Tiền Giang chuyển đổi số đồng bộ
Phát triển đồng bộ 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang.
Trong đó, Tiền Giang xác định chính quyền số đóng vai trò then chốt trong việc định hình và vận hành quá trình chuyển đổi số.
Thiết lập nền tảng
Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả. Tỉnh đã tập trung nguồn lực để triển khai “Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Hiện nay, tỉnh có các nền tảng, hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung, như: Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử công vụ; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; hệ thống báo cáo đa ngành… được duy trì hoạt động ổn định và có hiệu quả.
Trong đó, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã triển khai phiên bản nâng cấp hệ thống cho 45 cơ quan, đơn vị (gồm: UBND tỉnh; 33 sở, ban, ngành; 11 UBND cấp huyện phủ khắp đến cấp xã) và tạo lập, chuyển đổi 1.174 mã định danh điện tử cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương đảm bảo gửi nhận liên thông 4 cấp qua Trục liên thông văn bản quốc gia và được tích hợp chữ ký số đảm bảo giá trị pháp lý cho gửi, nhận văn bản điện tử.
Bên cạnh đó, hệ thống họp trực tuyến 2 chiều (hội nghị truyền hình trực tuyến) tỉnh hiện có 207 điểm cầu phục vụ tốt các cuộc họp giữa tỉnh với Trung ương và với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định; 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc mở rộng đến các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; đã cấp trên 11.000 tài khoản thư điện tử cho các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh.
Tính đến quý I/2024, hệ thống thông tin giải quyết thủ thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh cung cấp 1.772 dịch vụ công (DVC), trong đó có 1.208 DVC trực tuyến toàn trình, 463 DVC trực tuyến một phần và 101 DVC cung cấp thông tin, đạt 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến toàn trình. Đồng thời, đã tích hợp 1.239 DVC trực tuyến của tỉnh trên Cổng DVC quốc gia.
Đặc biệt, sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là đầu mối tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; đã có khoảng 1.400 TTHC của các lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp tỉnh được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết tại Trung tâm.
Thúc đẩy kinh tế số
Xây dựng chính quyền số là một trong những nền tảng quan trọng để Tiền Giang thúc đẩy phát triển kinh tế số. Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang, trong năm 2023, chương trình phát triển kinh tế số đã mang lại những hiệu quả tốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Số liệu thống kê cho thấy, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số (có 3.235/6.066 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh). Giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm khoảng 15,2% tổng GRDP của tỉnh (tương đương 17.238 tỷ đồng/112.818 tỷ đồng).
Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị, tập huấn về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Hội thảo chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (năm 2022); Hội thảo tăng tốc chuyển đổi số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (năm 2023) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh
Tăng cường các hoạt động hợp tác Thỏa thuận về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số: Ký kết hợp tác tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang giữa Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang và Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang.
Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận và sử dụng các nền tảng chuyển đổi số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử... Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nộp thuế điện tử là 5.555/6.066 đạt tỷ lệ 91,57%; số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch 2.500/6.066, đạt 41,21%.
Về phát triển thương mại điện tử, Tiền Giang tỉnh hiện đã có 276.882 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử xếp thứ 02/63 tỉnh/thành phố; với 2.420 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, xếp thứ 28/63 tỉnh/thành phố; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là 15.811 giao dịch, xếp thứ 51/63 tỉnh/thành phố.
Với những nền tảng đã có, năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động, triển khai, thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế số. Tiến hành khảo sát chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đánh giá mức độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, từ đó, triển khai các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số đạt hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm