Không bổ sung dịch vụ thương mại điện tử… vào Danh mục phải đăng ký

ANH KHÔI 26/05/2024 03:00

Để đảm bảo sự phù hợp, VCCI đề nghị, không bổ sung dịch vụ thương mại điện tử do nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp vào Danh mục phải đăng ký…

>> Cân nhắc đánh thuế VAT đơn hàng giá trị nhỏ qua thương mại điện tử

Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 3021/BCT-CT ngày 07/05/2024 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Đề xuất bổ sung lĩnh vực “Dịch vụ thương mại điện tử do nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp” vào Danh mục phải đăng ký tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (Đề xuất).

VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 3021/BCT-CT ngày 07/05/2024 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Đề xuất bổ sung lĩnh vực “Dịch vụ thương mại điện tử do nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp” vào Danh mục phải đăng ký - Ảnh minh họa: ITN

VCCI vừa có văn bản góp ý Đề xuất bổ sung lĩnh vực “Dịch vụ thương mại điện tử do nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp” vào Danh mục phải đăng ký - Ảnh minh họa: ITN

Tại văn bản góp ý, VCCI cho rằng, việc bổ sung lĩnh vực “Dịch vụ thương mại điện tử do nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp” vào Danh mục phải đăng ký tại Dự thảo Quyết định là chưa phù hợp, bởi:

Thứ nhất, cơ sở xem xét bổ sung dịch vụ này chưa phù hợp với Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023. Điều 28.1 Luật Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra các tiêu chí để một sản phẩm, dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký với cơ quan nhà nước là có số lượng lớn người mua, sử dụng thường xuyên, có tác động trực tiếp, lâu dài đến người tiêu dùng.

Dịch vụ này chưa thực sự đáp ứng được các tiêu chí về tác động trực tiếp, lâu dài đến người tiêu dùng. Để đánh giá tiêu chí này, theo VCCI, cần đặt dịch vụ này trong mối tương quan tổng thể với ngành (ngành bán lẻ).

Cụ thể, quy mô giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam còn thấp. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) năm 2023 chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Tỷ lệ này so với Trung Quốc – nước có nhiều điểm tương đồng cũng rất thấp khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 27,2%, gấp hơn 3,6 lần so với Việt Nam.

>>Giải pháp nào chống thất thu thuế thương mại điện tử?

Trong đó, VCCI đề nghị không bổ sung dịch vụ thương mại điện tử do nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp vào Danh mục phải đăng ký - Ảnh minh họa: ITN

Trong đó, VCCI đề nghị không bổ sung dịch vụ thương mại điện tử do nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp vào Danh mục phải đăng ký - Ảnh minh họa: ITN

Nói cách khác, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, dù tốc độ phát triển cao, vẫn mới chỉ trong giai đoạn đầu. Trong khi đó, mua sắm qua nền tảng số cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (hay sàn thương mại điện tử) chỉ là một hình thức thương mại điện tử.

Người tiêu dùng có nhiều lựa chọn mua sắm, như: Các kênh mua sắm rất đa dạng, mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Với các kênh trực tiếp, có thể là chợ, siêu thị, bán hàng trực tiếp. Với các kênh online, có thể là website bán hàng của chính doanh nghiệp, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Chẳng hạn, kênh mạng xã hội (có một số điểm tương đồng với mua qua nền tảng số), có 65% người tiêu dùng sử dụng.

“Thực tế, thương nhân bán hàng cũng triển khai bán hàng đa kênh, chứ không phụ thuộc vào các nền tảng số (44% doanh nghiệp sử dụng kênh website thương mại điện tử của chính doanh nghiệp và 65% doanh nghiệp sử dụng kênh mạng xã hội).

Người tiêu dùng có quyền quyết định kênh mua sắm, và có thể chuyển đổi linh hoạt giữa các kênh sao cho có lợi nhất với mình (như mua được giá rẻ hơn, được giao hàng nhanh hơn…). Theo phản ánh của doanh nghiệp, ngành bán lẻ, bao gồm cả ngành thương mại điện tử, vẫn mang tính cạnh tranh cao, thuận lợi cho người mua. Do đó, việc cho rằng giao dịch qua các nền tảng số mang tính áp đặt cao là chưa phù hợp”, VCCI góp ý.

Thứ hai, theo VCCI, quy định này có nguy cơ chồng chéo về thủ tục hành chính khi Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã quy định thủ tục hành chính liên quan đến việc kiểm soát điều kiện giao dịch chung của các sàn thương mại điện tử.

Cụ thể, thủ tục đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy định hồ sơ đăng ký thiết lập sàn phải có mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung (Điều 55) và phải thông báo sửa đổi, bổ sung thông tin khi có thay đổi về nội dung này (Điều 56). Ngoài ra, Điều 32.3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về nội dung, hình thức và cơ chế người tiêu dùng thể hiện sự đồng ý với điều kiện giao dịch chung.

Khi đó, doanh nghiệp có thể phải thực hiện 2 thủ tục hành chính cho cùng một nội dung thay đổi trong điều kiện giao dịch chung ở 2 cơ quan cùng thuộc Bộ Công Thương: Thủ tục đăng ký lại lại website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương); Đăng ký điều khoản giao dịch chung theo Dự thảo này với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương).

Thứ ba, pháp luật đã có cơ chế kiểm soát hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung thông qua cơ chế hậu kiểm.

Cụ thể, theo VCCI, Điều 28.2 Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã trao quyền cho cơ quan quản lý nhà nước hủy bỏ hoặc sửa đổi các nội dung trong hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện sự tồn tại của các nội dung này. Điều này có nghĩa là cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thể xử lý các điều khoản bất lợi với người tiêu dùng bất kỳ lúc nào. Khi đó, việc yêu cầu đăng ký hợp đồng mẫu (tiền kiểm) là không cần thiết và tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng có nhiều quy định bảo vệ người tiêu dùng theo nhiều cơ chế khác nhau, chẳng hạn như kiểm soát việc soạn thảo, giao kết hợp đồng, điều khoản giao dịch chung phải tuân thủ Điều 23-28 Luật Bảo vệ người tiêu dùng; các quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của người bán và nền tảng số theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP).

Từ các phân tích đã nêu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo không bổ sung dịch vụ thương mại điện tử do nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp vào Danh mục phải đăng ký.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh thu quản lý thuế thương mại điện tử đạt 6,6 triệu tỷ đồng trong 2 năm

    Doanh thu quản lý thuế thương mại điện tử đạt 6,6 triệu tỷ đồng trong 2 năm

    11:26, 26/04/2024

  • Cân nhắc đánh thuế VAT đơn hàng giá trị nhỏ qua thương mại điện tử

    Cân nhắc đánh thuế VAT đơn hàng giá trị nhỏ qua thương mại điện tử

    05:30, 26/04/2024

  • Xây dựng nền tảng thương mại điện tử: Tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp khởi nghiệp

    Xây dựng nền tảng thương mại điện tử: Tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp khởi nghiệp

    09:01, 25/04/2024

  • Xây dựng mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử: Yếu tố tạo nên thành công cho doanh nghiệp khởi nghiệp

    Xây dựng mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử: Yếu tố tạo nên thành công cho doanh nghiệp khởi nghiệp

    10:36, 24/04/2024

  • Khai giảng Khóa tập huấn Xây dựng mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử

    Khai giảng Khóa tập huấn Xây dựng mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử

    09:08, 24/04/2024

ANH KHÔI