Dùng chung visa: Mở ra cơ hội lớn cho thị trường quốc tế đến Việt Nam
Thái Lan đưa ra đề xuất các nước ASEAN sử dụng chung thị thực được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam thu hút khách quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều thách thức.
>>Đông Nam Á có thể thực hiện sáng kiến visa chung
Mới đây, Thái Lan đã có sáng kiến muốn cùng 5 nước Việt Nam , Campuchia, Lào, Malaysia và Myanmar thành lập khu vực thị thực (visa) chung để khách quốc tế xin visa một lần nhưng có thể đến được 6 nước.
Mở ra nhiều cơ hội
Ủng hộ sáng kiến visa chung 6 nước, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Phạm Trung Lương nhận định, việc sử dụng visa chung rất có lợi khi du khách đến nước này nếu còn thời gian có thể quá cảnh sang nước khác mà không cần phải xin visa. Riêng đối với Việt Nam việc sử dụng chung visa còn tạo cơ hội thu hút du khách quốc tế khi đến Thái Lan, Malaysia sẽ đến Việt Nam bởi nước ta có đường bay thẳng đến Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Yangon (Myanmar)…
>>Đề xuất mở rộng chính sách visa để tăng tốc phục hồi ngành du lịch
Đánh giá cao về đề xuất của Thái Lan, Chủ tịch CLB du lịch lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho hay, việc cấp thị thực một lần và sử dụng được ở 6 nước là tạo cơ hội cho những khách hàng có mức chi tiêu cao đi nhiều nước tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch. Bên cạnh đó việc áp dụng visa chung sẽ thúc đẩy thêm về du lịch đường bộ qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng tour đường bộ liên tuyến Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Myanmar.
CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, việc thành lập khu vực thị thực chung 6 quốc gia sẽ giúp tăng sức cạnh tranh du lịch của 6 nước so với những điểm đến khác trong khu vực ASEAN và các cường quốc du lịch ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Thái Lan hiện miễn visa cho khách đến từ hơn 80 quốc gia, nhưng Việt Nam mới miễn visa đối với khoảng 30 nước. Nếu tham gia chính sách visa chung sẽ là bước nhảy vọt với sự cải thiện chính sách visa du lịch của Việt Nam. Còn nếu không tham gia, Việt Nam sẽ bị mất cơ hội và lợi thế, bởi khi đó, chúng ta không chỉ có đối thủ là Thái Lan, mà cả 4 quốc gia khác nữa.
“Về vấn đề kiểm soát an ninh, tôi nghĩ không có vấn đề gì. Chỉ duy nhất yếu tố kỹ thuật là phí visa được thu và phân bổ cho các nước như thế nào là chúng ta cần phải đạt được thỏa thuận với các nước”, CEO Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.
Việc thực thi là một thách thức
Mặc dù việc sử dụng chung visa sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch hút khách quốc tế đến Việt Nam, tuy nhiên đây là điều không dễ thực hiện.
Ở góc độ cơ quan quản lý du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, việc xem xét, tiến tới thực hiện visa chung 6 nước cần cân nhắc các yếu tố chính trị ổn định, đảm bảo các vấn đề quốc phòng - an ninh, ngoại giao của tất cả các nước trong nhóm nước đề xuất visa chung.
Mặt khác, cần xem xét tính khả thi của đề xuất, bởi trong thực tế, hợp tác du lịch khu vực, cơ chế hợp tác 5 nước ACMECS (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan) đã nhiều lần đưa ra sáng kiến visa chung, nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Từ góc độ chuyên gia, Trưởng khoa Du lịch học Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) PGS-TS Phạm Hồng Long cho rằng, khối ASEAN còn nhiều rào cản trong việc sử dụng chung visa vì chính phủ các nước chưa thống nhất vấn đề xét duyệt visa đồng bộ. Nên ý tưởng dùng chung visa là hay nhưng việc thực thi là một thách thức.
“Trước đây, các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong đã ký kết công nhận các loại xe lưu thông qua biên giới mà không phải làm thủ tục tại các cửa khẩu. Khi triển khai còn nhiều hạn chế, do yêu cầu và quy định chưa nhất quán”-ông Long nêu ví dụ.
Có thể bạn quan tâm
Đông Nam Á có thể thực hiện sáng kiến visa chung
03:00, 15/04/2024
Đề xuất mở rộng chính sách visa để tăng tốc phục hồi ngành du lịch
02:00, 20/03/2024
Tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt: “Nới” điều kiện visa
14:41, 29/02/2024
Mở rộng chính sách visa – Tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt
15:26, 27/02/2024