

>>>AGM xoay xở giữa khó khăn

Cụ thể, theo Quyết định số 1280/QĐCTAGI, ngày 17/5/2024, Cục Thuế tỉnh An Giang quyết định thu hồi tiền hoàn thuế hơn 45 tỷ đồng của AGM, trong đó, hơn 31,2 tỷ đồng khai sai số thuế được hoàn của kỳ thuế tháng 11/2017 – tháng 12/2017; hơn 13,7 tỷ đồng khai sai số tiền được hoàn của kỳ thuế tháng 4/2018 – tháng 5/2018.

Do kê khai sai tiền hoàn thuế, AGM bị thu hồi hơn 45 tỷ đồng - Ảnh: AGM.

Do kê khai sai tiền hoàn thuế, AGM bị thu hồi hơn 45 tỷ đồng - Ảnh: AGM.

Đồng thời, AGM cũng phải nộp số tiền thuế chậm nộp tính đến ngày 8/5/2024 là hơn 28,6 tỷ đồng. Tổng cộng, AGM phải nộp tổng số tiền hoàn thế bị thu hồi và tiền chậm nộp thuế là hơn 72 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh An Giang cũng ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với AGM.

Cụ thể, Cục Thuế tỉnh An Giang buộc AGM phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính như: Công ty kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn chưa thông báo phát hành của Công ty TNHH Mekong Tech nhưng Công ty không cung cấp được hồ sơ, tài liệu chứng minh được lỗi vi phạm hóa đơn thuộc về bên bán hàng là hành vi trốn thuế;

Thanh toán một phần bằng tiền mặt đối với hóa đơn mua vào cùng ngày của cùng nhà cung cấp đối với những hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên là hành vi kê khai sai làm tăng số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, tăng số tiền thuế được hoàn;

Công ty chưa thực hiện phân bổ số thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ tương ứng với doanh thu không chịu thuế, làm tăng số thuế được hoàn là hành vi kê khai sai;

Công ty kê khai doanh thu hàng hóa xuất khẩu (doanh thu chịu thuế 0%) chưa đúng ngày xác nhận hoàn thành thủ tục Hải quan trên tờ khai hải quan là Công ty thực hiện không đúng quy định tại khoản 7, Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC sửa đổi khoản 4, Điều 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.

“Việc Công ty kê khai doanh thu hàng xuất khẩu chưa đúng ngày xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan như đã nêu trên là hành vi kê khai sai”, Quyết định của Cục Thuế tỉnh An Giang nêu.

Với những vi phạm trên, mặc dù không bị Cục Thuế xử phạt hành chính do đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, nhưng AGM bị buộc khắc phục hậu quả gồm kê khai điều chỉnh giảm thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau, số tiền hơn 9 tỷ vào kỳ khai thuế hiện tại.

Cổ phiếu AGM vừa được đưa ra khỏi diện kiểm soát từ ngày

Cổ phiếu AGM vừa được đưa ra khỏi diện kiểm soát từ ngày 3/4/2024.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý đầu năm, AGM vẫn chưa thoát khỏi tình trạng kinh doanh ảm đạm, khi tiếp tục thua lỗ. Theo đó, doanh thu thuần quý I/2024 của AGM chỉ đạt gần 59 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2023. Do kinh doanh dưới giá vốn, nên doanh nghiệp lỗ gộp 2,5 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 9 tỷ đồng.

Mặc dù, doanh nghiệp đã tiết giảm được phần lớn các chi phí như chi phí tài chính giảm 47% so với cùng kỳ; chi phí bán hàng giảm 88% so với cùng kỳ và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 39% so với cùng kỳ, nhưng vẫn không thể “cứu” được doanh nghiệp này thoát khỏi quý kinh doanh thua lỗ, với mức lỗ ròng gần 15 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế đến cuối quý I/2024 lên hơn 175 tỷ đồng.

Không chỉ kết quả kinh doanh thua lỗ, AGM còn đang gặp khó khăn về dòng tiền trả nợ vay, khiến doanh nghiệp phải bán hàng loạt tài sản để thanh toán các khoản nợ.

Theo đó, mới đây nhất, vào ngày 9/5 vừa qua, HĐQT AGM đã thông qua Nghị quyết về việc bán tài sản là nhà máy chế biến lúa gạo Bình Thành tại An Giang cho Công ty CP APC Holdings, theo hình thức bán trực tiếp. Tài sản được giao dịch bao gồm quyền sử dụng 2 thửa đất với diện tích 24.631m2; nhà cửa vật kiến trúc trên đất; toàn bộ máy móc thiết bị, thuê tài chính.

Quyết định bán nhà máy Bình Thành là một phần trong phương án xử lý tài sản đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Bắc An Giang đã được ĐHĐCĐ năm 2024 của AGM thông qua. Hiện dư nợ của AGM tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc An Giang là hơn 378 tỷ đồng và được đảm bảo bởi các tài sản là nhà máy, cửa hàng cho Công ty TNHH Angimex Furious thuê và được BIDV định giá tổng cộng hơn 297,5 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo AGM, dư nợ của doanh nghiệp tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc An Giang được theo dõi với nhóm nợ 1, được cơ cấu lần 4 và cũng là lần cơ cấu cuối cùng với thời hạn kết thúc cơ cấu vào tháng 05/2024.

Nếu sau thời hạn trên Công ty không thực hiện thanh toán nợ tại BIDV thì AGM sẽ đối diện việc xếp hạng tín dụng tại các Ngân hàng với nhóm nợ 5 (nợ có nguy cơ mất vốn), khi đó, AGM cùng các công ty thành viên sẽ không thể tiếp cận nguồn vốn tại các ngân hàng Việt Nam trong nhiều năm tới.

Do tính cấp bách của sự kiện có thể xảy ra gây bất lợi lớn cho AGM trong quá trình hoạt động kinh doanh, ĐHĐCĐ AGM đã thông qua việc bán các tài sản trong danh mục tài sản đảm bảo tại BIDV chi nhánh Bắc An Giang để thanh toán nợ và duy trì mức xếp hạng tín dụng của Công ty.

Trước đó, vào ngày 8/05, AGM cũng đã công bố thông tin về việc chậm thanh toán gốc, lãi tính đến ngày đáo hạn của gói trái phiếu mã  AGMH2123001, mệnh giá 350 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm, kỳ hạn 24 tháng và đáo hạn ngày 09/11/2023. Thanh toán định kỳ 3 tháng/lần kể từ ngày phát hành. Gốc trái phiếu được thanh toán 1 lần vào ngày đáo hạn. Theo lãnh đạo AGM, do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Công ty hiện chưa sắp xếp được nguồn thanh toán gốc và lãi tính đến ngày đáo hạn của gói trái phiếu này.

Có thể bạn quan tâm

  • AGM xoay xở giữa khó khăn

    AGM xoay xở giữa khó khăn

    02:30, 25/11/2023

  • Kinh doanh thua lỗ, AGM xin bán tài sản đảm bảo để trả nợ trái phiếu

    Kinh doanh thua lỗ, AGM xin bán tài sản đảm bảo để trả nợ trái phiếu

    11:00, 15/02/2023

  • AGM “chao đảo”

    AGM “chao đảo”

    12:30, 21/06/2022

ĐÌNH ĐẠI