Cơ hội cho cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết khi mở rộng công suất nhà máy

DƯƠNG THUỲ 22/05/2024 05:00

Theo đánh giá của các chuyên gia, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp mở rộng công suất có nhiều cơ hội tăng trưởng trở lại nhờ kết quả kinh doanh khả quan.

>>>Triển vọng từ các doanh nghiệp niêm yết: Kiểm soát tốt chi phí, tăng dự phòng

Cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết hưởng lợi từ mở rộng sản xuất kinh doanh

Cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết hưởng lợi từ mở rộng sản xuất kinh doanh

Theo đánh giá của các chuyên gia từ Agriseco, từ đầu năm, nền kinh tế đã có những tín hiệu phục hồi rõ nét như GDP Quý I tăng trưởng 5,66% so với cùng kỳ - mức cao nhất từ năm 2020; Chỉ số PMI đã phục hồi lên trên 50 điểm; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm tăng trưởng hai chữ số. Với xu thế phục hồi của hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư mở rộng công suất được kỳ vọng sẽ hưởng lợi để đón đầu xu thế trên.

 Trong các năm gần đây, giá trị nguyên giá tài sản cố định (TSCĐ) của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng ổn định với CAGR đạt khoảng 5% cho giai đoạn 2019 - 2023. Tại thời điểm 31/3/2024, tổng giá trị nguyên giá TSCĐ các doanh nghiệp trên cả ba sàn đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% từ đầu năm và cao hơn gần 5% so với cuối năm 2022.  

Bên cạnh đó, tài sản xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng lên, đây là khoản mục sau khi hoàn thành có thể được kết chuyển sang tài sản cố định giúp doanh nghiệp gia tăng công suất và quy mô hoạt động. Tính đến thời điểm cuối Quý 1/2024, tổng giá trị tài sản xây dựng cơ bản dở dang tăng trưởng 10,6% so với cuối năm 2022. Trong đó, một số ngành có tài sản xây dựng cơ bản dở dang tăng lên bao gồm ngành vận tải (tăng 67% so với cuối năm 2022); ngành kim loại (tăng 56% so với cuối năm 2022); ngành dược phẩm (tăng 19% so với cuối năm 2022). Đây là các nhóm ngành được kỳ vọng có câu chuyện tăng trưởng từ việc mở rộng quy mô trong năm nay. 

DHG - Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đang đầu tư mở rộng thêm nhà máy đạt chuẩn Japan - GMP với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng giúp tăng công suất của doanh nghiệp thêm 25% so với trước đó. Nhà máy này dự kiến vận hành từ Quý 4/2024. Có thể nói, với việc xây dựng nhà máy đạt chuẩn Japan - GMP, DHG sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh khi đấu thầu ở nhóm thuốc 1 - 2 tại kênh ETC (đấu thầu bệnh viện). Hiện nay doanh thu kênh ETC của DHG đang chiếm khoảng 11% và có xu hướng gia tăng.

Với DRC - Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng, từ tháng 12/2023, giai đoạn 3 của Nhà máy lốp xe Radial đã chính thức được DRC đưa vào vận hành và có thể hoạt động tối đa công suất vào Quý 3/2024, đưa công suất lốp Radial tăng lên 1.000.000 lốp/năm, tương ứng mức tăng 67% so với trước đó. Theo doanh nghiệp, nhà máy mới có thể hoạt động vượt quá công suất thiết kế, đạt 1.200.000 lốp/năm.

Có thể nói, việc đưa nhà máy lốp xe Radial đưa vào vận hành giúp DRC đón đầu được sự phục hồi về nhu cầu trong năm 2024, đặc biệt tại 2 thị trường xuất khẩu chính là Brasil và Mỹ khi 2 thị trường này vẫn đang áp thuế với lốp xe Trung Quốc.

DHT - Công ty Cổ phần Dược Hà Tây. Hiện Dự án Nhà máy Dược phẩm Công nghệ cao Hataphar tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng mức đầu tư là 1.350 tỷ đồng. Nhà máy đạt chuẩn EU – GMP, sản xuất thuốc tân dược (thuốc tim mạch, tiêu hóa, tiểu đường) với công suất 2 tỷ sản phẩm/năm, dự kiến đi vào hoạt động một phần từ năm 2024.  Theo ban lãnh đạo, nhà máy khi vận hành toàn bộ có thể đem lại 1.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho DHT, tăng khoảng 50% so với trước đó. Với nhà máy mới đạt chuẩn EU – GMP, DHT có thể tập trung vào nhóm thuốc tân dược và đẩy mạnh doanh thu từ kênh ETC còn nhiều tiềm năng

MSH - Công ty Cổ phần May Sông Hồng. Tháng 11/2023, MSH đã khởi công xây dựng nhà máy Xuân Trường II với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động từ giữa năm 2024. Với công nghệ hiện đại và khoảng 50 chuyền may sản xuất sản phẩm áo jacket, MSH có thể gia tăng công suất thêm khoảng 25% so với trước đó.

Với nhà máy mới, quy mô lao động của MSH sẽ tăng lên từ gần 12.000 lao động lên thành 15.000 lao động. Ngoài ra, nhà máy sông Hồng 10 hiện mới đang hoạt động với hiệu suất khoảng 50% và có thể tiếp tục cải thiện trong năm 2024 khi các đơn hàng xuất khẩu phục hồi. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 của MSH tích cực khi ngành dệt may được đánh giá sẽ phục hồi. Trong Quý 1/2024, các tín hiệu khởi sắc từ các thị trường xuất khẩu đã dần xuất hiện.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu hàng may mặc 4 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng khoảng 6,3% yoy. Các đối tác chính như Walmart, Nike,... cũng đang bắt đầu gia tăng đơn hàng hướng đến mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Việc mở rộng nhà máy sẽ giúp MSH tăng cường lợi thế cạnh tranh với các đơn hàng fob có giá trị gia tăng cao hơn...

Với vị thế các doanh nghiệp có nhiềm tiềm năng, Agriseco cho rằng nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu nhóm doanh nghiệp tăng trưởng nhờ mở rộng công suất các nhà máy trong năm 2024.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp ô tô ngập trong khó khăn

    Doanh nghiệp ô tô ngập trong khó khăn

    15:28, 21/05/2024

  • Hội chợ Xúc tiến thương mại: Bước tiến thị trường cho doanh nghiệp

    Hội chợ Xúc tiến thương mại: Bước tiến thị trường cho doanh nghiệp

    15:07, 21/05/2024

  • Doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa để ổn định sản xuất

    Doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa để ổn định sản xuất

    10:21, 21/05/2024

  • Doanh nghiệp châu Á tìm cách đối phó với việc tăng thuế của Mỹ

    Doanh nghiệp châu Á tìm cách đối phó với việc tăng thuế của Mỹ

    03:00, 21/05/2024

  • Cơ hội

    Cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt tại Australia

    19:39, 20/05/2024

DƯƠNG THUỲ