PCI Lai Châu 2023: Tăng điểm nhưng cải thiện không đáng kể
Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Lai Châu vẫn chưa đánh giá cao về tính minh bạch, tiếp cận đất đai, đào tạo lao động…
>>>PCI 2023: Suy giảm niềm tin
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh trah cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Kể từ năm 2005 đến nay, PCI được coi là một trong những sáng kiến quan trọng góp phần vào sự thay đổi của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Đáng chú ý, kết quả PCI còn được Chính phủ và các bộ, ngành tham khảo để phục vụ việc xây dựng các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ví dụ như: loạt Nghị quyết 19/NQ-CP (giai đoạn 2014-2018) hay loạt Nghị quyết 02/NQ-CP (từ năm 2019 đến nay).
Theo Báo cáo Chỉ số PCI năm 2023, tỉnh Lai Châu có 8/10 Chỉ số thành phần tăng điểm hơn so với năm 2022, cụ thể: Gia nhập thị trường đạt 7.84 điểm, tăng 0.79 điểm; Chi phí thời gian đạt 7.44 điểm, tăng 0.77 điểm; Chi phí không chính thức (7.24 điểm), tăng 0.62 điểm; Cạnh tranh bình đẳng (6.70 điểm), tăng 1.04 điểm; Tính năng động của chính quyền tỉnh (6.79 điểm), tăng 0.22 điểm; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (6.36 điểm), tăng 0.82 điểm; Đào tạo lao động (5.27 điểm), tăng 0.27 điểm; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (6.74 điểm), tăng 0.05 điểm. Hai Chỉ số giảm điểm so với 2022 gồm: Tính minh bạch và Tiếp cận đất đai.
So sánh kết quả PCI năm 2023 với các năm trước của Lai Châu có thể thấy tỉnh có sự cải thiện những chưa đáng kể. Từ năm 2017 đến nay, doanh nghiệp vẫn đánh giá tỉnh Lai Châu trong nhóm trung bình hoặc tương đối thấp của cả nước. Điều đó cho thấy dư địa cải cách của Lai Châu vẫn còn rất lớn trong thời gian tới.
>>>PCI 2023: 8 xu hướng mới về chất lượng điều hành cấp tỉnh
>>>PCI 2023: 19 năm nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), báo cáo PCI 2023, Báo cáo PCI và PGI 2023 có thể thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng có một số điểm cần quan tâm. Các doanh nghiệp gặp trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại… Báo cáo PCI 2023 cũng chỉ ra khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí khó khăn hơn so với năm 2022 là về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, tìm kiếm nhà cung cấp, tìm kiếm nhân sự, thực hiện TTHC, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động thị trường, biến động chính sách pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo thực hiện hợp đồng, và thiên tai, biến đổi khí hậu.
Trong đó, năm vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải, theo khảo sát PCI 2023, bao gồm: tiếp cận vốn (57,1%), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh COVID-19 (25,5%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).
Theo doanh nghiệp tỉnh Lai Châu đánh giá, trong những năm qua chính quyền tỉnh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, vẫn còn những rào cản nhất định từ các cơ quan thực thi ở ban, ngành địa phương.
Doanh nghiệp cũng đánh giá tỉnh Lai Châu có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội (diện tích tự nhiên lớn, nhiều khoáng sản quý, mật độ sông suối dày, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hoá các dân tộc đặc sắc… Tuy nhiên, Lai Châu vẫn chưa đủ lực hấp dẫn để giữ chân các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nếu như có các dự án lớn đầu tư vào sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp có thêm việc làm, có cơ hội học hỏi, liên kết phát triển tốt hơn…
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến hết năm 2023, Việt Nam thu hút được 39.140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 468,917 tỷ USD. Dòng vốn FDI thời gian qua vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư, thể hiện trong Top 10 địa phương thu hút nhiều FDI nhất, bao gồm: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Long An và Quảng Ninh.
Top 10 địa phương thu hút FDI thấp nhất của Việt Nam tính lũy kế đến năm 2023, bao gồm: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Gia Lai, Sơn La, Cà Mau, Tuyên Quang và Đồng Tháp. Trong đó, tỉnh Lai Châu và Điện Biên chỉ thu hút được 1 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký rất nhỏ, chỉ lần lượt 1,5 triệu USD và 3 triệu USD.
Có thể bạn quan tâm
Triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW: Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp năm 2030
08:00, 11/05/2024
4.322 điểm cầu trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW
15:50, 10/05/2024
ĐIỂM BÁO NGÀY 15/5: Triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW
04:48, 15/05/2024
Lai Châu: Quy hoạch là cú hích để bước vào giai đoạn phát triển mới
13:24, 23/01/2024
Thủ tướng Chính phủ: Lai Châu cần làm tốt 3 đột phá chiến lược
22:05, 19/11/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê chuẩn chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu
21:21, 21/07/2023