Xem xét ngưỡng nồng độ cồn khi tham gia giao thông

NGUYỄN VIỆT 22/05/2024 16:56

Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nên cho phép ngưỡng nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với người đi xe gắn máy. 

>>Quốc hội sẽ tiến hành thủ tục miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Công an

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ý kiến về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông tại phiên thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chiều 22/5.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với quan điểm đã lái xe không uống rượu bia, tuy nhiên theo đại biểu Phạm Văn Hòa trên thế giới chỉ có 23 quốc gia (trong đó có Việt Nam) quy định nồng độ cồn trong hơi thở bằng 0 khi tham gia giao thông.

Trong khi đó phần lớn các quốc gia cấm nồng độ cồn là quốc gia hồi giáo. Hơn nữa, theo đánh giá 90% tai nạn giao thông xảy ra do ý thức, nhận thức của con người. Tại Việt Nam, thu nhập của nhiều người dân Việt Nam không đủ điều kiện để thuê xe dịch vụ, đây cũng là ý kiến của nhiều cử tri gửi gắm đại biểu Quốc hội tại các buổi tiếp xúc cử tri. 

Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nên cho phép ngưỡng nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với người đi xe gắn máy. 

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) cho rằng trên thế giới có rất ít quốc gia thực hiện cấm tuyệt đối. Nếu tiến hành cấm tuyệt đối, vẫn chưa có đánh giá tác động đến phong tục, tập quán, truyền thống Việt Nam.

“Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc chọn phương án nào phù hợp, nếu cần thiết xây dựng 2 phương án để đại biểu Quốc hội lựa chọn”, đại biểu Trần Công Phàn nói.

Có quan điểm khác về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho rằng việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định. Với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì người dân không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Nếu quy định có ngưỡng nhất định thì người dân khó xác định uống bao nhiêu, nhất là khi uống vào khó làm chủ bản thân và bị vượt ngưỡng. Hơn nữa quy định này đã dần đi vào cuộc sống, nhiều người dân đã từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Do đó, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương bày tỏ thống nhất với quy định của dự thảo Luật. 

>>Từ ngày 20-22/5, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

>>Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương).

Quan tâm đến quy định nồng độ cồn khi lái xe trong dự thảo Luật lần này, theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) trong số các đại biểu Quốc hội vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục để Quốc hội quyết định sao cho Luật thông qua sẽ thấu tình đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng của đa số Nhân dân. 

Ví dụ, có bao nhiêu phần trăm số vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra và trong số vụ tai nạn do rượu bia, có bao nhiêu phần trăm số vụ chủ yếu ở độ tuổi nào, các đặc điểm chung của các nhóm đối tượng vi phạm…

Nếu số lượng vụ vượt ngưỡng chiếm đa số các vụ tai nạn do rượu bia gây ra và chỉ tập trung vào một số nhóm đối tượng nào đó thì có thể phân tầng và và áp dụng các biện pháp giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức, nghĩa là không nên quy định nồng độ cồn bằng 0.

“Ngược lại, nếu số liệu thống kê cho thấy loại hình tai nạn do rượu bia gây ra chiếm tỉ lệ lớn, phân bổ ở mọi đối tượng, thành phần, độ tuổi không kể vượt ngưỡng hay dưới ngưỡng thì phải đưa quy định nồng độ cồn bằng 0 vào Luật. Có như vậy thì Luật được thông qua sẽ đảm bảo tính nghiêm minh, khách quan”, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề xuất.

Góp ý về quy định nồng độ cồn, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhận thấy thời gian qua nhiều người dân bức xúc vì Nghị định 100 phạt rất nặng, uống ít cũng bị tịch thu bằng lái.

“Vì vậy, để người dân đồng thuận phần lớn, Luật sau khi thông qua thì cần sửa đổi Nghị định 100 và phân hóa nếu uống bia, rượu ở mức thấp thì chỉ cần xử phạt hành chính để nhắc nhở mà không thu bằng lái, qua đó sẽ giải quyết được bất cập hiện nay”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội sẽ tiến hành thủ tục miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Công an

    14:22, 21/05/2024

  • Ông Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV

    15:16, 20/05/2024

  • Từ ngày 20-22/5, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

    03:30, 20/05/2024

  • Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự

    09:02, 19/05/2024

NGUYỄN VIỆT